Các thành viên chính:
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia
ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân
ThS. Nguyễn Thị Hồng Diệp
TS. Nguyễn Cao Lãnh ThS. Lê Lan Hương ThS. Trần Thị Thu Phương ThS. Trần Duy Hưng
KS. Lê Thanh Bình
CN. Nguyễn Minh Tú CN. Nguyễn Thị Ái Dương CN. Nguyễn Tiến Dũng
CN. Phan Thanh Bích
CN. Nguyễn Tố San
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết
Khu Công nghệ cao (CNC) được hình thành và phát triển với mục tiêu Góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao của đất nước; Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ cao, nhân lực công nghệ cao trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực phát triển kinh tế; Tạo điều kiện thuận lợi gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thương mại hóa công nghệ cao; Góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Khu công nghệ cao (CNC) bắt đầu được nghiên cứu đầu tư xây dựng từ sau khi Nghị quyết Hội nghị trung ương số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 được ban hành. Đến nay đã có 04 khu CNC được hình thành gồm: Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Được thành lập theo quyết định số 145/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 (viết tắt là SHTP), Khu công nghệ cao Hòa Lạc (viết tắt là HHTP) được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998, Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 và khu công nghệ cao sinh học Đồng Nai thành lập năm 2016. Ngoài ra có 05 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) cũng đã được quyết định thành lập.
Theo Điều 31 Luật công nghệ cao: “Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao”. Và Điều 32: “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp”. Như vậy có 02 loại hình khu CNC là khu CNC và khu NNUDCNC; các khu CNC do Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập.
Việc hình thành khu CNC tại Việt Nam ở những bước ban đầu với nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và học tập từ nước ngoài. Các khu CNC có quy mô khác nhau, các chức năng không hoàn toàn thống nhất và có các lĩnh vực đầu tư cũng không giống nhau. Các khu vực chức năng chính của 1 khu CNC thường bao gồm: Khu sản xuất công nghệ cao; Khu nghiên cứu - phát triển đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu quản lý - hành chính; Khu nhà ở; Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hậu cần, logistic, dịch vụ công nghệ cao... Và những lĩnh vực ưu tiên phát triển trong khu CNC là: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ nano; Kinh doanh và thương mại Tài chính - đầu tư; Phát triển hạ tầng; Đào tạo; Nghiên cứu - sản xuất.
Ở nước ngoài, các khu công nghiệp thế hệ mới theo xu thế công nghệ cao xuất hiện nhiều tại các nước phát triển, với các hình thái đa dạng như Hi-tech park, Industry park, Science – Park. Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã thành lập Công viên Khoa học Tân Trúc (HSP) vào ngày 15 tháng 12 năm 1980. Nằm dọc thành phố và quận Tân Trúc, HSP rộng 6,5 km vuông hiện chủ yếu do các công ty bán dẫn và quang điện tử chiếm giữ. Hơn 530 công ty cho thuê hiện đang tuyển dụng hơn 152.000 người tại công viên. Trong ba năm qua, các công ty HSP đạt doanh thu trung bình hàng năm hơn 1 nghìn tỷ Đài tệ (khoảng 33,5 tỷ USD), có xu hướng biến động theo những thăng trầm của nền kinh tế toàn cầu. Trong những năm qua, các công ty HSP đã được chấp thuận đầu tư hơn 1 nghìn tỷ Đài tệ. Có thể dễ dàng minh họa sự phụ thuộc lẫn nhau của các công ty cho thuê với Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp, Đại học Quốc gia Thanh Hoa và Đại học Quốc gia Chiao Tung bằng thực tế là hơn 50 công ty trong số này có nguồn gốc từ các tổ chức nói trên. Là một cường quốc công nghiệp công nghệ cao toàn cầu và là lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất điện tử toàn cầu, Công viên Khoa học Tân Trúc đang tiến về phía trước trong việc tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ cao đa dạng như sản xuất vi mạch tiên tiến, IoT, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, điều trị y tế chính xác, cao cấp, thiết bị y tế, dược phẩm mới và công nghệ viễn thông băng thông rộng không dây, đã biến công viên thành mô hình toàn cầu về phát triển công nghiệp công nghệ cao
Các văn bản pháp luật quy định về khu CNC dựa trên 2 hệ thống chính là các cơ chế chính sách và lý thuyết kinh tế về phát triển CNC và hệ thống Luật Xây dựng quy định về quy hoạch tổ chức không gian.
- Văn bản pháp lý chính thức đầu tiên quy định về khu CNC là Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về ban hành quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Sau đó Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 Quy chế khu CNC thay thế cho Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997. Luật công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008 hoàn thiện hành lang pháp lý với kỳ vọng tạo động lực phát triển khu CNC.
- Luật Xây dựng Số 50/2014/QH13 ngày 18/6/201 xếp khu CNC là 1 trong 7 Khu chức năng đặc thù, quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng chung cho 7 khu. Luật Quy hoạch 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 quy định thay đổi “khu chức năng đặc thù” thành “khu chức năng”.
- Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 08/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đã định hướng đầu tư hoàn thiện 03 khu CNC hiện có và phát triển 03 khu CNC mới trên cả nước. Quy hoạch cũng yêu cầu về việc lập quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghệ cao đồng bộ với việc xây dựng các khu công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quản lý khu công nghệ cao và cũng đặt ra các yêu cầu để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư trong khu công nghệ cao.
Hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng trước đây chỉ có hướng chung cho quy hoạch khu chức năng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan, chua thực sự phù hợp. Việc lập quy hoạch khu CNC cũng thường được tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, tuy nhiên chưa thể nghiên cứu toàn diện và đảm bảo sự phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Do đó, việc xây dựng hướng dẫn thiết kế Quy hoạch khu công nghệ cao là cần thiết, phù hợp yêu cầu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Nghiên cứu Đánh giá về thực trạng, ưu nhược điểm và sự biến đổi Khu công nghệ cao tại Việt Nam và trên thế giới.
Xây dựng hướng dẫn thiết kế Quy hoạch Khu công nghệ cao phù hợp với điều kiện Việt Nam làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu lập quy hoạch Khu CNC mới và cải tạo khu CNC hiện có.
3. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là Công tác thiết kế quy hoạch khu Công nghệ cao bao gồm khu công nghệ cao (cũng như khu công nghệ thông tin tập trung) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các đối tượng này sẽ được giải thích rõ ở phần khái niệm sau.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp tổng hợp và phân tích hệ thống: được sử dụng trong toàn bộ nghiên cứu. Tại mỗi chương nội dung nghiên cứu đều được trích dẫn từ nhiều nguồn, sau đó tổng hợp và phân tích các yếu tố liên quan và tác động đến sự biến đổi Khu công nghệ cao cũng như hình thành các quan điểm về Khu công nghệ cao mới phù hợp.
- Phương pháp điều tra và quan sát thực địa: được sử dụng ở chương Đánh giá thực trạng phát triển Khu công nghệ cao tại các đô thị Việt Nam. Qua điều tra và khảo sát thực tế nhằm nhận diện được thực trạng xây dựng và phát triển các Khu công nghệ cao hiện nay.
- Phương pháp kế thừa: được sử dụng trong các nội dung đề tài, thông qua tiếp thu các tài liệu nghiên cứu sẵn có để tổng hợp và phát triển tiếp phục vụ cho kết quả đề tài này.
Phương pháp dự báo: trước thực tiễn phát triển khoa học công nghệ của quốc gia và thế giới, đưa ra những nhận định về nhu cầu và xu hướng phát triển khu CNC.
- Phương pháp chuyên gia: thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp, hội thảo khoa học, tổ chức lấy ý kiến chuyên gia trong các lĩnh vực, các ngành liên quan đến lập quy hoạch, đầu tư phát triển khu CNC. Các kết quả của chuyên gia sẽ được tổng hợp, phân tích, bổ sung và làm dẫn chứng, luận cứ trong các phần của đề tài.