Đô thị học không phải là khoa học mà cũng không là nghệ thuật. Nó là một thực hành xã hội và xây dựng pháo đài lý luận của mình trên cơ sở các khoa học xã hội và nhân văn và kỹ thuật cùng một số khái niệm và phạm trù cơ bản. Tìm hiểu các khái niệm và phạm trù ấy là cơ sở để nắm bắt các nội dung của đô thị học.
Khái niệm đầu tiên chính là đô thị, bởi đó không chỉ là khuôn khổ vật chất - kỹ thuật từ những thị tứ im lìm bỗng đột phát trở thành thành phố, rồi thành phố khổng lồ...và siêu đô thị dưới tác động của công nghiệp hóa..., mà còn là đời sống đô thị, lối sống đô thị và văn hóa đô thị.
Tiếp theo là khái niệm đô thị hóa ở những biểu hiện mang đầy tính quy luật tác động lên nền kinh tế ở phạm vi địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Khái niệm trung tâm sẽ là đô thị học được xây dựng trên nền tảng của ba phạm trù lý thuyết, thực hành và pháp quy.
Tri thức và địa lý nghề nghiệp cùng thái độ ứng xử sẽ tạo nên (lề) lối quy hoạch và từ đó mà chúng ta có những nhà quy hoạch rất khác nhau trong tư duy và các cách tiếp cận các vấn đề đô thị.
Bộ sách “Đô thị học” gồm 3 quyển. Quyển 1 mang tên Những khái niệm mở đầu, đề cập tới năm khái niệm - chìa khóa để đi vào đô thị học, đó là:
- Đô thị.
- Đô thị hóa.
- Đô thị học.
- Lối quy hoạch
- Nhà quy hoạch.