Giờ đây, khi những toà nhà sừng sững đang từng ngày mọc vào khoảng không, kính và thép và nhôm không ngừng định hình lại không gian đô thị quen thuộc một thời của thành phố thủ đô Hà Nội – một thời chưa xa và chưa hẳn đã qua – có lẽ chỉ còn không nhiều người chẳng ngạc nhiên khi đọc một nhận định “Hà Nội có thể coi là đô thị duy nhất ở châu Á có được một tổng thể quy hoạch-kiến trúc kiểu Pháp thời kỳ thuộc địa tương đối hoàn chỉnh ... góp phần tạo ra bản sắc riêng cho thành phố đã có lịch sử phát triển hơn 1.000 năm.” (Lời nói đầu).
Cuốn sách này, công trình đầu tiên được coi là “khá công phu và toàn diện về những công trình kiến trúc và đề án quy hoạch của người Pháp để lại tại Hà Nội” (Lời giới thiệu của PGS.TS.KTS Tôn Đại), đem đến chúng ta một lịch sử vắn tắt sự hình thành của Hà Nội thời hiện đại; một lịch sử đặc thù bởi là lịch sử diện mạo đô thị của thủ đô nước Việt Nam, cái diện mạo hết sức đặc trưng bởi hơn một thế kỷ trải qua những biến chuyển chấn động của nơi hợp lưu Cách mạng và Thời đại đã khiến diện mạo đô thị ấy, nói như Claude Lévy-Strauss, “trở thành đối tượng cho chiêm ngưỡng và suy tưởng, chứ không còn đơn giản là công cụ của chức năng đô thị” (Nhiệt đới buồn / NXB Tri thức, 2009 ,tr.94)
Lịch sử là một câu chuyện lớn mà người ta tin cậy bởi các ký ức cá nhân và cộng đồng, các trải nghiệm và bằng chứng, chứng tích. Xét theo cách ấy thì quy hoạch và kiến trúc đô thị có thể coi là một trong vài pho lịch sử thuần tuý hơn cả, với mức độ khách quan vừa hiển nhiên vừa hàm ngụ rất cao: chúng vừa là vật chứng, vừa là khách thể của trải nghiệm, vừa là ký ức đồng thời là nơi chứa đựng ký ức.
“Qúa trình nghiên cứu, phân tích quy hoạch Hà Nội giai đoạn từ 1873 đến 1945 dựa trên phép so sánh ... phân tích những đặc điểm khác biệt về cấu trúc đô thị Hà Nội giai đoạn phong kiến ... cũng như những yếu tố đô thị mới xuất hiện trong suốt thời Pháp thuộc.” (tr.12). Sự biến đổi về hình thái đô thị trong hơn một trăm năm của Hà Nội, được mô tả và diễn giải trong Chương 2 của cuốn sách này, minh hoạ trên 14 hình / bản đồ (trong đó có những bản đồ Hà Nội thời giữa thế kỷ XIX lấy từ tàng thư của nước Pháp), trình bày trong ngôn ngữ chuyên ngành chặt chẽ, mang lại một khái niệm cụ thể rõ rệt về quy hoạch đô thị; đặc biệt là các mô tả và phân tích về sự hình thành và phát triển những tuyến đường cốt yếu giúp vạch ra một yếu tố hạt nhân của sự hình thành hạ tầng đô thị, phát triển mạng lưới giao thông nội thị rồi giao thông đối ngoại tiếp sau đó của thành phố thủ đô xứ Đông Dương thời ấy – với cây cầu Long Biên, mà ở thời điểm khánh thành vào ngày 28/02/1902 là “một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau cây cầu sắt Brooklyn bắc qua Sông Đông (East River) của Mỹ, là cây cầu nổi bật nhất ở Viễn Đông lúc bấy giờ.” (tr.122)
Diễn trình biến đổi hình thái đô thị, có thể thấy một cách ngoạn mục qua diễn giải kèm theo các bản đồ quy hoạch và bản đồ thực tế, sẽ được phân tích tỉ mỉ qua các chương về kiến trúc Hà Nội giai đoạn 1888-1920, giai đoạn 1920-1945, chương nhận định về một số phong cách kiến trúc và công trình kiến trúc đáng chú ý của những giai đoạn đó, hoàn tất bằng phân tích về sự biến đổi của kiểu nhà phố cổ truyền; và tương ứng, một cách lịch sử tính, ta thấy một cuộc trình hiện các phong cách từ kiến trúc Tiền Thực dân đến kiến trúc Tân Cổ điển, đến phong cách kiến trúc Địa phương Pháp rồi kiến trúc Art Deco, và hoàn thành với phong cách kiến trúc Đông Dương – sự kết hợp mang tính sáng tạo của kiến trúc công năng hiện đại châu Âu với những yếu tố truyền thống của kiến trúc bản địa Việt Nam.
Hết sức sinh động cho dù vẫn hoàn toàn chặt chẽ trong diễn đạt chuyên ngành, các chương này, thông qua sự mô tả, phân tích và nhận định về kiến trúc một số công trình công cộng và nhà ở nổi bật của Hà Nội những thời kỳ lịch sử đó, cho ta hiểu một cách giản dị cụ thể thế nào là ngôn ngữ kiến trúc và ngôn ngữ ấy đã biến chuyển phong phú, độc đáo qua các phong cách kiến trúc như thế nào.
Những phân tích và nhận định đó khẳng định một điều mà ta vẫn cảm nhận ít nhiều như là hiển nhiên: kiến trúc, qua các công trình công cộng cũng như qua mỗi ngôi nhà, có một vai trò giống như sách vở, văn nghệ và báo chí truyền thông, mang đến cho chúng ta, hàng ngày hàng giờ, một cảm quan về thời đại ta sống, về quá khứ, và cả về tương lai; không chỉ vì đó là những cột mốc giúp ta hình dung cái không gian vật chất của cuộc sinh tồn, mà quan trọng hơn, bởi vì chúng hướng dẫn một cách tự nhiên con mắt thẩm mỹ của mỗi người cũng như mỗi cộng đồng dân cư cụ thể, hướng dẫn một cách đều đặn và bền vững sâu xa từ con mắt bỡ ngỡ ấu thơ cho đến con mắt già dặn lịch lãm – cái thẩm mỹ không chỉ đơn thuần là xấu và đẹp, mà, cũng như tất cả các cách thức thể hiện và thưởng thức thẩm mỹ, nó giúp thành tạo và hướng dẫn mọi ứng xử con người trong đời sống xã hội.
Kiến trúc và quy hoạch đô thị của thủ đô Hà Nội – một lịch sử vắn tắt trình bày trong cuốn sách này – theo nghĩa đó có thể hiểu như chính là một nội hàm văn hoá của khái niệm về lịch sử; là nội hàm văn hoá của điều ta quen gọi như di tích hay chứng tích – bởi đó là ký ức và vật mang ký ức của chúng ta./.