Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thống nhất đất nước, TS. KTS. Lê Văn Năm cho ra mắt cuốn sách mang tên “ĐỒNG HÀNH CÙNG QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN TP.HỒ CHÍ MINH” - Tác giả: TS.KTS. Lê Văn Năm
KTS. Lê Văn Năm là người có công lao đóng góp cho thành phố trong công tác qui hoạch, kiến trúc và phát triển cơ sở hạ tầng từ những ngày đầu thống nhất đất nước cho đến khi nghỉ hưu. Ông đã trải qua cương vị là Viện trưởng Viện Qui hoạch Xây dựng, sau đó là Kiến trúc sư Trưởng của thành phố. Trong vai trò là nhạc trưởng, ông cùng với các đồng nghiệp đã in đậm dấu ấn vào trong các giai đoạn trưởng thành của thành phố. Cùng với giới KTS, các kỹ sư xây dựng, các nhà qui hoạch và nhân dân thành phố đã kiến tạo nên một diện mạo cho thành phố mang tên Bác ngày một hiện đại, văn minh, và hoàng tráng hơn.
Ông Lê Văn Năm được đào tạo KTS về qui hoạch ở Thượng Hải, Trung Quốc, sau đó là Tiến Sĩ tại Ba Lan. Mặc dù với một nền tảng kiến thức bài bản vậy, nhưng làm nhạc trưởng về qui hoạch-kiến trúc của một thành phố mới bước ra khỏi chiến tranh với muôn vàn khó khăn, hơn thế nữa nó lại là thành phố lớn nhất về diện tích, đông nhất về dân số là điều thách thức gấp vạn lần. Một phần lịch sử qui hoạch-kiến trúc và quản lý của thành phố, cũng như đời sống cư dân được phản ánh trong cuốn sách này. Mỗi người đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách này những điều bổ ích, những thú vị cho riêng mình và chúng ta cũng sẽ tìm thấy những trăn trở, những hoài bão, những đau đáu của tác giả trên từng trang viết.
Tôi thuộc loại hậu thế, biết và làm việc với ông cũng được hơn 15 năm. Với tôi, ông là một trí thức Nam Bộ tiêu biểu, hiền lành, khiêm cung. Điều nổi bật ở ông là rất biết lắng nghe và chịu đổi mới. Ông lắng nghe và tiếp nhận ý kiến của những người trẻ đáng tuổi con cháu mình mà không một chút tự ái, thậm chí không ít trong những ý kiến đó không dễ nghe một chút nào, hơn thế nữa ông cũng rất chịu thử nghiệm và đổi mới. Tất nhiên không phải cái mới mới nào ông thực hiện cũng nhận được sự tán đồng ngay, nhưng chính tính cách Nam Bộ và sự năng động không ngừng của thành phố làm cho ông không thể không đổi mới được. Nhiều ý kiến của ông trở thành chính sách trong quá trình nâng cấp, cải tạo và mở rộng thành phố. Những quan điểm chiến lược như phát triển vùng, liên vùng, phát triển thành phố theo mô hình đa cực, phi tập trung hóa, phát triển thành phố hướng ra biển Đông đang được áp dụng tích cực ở thành phố Hồ Chí Minh không thể không có tiếng nói trọng lượng của TS. Lê Văn Năm trong vai trò vừa là nhà quản lý nhà nước, vừa là chuyên gia tư vấn cho chính phủ và cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, và còn một vai trò quan trọng không kém nữa là người lãnh đạo hội KTS. Bằng sự quyết đoán táo bạo của ông và lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ mà nhiều công trình kiến trúc với phong cách hiện đại, vật liệu xây dựng mới ra đời như tòa nhà Metropolitan, Diamond Plaza, Sài Gòn Center,..mặc dù đâu đó vẫn có những lời bình luận về việc đưa nhôm, kính vào khu vực trung tâm, về sự lấn át của KS. Caravelle,.. nhưng lịch sử là như thế, nếu thận trọng quá không dám quyết thì thành phố Hồ Chí Minh không có được bộ mặt hiện đại như ngày hôm nay, sự thận trọng là cần thiết nhưng nếu quá đi lại làm cản trở cái mới. Lịch sử sau này sẽ ghi nhận những công trình kiến trúc hiện đại đầu tiên vào thời điểm mới mở cửa đó như là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới.
Từ năm 2001, ông nghỉ hưu theo chế độ, nhưng ông vẫn tham gia trong Hội qui hoạch và Kiến trúc TP.HCM và là thành viên của các hội đồng giám khảo uy tín các cuộc thi quốc gia và quốc tế. Điều đó cho thấy sự tín nhiệm và trân trọng của xã hội đối với ông vẫn không suy giảm. Cùng làm việc với ông trong Hội đồng tư vấn về qui hoạch và kiến trúc cho thành phố, tôi thấy dù đã vào cái tuổi 76, nhưng ông vẫn còn minh mẫn và các ý kiến còn rất sắc sảo. Hơn hết, tôi thấy ở ông một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất Nam Bộ và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Chính sự khiêm cung đã làm cho ông có nhiều bạn, nhiều đồng nghiệp, và ai cũng thương mến ông. Trong số bạn của ông tôi thấy có rất nhiều người nổi tiếng, chẳng hạn như KTS người Nhật Kenzo Tange được coi là những người tạo ra diện mạo kiến trúc của TK XX, như KTS danh tiếng Liu Thai Ker, cha đẻ của Singapore hiện đại.
Chính vì sự khiếm nhường, mà khi chọn tên cho cuốn sách này, ông không dùng những sáo ngữ to lớn để tụng ca bản thân mà đơn giản chỉ là người “Đồng hành” cùng với tất thảy mọi người dân bình thường khác, trong đó có cả những người dân nghèo, bác đạp xích lô, bà bán cháo để cùng nhau xây dựng nên thành phố hạnh phúc này.
Với tư cách là một người làm khoa học, tôi rất lấy làm hân hạnh được giới thiệu đến các bạn đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh một tác phẩm có giá trị của “anh Năm” (chúng tôi vẫn thường gọi như thế). Tôi tin là mỗi chúng ta, khi gấp cuốn sách này lại sẽ tìm thấy một phần cuộc sống của mình trong đó.
PGS. TS. Nguyễn Minh Hoà