I. Lời nói đầu
Thiết kế đô thị (TKĐT) là một lĩnh vực hình thành lâu đời và phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới từ những năm 60, như các mô hình của Daniel Burnham với ‘The City Beautiful movement’ và Ebenezer Howard với ‘The Garden city movement’… Thiết kế đô thị (TKĐT) quan tâm đến con người và chất lượng môi trường, không gian đô thị phục vụ con người. Thiết kế đô thị là việc làm liên quan đến sự sáng tạo ra đô thị, liên quan đến sáng tạo vật thể vật lý kiến trúc cho xã hội loài người trong không gian 4 chiều ( bao gồm cả trục thời gian) và thiết kế đô thị liên quan đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường sống của con người với sự hiểu biết sâu rộng về bản chất của môi trường tự nhiên và xã hội. Thiết kế đô thị còn được xem là một nghệ thuật kết nối quy hoạch và kiến trúc, liên quan đến cấu trúc của từng cá thể trong tương quan tổng thể nhằm đạt được nhiều mục đích như: công năng kiến trúc, sense of place (tạm dịch là hồn của không gian) các yếu tố kỹ thuật hạ tầng của môi trường nhân tạo (built environment) hay các vấn đề về môi trường kinh tế hoặc tự nhiên.
Trên thực tế đã có nhiều văn bản Nhà nước đề cập đến TKĐT như Điều 32,33,34,35 Luật Quy hoạch Đô thị số 30/2009/QH12 ngày17/6/2009; Mục 4 - Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 và các văn bản khác có liên quan đã đề cập đến nội dung thiết kế đô thị, tuy nhiên việc triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng vẫn gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể về thiết kế đô thị (quy trình nghiên cứu, triển khai thực hiện...).
Do vậy, việc nghiên cứu triển khai cụ thể hoá nội dung TKĐT trong các đồ án QHXD là một việc cần thiết. Đáp ứng thực tế trên, theo yêu cầu việc triển khai nghiên cứu đề tài ““Nghiên cứu hướng dẫn lập thiết kế đô thị trong quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam ”. là hết sức cần thiết
Trước hết chúng ta xem xét vị trí của Thiết kế đô thị trong quan hệ với Quy họạch đô thị. Trên thực tế cho thấy Thiết kế đô thị và Quy họạch đô thị là quan hệ lồng ghép, nhưng không phải lúc nào cũng rạch ròi và nó phụ thuộc vào khả năng kinh tế và cả nhu cầu thưởng thức không gian sống có chất lượng của từng người, khu vực.
Trong đồ án quy hoạch, phần tổ chức không gian cũng đã bao hàm công việc Thiết kế đô thị ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên để có không gian đô thị có chất lượng, Thiết kế đô thị phải được thể hiện hòan chỉnh với tất cả khía cạnh của nó. Không chỉ ở khía cạnh tổ chức không gian có thẩm mỹ mà còn cả ở các khía cạnh xã hội, khía cạnh thời gian, khía cạnh tiện nghi ở các không gian nhỏ. Như vậy có thể hiểu sự phát triển của Thiết kế đô thị đi liền với sự phát triển về văn hoá tổ chức môi trường sống của cộng đồng. Sự phát triển ồ ạt của đô thị thời gian qua với những yếu kém trong công tác quy hoạch cũng chứng tỏ chúng ta chưa có sự quan tâm nhiều đến chất lượng không gian đô thị, chưa đạt tới trình độ văn hoá cao về tổ chức môi trường sống của cộng đồng đô thị.
Để đạt được điều này một cách có hiệu quả, nhất thiết phải cung cấp cho các kiến trúc sư, các nhà qui hoạch, các sinh viên chuyên ngành quy hoach kiến trúc một phương pháp có hệ thống để thiết kế mới và chỉnh trang các không gian công cộng đồng thời cung cấp cho các nhà quản lý đô thị ở các địa phương, cho cộng đồng và những đối tượng quan tâm khác một công cụ khách quan để đánh giá chất lượng thẩm mỹ và công năng của các không gian công cộng đó.
Để thực hiện thành công Luật QHXD, quy trình nghiên cứu, triển khai thực hiện..TKĐT cần được phổ biến rộng rãi cho các địa phương trong cả nước.
II. Các sản phẩm của TKĐT
Thiết kế đô thị có 3 dạng sản phẩm: Các bản vẽ thiết kế - hướng dẫn, Các quy định - Các thể chế thực hiện. Các sản phẩm này không thể tách rời trong quá trình thực hiện.
Sản phẩm về thiết kế đa dạng theo tính chất của các khu vực chức năng trong đô thị, trong các cấp độ từ tổng thể đến chi tiết. Từ các đề xuất về cảnh quan tổng thể, phân vùng cảnh quan và không gian lớn đến các giải pháp về tuyến, trục cảnh quan, tổ hợp các không gian nhỏ hơn và các đề xuất liên quan đến các công trình kiến trúc như màu sắc, vật liệu, tầng cao... các yếu tố cây xanh cảnh quan xung quanh
Mức độ về nội dung Thiết kế đô thị trong mỗi một loại hình đồ án là không giống nhau. Một khu nhà ở chia lô, mức độ nghiên cứu và nội dung đề xuất Thiết kế đô thị không thể giống như nghiên cứu đề xuất Thiết kế đô thị cho một quảng trường hoặc tuyến đi bộ... Việc quan tâm đến các khía cạnh xã hội, tiện nghi trong không gian cũng khác biệt trong từng loại hình.
Nội dung hướng dẫn trong Thiết kế đô thị khác nhau về mức độ chặt chẽ, thể chế hoá theo tính chất của từng khu vực, từng đối tượng quản lý. Dựa theo đinh hướng của khung thiết kế đô thị có những quy định khác nhau cho từng khu vực. Với khu vực không gian mở cây xanh, công viên các quy định, hướng dẫn khác với trong trung tâm hay quảng trường, tuyến đi bộ. Sự nghiêm ngặt, chi tiết ở khu vực bảo tồn, khu du lịch sẽ phải chặt chẽ hơn nhiều so với các quy định của khu vực đô thị mới đang phát triển.
Các quy định, thể chế, Thiết kế đô thị đưa ra quy định có những điều khoản bắt buộc và những điều khoản khuyến khích thực hiện, kèm theo những quy định về sử phạt và ưu đãi. Các thể chế đi kèm là những biện pháp cụ thể để đảm bảo cho những điều khoản bắt buộc hoặc khuyến khích đó được thực hịên. Các thể chế nghiêm khắc như phá dỡ công trình nếu vi phạm giấy phép xây dựng là điều khoản bắt buộc phải tuân theo. Các chính sách về thuế, về lệ phí xây dựng …áp dụng cho các điều khoản khuyến khích. Ví dụ như việc xây dựng nhà cao tầng ở các khu vực không khuyến khích sẽ phải chịu chi phí thuế xây dựng lớn hơn ở các khu vực khuyến khích. Người xây nhà sử dụng màu đậm có thể bị đánh thuế cao hơn so với người sử dụng màu nhạt, sáng là mầu khuyến khích sử dụng. Phong cách kiến trúc cũng có thể áp dụng tương tự.
Như vậy có thể thấy 3 sản phẩm: Thiết kế - Quy định - Thể chế thực hịên phải ra đời đồng bộ thì Thiết kế đô thị mới có ý nghĩa.
III. Ý nghĩa của khung thiết kế đô thị:
Khung hướng dẫn này đề cập đến hầu hết mọi nội dung của TKĐT: Thiết kế - Quy định - Thể chế , bao gồm các ‘sản phẩm’ cũng như ‘quy trình’. Nó có thể dùng để tham khảo khi làm nhiều lọai hình TKĐT.
Tuy nhiên, đối với công tác TKĐT cũng như các hoạt động sáng tác khác, luôn đỏi hỏi những sáng tạo. Không có một công thức cố định nào có thể mang lại hiệu quả cao và sự thành công cho mọi đồ án TKĐT. Chình vì vậy, không nên sử dụng khung hướng dẫn này một cách cứng nhắc, máy móc. Nên hiểu và khai thác khung hướng dẫn như các gợi ý, các dẫn hướng để hướng tới chất lượng cao hơn cho các môi trường không gian đô thị. ý nghĩa của khung hướng dẫn này là khuyến khích cả bên thiết kế , bên chủ đầu tư và các bên liên quan trong các dự án TKĐT cùng mang một tham vọng tốt đẹp là tạo ra các không gian có chất lượng cao cho các đô thị Việt Nam
IV. Cấu trúc của nghiên cứu
Cấu trúc của nghiên cứu gồm 3 phần chính:
PhầnI. Thiết kế đô thị trong quy hoạch chung xây dựng đô thị
Phần II. Thiết kế đô thị trong quy hoạch phân khu xây dựng đô thị
Phần III. Thiết kế đô thị trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị
Phần VI. Bản vẽ và hệ thống kỹ hiệu TKĐT
Phần V. Một số đồ án mẫu trong nước và nước ngoài
V. Giải thích khái niệm và thuật ngữ
Mục lục
I.1. Thiết kế đô thị lồng ghép trong quy hoạch chung
I.1.1. Lập nhiệm vụ thiết kế đô thị
I.1.2. Nội dung nghiên cứu lập TKĐT:
I.1.3. Nội dung thuyết minh đồ án TKĐT
I.1.4. Quy chế quản lý kiểm soát phát triển
I.1.5. Hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan và thiết kế kỹ thuật đô thị
I.1.6. Nội dung bản vẽ
I.1.7. Mô hình
I.2. Thiết kế đô thị riêng biệt trong quy hoạch chung
I.2.1. Lập nhiệm vụ TKĐT
I.2.2. Nội dung nghiên cứu lập TKĐT
I.2.3. Nội dung thuyết minh đồ án TKĐT
I.2.4. Quy chế quản lý kiểm soát phát triển
I.2.5. Hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan và thiết kế kỹ thuật đô thị
I.2.6. Nội dung bản vẽ
I.2.7. Mô hình
II.1. Thiết kế đô thị lồng ghép trong quy hoạch phân khu
II.1.1. Lập nhiệm vụ thiết kế TKĐT
II.1.2. Nội dung nghiên cứu TKĐT
II.1.3. Nội dung thuyết minh TKĐT
II.1.4. Quy chế quản lý kiểm soát phát triển
II.1.5. Hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan và thiết kế kỹ thuật đô thị
II.1.6. Nội dung bản vẽ
II.1.7. Mô hình
II.2. Thiết kế đô thị riêng biệt trong quy hoạch phân khu
II.2.1. Lập nhiệm vụ thiết kế TKĐT
II.2.2. Nội dung nghiên cứu TKĐT
II.2.3. Nội dung thuyết minh TKĐT
II.2.4. Quy chế quản lý kiểm soát phát triển
II.2.5. Hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan và thiết kế kỹ thuật đô thị
II.2.6. Nội dung bản vẽ
II.2.7. Mô hình
III.1. Thiết kế đô thị lồng ghép trong quy hoạch chi tiết
III.1.1. Lập nhiệm vụ thiết kế TKĐT
III.1.2. Nội dung nghiên cứu TKĐT
III.1.3. Nội dung thuyết minh TKĐT
III.1.4. Quy chế quản lý kiểm soát phát triển
III.1.5. Hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan và thiết kế kỹ thuật đô thị
III.1.6. Nội dung bản vẽ
III.1.7. Mô hình
III.2. Thiết kế đô thị riêng biệt trong quy hoạch chi tiết
III.2.1. Lập nhiệm vụ thiết kế TKĐT
III.2.2. Nội dung nghiên cứu TKĐT
III.2.3. Nội dung thuyết minh TKĐT
III.2.4. Quy chế quản lý kiểm soát phát triển
III.2.5. Hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan và thiết kế kỹ thuật đô thị:
III.2.6. Nội dung bản vẽ
III.2.7. Mô hình
Chủ trì đề tài: Nguyễn Thị Hồng Diệp - TT TK đô thị.