Tư liệu
< Trở lại danh sách

Những mái đình lưu dấu thời gian

Ghi lại dấu ấn những ngôi đình ở xứ Trầm Hương, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa vừa phát hành tập sách “Đình làng Khánh Hòa” với nhiều thông tin bổ ích về tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất này. 

Từ bao đời nay, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã lưu dấu tâm hồn của lớp lớp người dân đất Việt. Vượt qua phạm vi công năng của một nơi để bàn việc làng, tổ chức cúng tế, hát xướng…, những ngôi đình còn là chứng tích đối với chặng đường khai dân, lập ấp, hình thành và phát triển của mỗi vùng quê.

Ở xứ Trầm Hương, hầu như thôn, xã nào cũng có đình làng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, hiện nay, Khánh Hòa có 248 ngôi đình, trong đó có 108 đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 1 đình (đình Phú Cang, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đình làng Khánh Hòa thường có kiến trúc đơn giản, nhẹ nhàng, ít có những chạm trổ tinh xảo, quy mô cũng nhỏ. Các ngôi đình thường được xây dựng ở trung tâm của khu dân cư hoặc ở đầu làng. Ngoài việc làm nơi hội họp, thờ cúng thần linh và những bậc tiền hiền, hậu hiền, Thiên Y Thánh Mẫu, các ngôi đình còn là nơi để người dân trong làng gửi gắm niềm tin, tình cảm của mình.

 Đến với tập sách “Đình làng Khánh Hòa”, độc giả không chỉ được cung cấp những kiến thức chung về cấu trúc, lịch sử hình thành mà còn biết những câu chuyện đầy ý vị về các ngôi đình. Tuy chưa nói hết được về số lượng nhưng 40 ngôi đình được giới thiệu trong tập sách cũng đã khái quát được những đặc điểm chung nhất về giá trị vật chất, tinh thần của đình làng ở xứ Trầm Hương. Qua tập sách, người đọc hiểu thêm về cấu trúc của các ngôi đình với cổng đình, án phong, sân đình, cột cờ, miếu thờ, nhà võ ca, bái đường, chánh điện, miếu thờ tiền hiền, hậu hiền, miếu thờ Thiên Y A Na, cùng với đó là những nghi thức cúng đình, các sắc phong của triều Nguyễn ban.

 Giá trị về mặt vật thể của các ngôi đình càng trở nên linh thiêng, trang trọng và rất đỗi gần gũi khi mỗi ngôi đình lại chứa đựng những câu chuyện của riêng mình. Chẳng hạn, đình Phương Sài (TP. Nha Trang) từ giữa thế kỷ XIX, hào lão trong làng nhận thấy con đường học vấn, khoa cử của con em dân làng không được thuận lợi nên đã bàn nhau đổi hướng đình để cầu mong trong làng có nhiều người đỗ đạt, thành tài. Hình ảnh cá chép vượt vũ môn được chạm trổ trên mái đình chính là lời nhắc nhở dân làng phải luôn quan tâm đến vấn đề học tập. Đình Ngọc Hội (TP. Nha Trang) vẫn còn lưu giữ tấm bia đá được lập từ năm Tự Đức thứ 13 (1860) ghi lại công đức của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đâu đã làm nhiều việc thiện giúp đỡ người khác trong vùng. Đình làng Xuân Hòa (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa), trước năm 1945 là nơi hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình ngày 16-7-1930. Đây cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dự họp với các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Quân chính Nam Trung bộ vào tháng 1-1946, khi Đại tướng nhận lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình kháng chiến ở mặt trận Nam Trung bộ. Đình Phú Cang (huyện Vạn Ninh) lại gắn với tên tuổi của quan Tổng trấn Trần Đường trong phong trào Cần Vương. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, đình Phú Cang là nơi che giấu các chiến sĩ cộng sản. Ngay trong ngôi đình còn có một tổ sản xuất vũ khí để cung cấp cho lực lượng cách mạng địa phương…

 Đình làng – một thiết chế văn hóa cơ sở đã tồn tại từ bao đời nay ở đất Khánh Hòa. Thông qua mỗi ngôi đình, chúng ta càng hiểu thêm về lịch sử, văn hóa cũng như tâm tư, tình cảm của người dân xứ Trầm Hương. Việc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho phát hành tập sách “Đình làng Khánh Hòa” chính là một hành động cụ thể để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Những ngôi đình được giới thiệu trong tập sách chính là tinh hoa của cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp ở Khánh Hòa từ thời mở đất, lập làng.