Chủ nhiệm đề tài: Ths. KTS Lê Thị Thúy Hà
Nhóm thực hiện: Ths. KTS Mai Đức Thanh
Ths. KTS Đào Phương Thanh
Ths.KTS Lê Thiết Hùng
CN. Nguyễn Hồng Chi
Và các cán bộ phòng Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách PTĐT
MỤC LỤC A. PHẦN MỞ ĐẦU |
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết phải nghiên cứu
Lịch sử phát triển các đô thị ở Việt Nam cũng như thế giới luôn gắn liền với các con sông. Yếu tố mặt nước đã sớm tham gia vào việc hình thành đô thị từ xa xưa, khi mà trong quá trình hình thành đô thị, tụ điểm thương mại hình thành trên cơ sở của đầu mối giao thông thủy. Từ việc đáp ứng các chức năng căn bản của đô thị như lưu thông hàng hóa, đi lại, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước tưới... mặt nước đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc của đô thị, trong đó có cả các yếu tố thẩm mỹ và văn hóa. Hệ thống không gian dọc sông do đó đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đô thị.
Tại Việt Nam, ngày 25/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1393 QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Với nước ta, Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Trong đó, mục tiêu đô thị hoá bền vững sẽ bắt đầu từ quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Theo đó, phải rà soát quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận để đạt chuẩn bền vững, quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái... Đặc biệt trong các vị trí đặc thù nhiều tiềm năng như các không gian dọc sông, tính bền vững và hiệu quả kinh tế - sinh thái càng phải được đề cao trước hết qua việc xác định giá trị và đánh giá những vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Luật Quy hoạch đô thị đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 cũng đã thông qua số 30/2009/QH 12 ngày 17/6/2009 đã chỉ rõ trong điều 6 chương 1 mục 4 “Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững”. Các đô thị miền Bắc Việt Nam, với đặc điểm hệ thống sông có đê đã hình thành một hình thái không gian đô thị đặc thù, cả về cảnh quan lẫn khai thác sử dụng đất. Bên cạnh những yêu cầu kỹ thuật phục vụ các chức năng thủy lợi, hành lang thoát lũ... khu vực này vẫn đảm nhiệm các chức năng khác của đô thị bao gồm: khu dân cư, công sở, bến bãi, đất nông nghiệp, đất dự trữ, nguồn nước... Hiện tại có thể nói, các không gian này đang thực sự quá tải từ việc khai thác tài nguyên,
Các hoạt động sản xuất và sự gia tăng các nhu cầu sinh hoạt đô thị. Việc phát triển đô thị hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào đường sá, giao thông bộ, chưa khai thác dựa trên các đặc thù riêng của vị trí ven sông. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh năng lực thoát lũ của hệ thống sông miền Bắc, quỹ đất phát triển thay đổi, cũng là một thách thức, đồng thời là một cơ hội để tái cấu trúc các không gian đô thị ven sông này theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế - sinh thái. Trong khi đó, chưa có một nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể nào để sử dụng không gian này một cách chi tiết và hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp tái cấu trúc cảnh quan – đô thị trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá đây là các khu vực có tiềm năng và giá trị rất cao của các thành phố, do vậy việc triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu và hướng dẫn quy hoạch phát triển không gian dọc sông tại các đô thị miền Bắc Việt Nam (khu vực ngoài đê đoạn sông đi qua đô thị)” là thực sự cần thiết và cấp bách.
2. Mục tiêu nghiên cứu
- Khảo sát hiện trạng, xác định giá trị và đánh giá những vấn đề tồn tại cần giải quyết của các
không gian đô thị dọc sông, chú trọng vào khu vực ngoài đê tại các đô thị miền Bắc Việt Nam.
- Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về khai thác quỹ đất đô thị dọc sông.
- Đề xuất các giải pháp quy hoạch phát triển tổng thể về định hướng không gian đô thị dọc sông - khu vực ngoài đê tại các đô thị miền Bắc Việt Nam.
3. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Không gian dọc sông (ngoài đê) đoạn sông đi qua đô thị.
3.2. Phạm vi và giới hạn nghiên cứu
Nghiên cứu sẽ tập trung vào các đô thị miền Bắc Việt Nam. Do quy mô của đề tài, nhóm nghiên cứu chọn 4 thành phố tiêu biểu để khảo sát nghiên cứu: TP Hà Nội, TP Bắc Giang (Bắc Giang), TP Hải Dương (Hải Dương), TP Việt Trì (Phú Thọ).
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp tổng hợp và phân tích hệ thống
Phương pháp này đã được rất nhiều tác giả sử dụng trong hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt có hiệu quả trong nghiên cứu xã hội, chính sách, quy hoạch và kiến trúc. Vì vậy trong nghiên cứu đây là phương pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đề tài. Theo quan điểm hệ thống, đối tượng nghiên cứu của đề tài là một hệ thống bao gồm nhiều phân hệ hay hệ thống con, do đó việc nghiên cứu, phân tích các giải pháp định hướng không gian đô thị dọc sông phải đặt trong các mối tương quan chung (thủy lợi, tài nguyên nước, kinh tế vùng, quy hoạch chung, phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống…), để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. Phương pháp phân tích tổng hợp được áp dụng trong toàn bộ các nội dung của đề tài.
4.2. Các cách thức thu thập dữ liệu
Có 2 dạng dữ liệu: sơ cấp và thứ cấp.
4.2.1. Nguồn dữ liệu thứ cấp
Được thu thập từ các nguồn chính sau:
1. Các văn bản chính sách liên quan của Chính phủ và Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các Bộ ngành liên quan;
2. Các báo cáo, tổng kết của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các UBND Thành phố, Sở Xây dựng các thành phố/tỉnh trong vùng…
4. Niên giám thống kê: ấn phẩm được Cục Thống kê xuất bản hàng năm, bao gồm các số liệu thống kê cơ bản về tình hình KT-XH của cả nước, từng thành phố, địa phương.
5. Các tài liệu đã xuất bản, lưu hành của các cơ quan Nhà nước khác có liên quan. Đánh giá độ tin cậy và hạn chế của các tài liệu thứ cấp: Các thông tin trên đều từ các nguồn chính thức và đã được kiểm chứng nên hoàn toàn đáng tin cậy. Tuy nhiên so với yêu cầu của đề tài thì còn thiếu cụ thể, chưa có các số liệu riêng biệt của vùng ngoài đê.
4.2.2. Các nguồn dữ liệu sơ cấp
Để phục vụ mục tiêu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập thông tin từ các nguồn thứ cấp. Thông tin được thu thập từ các nguồn: (1) Điều tra xã hội học; (2) Phỏng vấn chuyên gia, nhà quản lý; (3) Điều tra hiện trường: chụp ảnh, đo đạc, vẽ ghi, thống kê bổ sung…
4.3. Phương pháp điều tra xã hội học
- Nhằm thu thập thông tin làm sáng rõ những vấn đề về đối tượng, nhu cầu, đánh giá hiệu quả, mong muốn… của người dân, cán bộ vùng nghiên cứu.
- Quy trình thu thập thông tin: Đối với đối tượng được phỏng vấn sâu: nhóm đề tài trực tiếp đến nhà và nơi kinh doanh để hỏi và trò chuyện, hoặc một số đối tượng cán bộ trả lời qua bảng hỏi.
4.4. Phương pháp điều tra và quan sát thực địa
Có mục đích cơ bản là thống kê, kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu về tình hình phát triển không gian dọc sông tại các đô thị. Nhóm đã tiến hành khảo sát thực tế tại đô thị: TP Hà Nội, TP Bắc Giang (Bắc Giang), TP Hải Dương (Hải Dương), TP Việt Trì (Phú Thọ) để đánh giá về hiện trạng triển khai, đồng thời bổ sung các thông tin, số liệu liên quan đến thực trạng về kinh tế, xã hội, môi trường... Phương tiện là máy ảnh, phương tiện đo vẽ, quan sát ghi chép… đồng thời đối chiếu với các hồ sơ thứ cấp ban đầu để đánh giá mức độ triển khai, cập nhật các thay đổi.
4.5. Phương pháp chuyên gia
Phỏng vấn chuyên gia những lĩnh vực có liên quan, cụ thể là: Đối tượng quản lý và ra chính sách: Bộ Xây dựng, Bộ NN & PTNT, UBND và Sở Xây dựng các Thành phố, UBND các phường/xã; Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; Các nhà nghiên cứu và giảng dạy: từ các Bộ, trường Đại học và Viện nghiên cứu. - Quy trình thu thập thông tin: phỏng vấn sâu, gặp gỡ chuyên gia.
4.6. Phương pháp dự báo
Trước tiến trình phát triển thực tế của đối tượng nghiên cứu, đưa ra dự báo về về cơ cấu, mức độ, đối tượng và những xu hướng quy hoạch phát triển không gian dọc sông, có so sánh đối chiếu với kinh nghiệm nước ngoài.
5. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận - kiến nghị, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, đề tài được cấu trúc thành 3 chương chính