Cuốn sách giới thiệu những nội dung cơ bản, hình thức hoạt động và kết quả to lớn đạt được của phong trào công trình xanh thế giới (chương 1), trình bày những đặc điểm về khí hậu và truyền thống trong xây dựng của Việt Nam để dẫn đến các chiến lược và giải pháp thiết kế nhằm tạo ra các công trình xanh và khả năng áp dụng chúng ở Việt Nam (chương 2 và 3). Cuối cùng giới thiệu một số công trình với các giải pháp cụ thể đã áp dụng thành công ở nhiều mức độ khác nhau ở Việt Nam và thế giới (chương 4).
Trong chương 1 cuốn sách, Tác giả đã giới thiệu có phân tích, so sánh các hệ thống đánh giá công trình xanh nổi tiếng thế giới và những nghiên cứu đề xuất “Hệ thống tiêu chí công trình xanh Việt Nam” nhằm giúp độc giả - những người thiết kế - lựa chọn các tiêu chí phù hợp nhất để thiết kế công trình đạt chất lượng xanh phù hợp nhất điều kiện chung của Việt Nam và của mỗi địa phương.
Chương 2 trình bày những đặc điểm cơ bản nhất của khí hậu Việt Nam, đồng thời giới thiệu một số kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá của tác giả về khí hậu sinh học các đô thị nước ta phục vụ công việc thiết kế kiến trúc. Tác giả cũng trình bày cách nhận diện “phong cách kiến trúc nhiệt đới ẩm” với những nét tương đồng trong kiến trúc - xây dựng truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Trình bày trong chương 3 là các kiến thức khoa học có thể coi là cần thiết và quan trọng nhất, nhưng vừa đủ chiều sâu, để giúp người thiết kế kiến trúc, thiết kế kỹ thuật và xây dựng công trình có thể sáng tạo các giải pháp kiến trúc, cấu tạo và công nghệ nhằm áp dụng có hiệu quả ở Việt Nam. Đặc biệt trong chương 3, Tác giả có đề xuất mới về hai cách tiếp cận kiến trúc khác nhau khi thiết kế hai loại công trình đón nhận tự nhiên và sử dụng hệ thống điều hòa không khí, nhằm đạt hiệu quả cao về sử dụng năng lượng, nhưng tạo được môi trường sống tốt cho con người phù hợp nhất với khí hậu, văn hóa sống và cách ứng xử với thiên nhiên trong xây dựng hàng ngàn năm của người Việt Nam.
Các công trình giới thiệu minh họa ở chương 4 là những công trình mới xây dựng ở trong và ngoài nước những năm gần đây, được coi là thành công, hoặc có thể, còn những khiếm khuyết theo con mắt phê phán của Tác giả.
Cuốn sách cũng đưa vào một số kết quả nghiên cứu của Tác giả và đồng nghiệp trong nhiều năm qua, có những phát hiện và đề xuất mới trong thiết kế công trình, kể cả một số ý tưởng còn chưa được áp dụng thử nghiệm.
Tóm lại, nội dung chủ yếu của cuốn sách là giới thiệu tổng hợp về các giải pháp kiến trúc cơ bản để thiết kế công trình đạt chất lượng xanh, giúp người thiết kế lựa chọn các giải pháp thiết kế phù hợp nhất cho mỗi công trình, mỗi địa phương theo các điều kiện sử dụng, địa hình, khí hậu, lao động và lối sống có thể rất khác nhau.
Cuốn sách có thể làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các ngành kiến trúc, xây dựng và môi trường trong các trường đại học đào tạo các lĩnh vực liên quan đến thiết kế và xây dựng công trình. Cuốn sách cũng có thể làm tài liệu tham khảo bổ ích cho các Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng, Kỹ sư Môi trường và công nghệ trong xây dựng. Đặc biệt cuốn sách đã được “Khoa đào tạo sau đại học của trường Đại học Xây dựng” chọn làm Giáo trình cho môn học cùng tên trong Chương trình đào tạo Thạc sỹ ngành Công nghệ môi trường và ngành Xây dựng.
(Theo Sachkhaitam.com)