1. Lý do và sự cần thiết thực hiện dự án
Hiện nay, Chương trình Nhà ở xã hội (NOXH) của Chính phủ đang được triển khai thực hiện rộng khắp trên cả nước, tập trung vào việc giải quyết chỗ ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, và mở rộng việc xây dựng nhà ở cho thuê, nghĩa là tạo điều kiện tiếp cận chỗ ở tốt hơn cho một bộ phận người thu nhập thấp trong đô thị.
Cụ thể, Chính phủ đã ra Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 20/04/2009 về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân các khu lao động tập trung, người có thu nhập thấp tại các đô thị và các Quyết định 65/2009/QĐ-Ttg, 66/2009/QĐ-Ttg, 67/2009/QĐ-Ttg ngày 24/04/2009 triển khai nghị quyết trên cho các đối tượng tưng ứng. Đó là cơ sở pháp lý để nghiên cứu tiếp cụ thể các mô hình quản lý NOXH, đặc biệt là mô hình NOXH cho thuê, hiện đang còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã được kinh nghiệm thế giới kiểm chứng là mô hình hiệu quả.
Vì những lý do trên, từ năm 2009, Phòng Nghiên cứu Phát triển Đô thị vàCông trình Kiến trúc đã đề xuất nhiệm vụ và Bộ Xây dựng hiện đã giao cho Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học: "Nghiên cứu các mô hình quản lý nhà ở xã hội cho các đối tượng thuê nhà tại các đô thị" trong chương trình nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2010, với đơn vị triển khai là Phòng Nghiên cứu Phát triển Đô thị và Công trình Kiến trúc. Hợp đồng của đề tài là 150 triệu đồng, với 2 mục tiêu chính là:
- Mục tiêu tổng quát: Thực hiện Chương trình Nhà ở xã hội của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vừa tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, vừa tập trung giải quyết một vấn đề xã hội lớn là tạo chỗ ở cho những tầng lớp dân cư thu nhập thấp, bình ổn xã hội, sạch đẹp cảnh quan đô thị.
- Mục tiêu cụ thể: Xây dựng mô hình quản lý nhà ở cho các đối tượng thuê nhà tại các đô thị, giảm bớt áp lực về chỗ ở cho tầng lớp đặc biệt cần trợ giúp này.
Thực chất, đây là các mục tiêu rất lớn và phức tạp, cần phải có sự khảo sát kỹ lưỡng hiện trạng nhà ở của các đối tượng cần trợ giúp trên ở nhiều Thành phố lớn trên cả nước để từ đó mới có thể đưa ra các mô hình quản lý nhà ở xã hội phù hợp và sát thực.
Xét tầm quan trọng của đề tài, tính thực tiễn và khả năng triển khai nghiên cứu tiếp nối, với số tiền kinh phí Bộ cấp tương đối hạn chế 150 triệu so với khối lượng công việc rất lớn, nhóm thực hiện đề tài đã đề nghị Viện hỗ trợ thêm một phần kinh phí khảo sát trên địa bàn Hà Nội, có thể coi như một dự án độc lập mang tên “Khảo sát hiện trạng thuê nhà của sinh viên và lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội phục vụ chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ” với số tiền 20 triệu đồng. Việc hỗ trợ kinh phí này sẽ giúp các khảo sát được kỹ lưỡng và sát thực hơn, hình thành một hệ thống tài liệu quan trọng và bổ ích có thể sử dụng vào nhiều mục đích trong lĩnh vực NOXH mà Đảng, Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng như các địa phương đang hết sức quan tâm.
2. Mục tiêu của dự án
Góp phần hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng của đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu các mô hình quản lý nhà ở xã hội cho các đối tượng thuê nhà tại các đô thị", đặc biệt là ở phần khảo sát tổng kết hiện trạng nhà ở cho thuê dành cho sinh viên và lao động ngoại tỉnh tại Hà nội.
3. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu: Nơi cư trú tại Hà nội của sinh viên và lao động ngoại tỉnh.
3.2. Phạm vi và giới hạn nghiên cứu: Địa bàn nghiên cứu là thành phố Hà nội - nơi thu hút đông đảo nguồn lực lao động từ nông thôn và cũng là nơi tập trung các trường Đại học, Cao đẳng lớn nhất khu vực phía Bắc.
4. Các phương pháp nghiên cứu chính
4.1. Phương pháp tổng hợp và phân tích hệ thống
- Là phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến trong hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học. Phương pháp này được sử dụng đặc biệt có hiệu quả trong nghiên cứu xã hội, chính sách, quy hoạch và kiến trúc. Vì vậy trong nghiên cứu đây là phương pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đề tài.
4.2. Phương pháp điều tra và quan sát thực địa
- Có mục đích cơ bản là thống kê, kiểm tra chỉnh lý và bổ sung những tư liệu về tình hình nhà ở cho thuê tại Hà nội cho đối tượng khảo sát. Điều tra được thể hiện qua bảng biểu, sơ đồ, ảnh chụp và các số liệu phân tích.
4.3. Phương pháp điều tra xã hội học
- Nhằm thu thập thông tin làm sáng rõ những vấn đề về đối tượng, nhu cầu,… trong công tác quản lý nhà ở xã hội cho đối tượng.
- Đối tượng điều tra: người cho thuê nhà, đối tượng có nhu cầu thuê, người quản lý, cộng đồng dân cư địa phương.
4. 4. Phương pháp thống kê
Nghiên cứu mặt định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ với mặt chất của các hiện tượng và quá trình, đối chiếu biến động, phát triển trong vấn đề nhà ở xã hội cho thuê
4.5. Phương pháp dự báo
Trước tiến trình phát triển thực tế của nhóm đối tượng nghiên cứu, đưa ra dự báo về về cơ cấu, mức độ, đối tượng và những xu hướng phát triển mô hình nhà ở xã hội cho thuê trong từng thời kỳ của các thành phố ở Việt Nam.
4.6. Phân tích các tài liệu thứ cấp
Song song với việc điểu tra trực tiếp, việc phân tích các tài liệu thứ cấp: các đề tài, báo cáo, nghiên cứu, số liệu thống kê đã xuất bản và thực hiện liên quan để tham khảo và sử dụng trong quá trình nghiên cứu.
4.7. Phương pháp chuyên gia
Phỏng vấn chuyên gia những lĩnh vực có liên quan về mặt chính sách quản lý nhà ở cho đối tượng nghiên cứu.
Bộ công cụ nghiên cứu bao gồm phỏng vấn sâu, quan sát và các cuộc tư vấn chuyên gia.
5. Sản phẩm của dự án
-Báo cáo khảo sát hiện trạng thuê nhà của 2 loại đối tượng: sinh viên các trường đại học cao đẳng và công nhân lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà nội.
-Một số gợi ý và kiến nghị về xây dựng và quản lý nhà ở xã hội cho 2 đối tượng trên.
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do và sự cần thiết thực hiện dự án.
2. Mục tiêu của dự án.
3. Đối tượng, phạm vi và giới hạn nghiên cứu.
4. Các phương pháp nghiên cứu chính.
5. Sản phẩm của dự án.
I. THỰC TRẠNG NHÀ Ở CỦA SINH VIÊN NGOẠI TỈNH TẠI HÀ NỘI
1.1. Các vấn đề chung về nhà ở sinh viên.
1.1.1. Tình trạng nhà ở của sinh viên trong các khu ký túc xá trường học.
1.1.2. Thực trạng thuê nhà ở của sinh viên trọ ngoài
1.2. Tình hình hỗ trợ nhà ở cho sinh viên ở các trường Đại học.
II. THỰC TRẠNG NHÀ Ở CỦA CÔNG NHÂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI HÀ NỘI
2.1. Thực trạng chung về nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp.
2.1.1.Thực trạng ở của công nhân trong các khu ký túc xá.
2.1.2. Thực trạng nhà ở của công nhân thuê trọ bên ngoài
2.2. Những khó khăn của công nhân xung quanh vấn đề nhà ở
2.3. Tình hình hỗ trợ nhà ở cho công nhân tại các KCN
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ GIẢI PHÁP TRỢ GIÚP NHÀ Ở CHO SINH VIÊN VÀ CÔNG NHÂN NGOẠI TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
3.1. Hỗ trợ nhà ở cho công nhân tại các KCN
3.2. Hỗ trợ nhà ở cho sinh viên.
3.3. Các giải pháp tổng thể.
PHỤ LỤC.
Chủ nhiệm đề tài:
ThS. KTS Lê Thị Thúy Hà
Tham gia nghiên cứu: KTS Nguyễn Hương Quỳnh
Cử nhân XHH. Nguyễn Thị Phương
Các Cán bộ Phòng Nghiên cứu Phát triển Đô thị và Công trình Kiến trúc