Toàn cảnh hội thảo
Nhiều tiềm năng, nhiều “điểm nghẽn”
Báo cáo phương án phát triển 4 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đai diện Liên danh tư vấn) đánh giá, 4 huyện là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông. Địa hình đa dạng đó tạo nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hàng lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích và vùng núi Viên Nam. Đây cũng là vùng đất quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, vùng đất đa dạng văn hóa làng nghề, văn hóa phi vật thể… là vùng hậu cần của kinh đô Thăng Long xưa. Trên địa bàn có đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21 (điểm khởi đầu tuyến đường Hồ Chí Minh nối Thạch Thất với các tỉnh Tây Bắc), Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, vành đai 3,5; dự án đường vành đai 4 tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của 4 huyện, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước. Địa bàn này cũng tập trung những khu chức năng, dự án cấp quốc gia như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia. Hiện tại hệ thống kết nối hạ tầng xuyên tâm về trung tâm Thủ đô tốt, trong tương lai càng gia tăng động lực với nhiều tuyến bổ trợ song hành được định hướng trong quy hoạch như: trục Hồ Tây - Ba Vì, Hà Nội - Xuân Mai… hệ thống đường sắt đô thị kết nối lên Hòa Lạc…
Tuy nhiên, 4 huyện phía Tây Thủ đô này đang gặp những “điểm nghẽn” khá trọng yếu trong quá trình phát triển. Đó là cơ sở hạ tầng chậm và không có nhiều phát triển so với quy hoạch khiến các kết nối kém đi và các trục giao thông như Quốc lộ 6, Quốc lộ 21… quá tải, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường bộ cũ, không đáp ứng nhu cầu, các tuyến đường liên xã lại nhỏ và đang dần xuống cấp. Thêm vào đó, quy định của hành lang xanh làm hạn chế phát triển khu vực thời gian qua. Tốc độ triển khai quy hoạch chung chậm (khoảng 10%) ảnh hưởng đến việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các xã. Định hướng quy hoạch với nhiều chức năng di dời giảm tải trong nội đô như: giáo dục, y tế... nhưng chưa hoàn thành do nhiều bất cập. Rồi cách ứng xử với các làng nghề đã hình thành trái phép, nguồn lực đầu tư phát triển hạn chế, chính sách phát triển chưa có đột phá. Riêng tại đô thị vệ sinh Hòa Lạc (khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia), giai đoạn 1 của dự án được bắt đầu trong bối cảnh nhóm ngành công nghệ cao vào miền Bắc muộn (khoảng 15 năm gần đây); Hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, thiếu hệ thống giao thông công cộng đê gia tăng khả năng kết nối về trung tâm. So với các khu công nghệ cao khác ở miền Bắc, giao thông từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc tới các cảng biển và cảng hàng không chưa được thuận lợi; Quy định về chức năng sử dụng đất thiếu linh hoạt, khó thu hút các doanh nghiệp quốc tế tầm cỡ, đòi hỏi cao và cần tính phức hợp tổng thể với nhiều chức năng trong dự án; Khó khăn trong giải phóng mặt bằng và việc hình thành các khu chức năng bổ trợ xung quanh còn chậm và thiếu…
Mô hình thành phố phía Tây
Phương án phát triển 4 huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Chương Mỹ được đề xuất với định hướng chủ đạo là Mô hình thành phố phía Tây phù hợp với mục tiêu quốc gia. Theo đó, sẽ xem xét lại chủ trương di dời các chức năng trong nội đô ra các đô thi vệ tinh và thị trấn sinh thái để phù hợp với nguồn lực đầu tư; Xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; Phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và đại lộ Thăng Long cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến; Hành lang xanh sẽ được tạo dựng trong việc bảo tồn hệ thống di tích di sản về văn hóa, cảnh quan và làng nghề; cụ thể hóa trong các hoạt động sinh thái, quản lý về mật độ, chiều cao và kết hợp với mạng lưới nông thôn, tạo cơ hội phát triển bền vững cho khu vực. Thành phố phía Tây được xác định là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, thành phố khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ. Về định hướng phát triển giao thông, sẽ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 kết nối với các tuyến đường hướng tâm về Hà Nội, cũng để giải tỏa lưu lượng giao thông quá cảnh qua Hà Nội; Tiếp tục xây hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3,5, tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 21A liên kết các đô thị phía Tây; Xây mới, kết hợp cải tạo các tuyến quốc lộ, trục đường hướng tâm đảm bảo kết nối trực tiếp, liên thông khu vực Thành phố phía Tây với trung tâm Thủ đô.
Điểm nhấn trong phương án phát triển 4 huyện nằm ở 5 đột phá: Huy động nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển Thành phố phía Tây thành trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu với các chức năng chính: Khoa học - công nghệ, R&D, giáo dục; kinh tế dịch vụ, làng nghề, đô thị sinh thái…; Hòa Lạc là hạt nhân chính để phát triển thành phố phía Tây - trung tâm của khoa học công nghệ, không gian số… bằng các cơ chế riêng, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh; Xây dựng mô hình đô thị NoCO2, ngôi nhà thứ 2 dành cho các nhà khoa học lớn trong nước và quốc tế; Giữ nguyên định hướng trục Hồ Tây - Ba Vì, chỉ vi chỉnh để đảm bảo tính khả thi để hình thành không gian và trung tâm văn hóa mới của Thủ đô; Vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi cụm làng nghề xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Cụ thể nét mới, đột phá, đặc thù của từng địa phương
Trao đổi về phương án phát triển mà Liên danh tư vấn đề xuất, lãnh đạo các Sở, ngành, các chuyên gia và lãnh đạo 4 huyện cho rằng, nội dung đề xuất tích hợp cơ bản đã đánh giá đúng hiện trạng đất đai, hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Tuy nhiên, các đề xuất còn mờ nhạt, chưa cụ thể những nét mới, những đột phá, đặc thù liên quan đến văn hoá, con người, đến nông thôn hiện đại, nông dân văn minh... Do đó, các sở, ngành, địa phương đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật số liệu mới, đồng thời, khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu, đánh giá, bổ sung những nét đặc thù, thế mạnh, lợi thế phát triển của từng địa phương nhằm hoàn thiện phương án phát triển để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Quang Tuyên cho rằng, cần làm rõ phần còn lại của 4 huyện sau khi hình thành thành phố phía Tây sẽ phát triển như thế nào. Đồng thời nghiên cứu kỹ phần quy hoạch nông thôn, trong đó làm rõ tiêu chí của đô thị nông thôn trong định hướng quy hoạch để sau này triển khai quy hoạch cấp dưới chúng ta có tiêu chí cụ thể để thực hiện. Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực thì cho rằng, đơn vị tư vấn cần rà soát lại một số chức năng “Thành phố phía Tây” dựa trên thực tế nhu cầu các địa phương như y tế, giáo dục, thương mại đề xác định rõ nét hơn khu vực này. Đồng thời làm rõ hơn những tiêu chí của mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; quy mô phát triển đô thị với quy mô dân số được xác định đến năm 2050…
Ở góc nhìn thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng đề nghị nghiên cứu kỹ và xem xét các chỉ tiêu, tiêu chí sử dụng đất, đặc biệt là với những khu vực đất cần giữ lại có tính khả thi trong quy hoạch, phù hợp với khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc. Đối với lĩnh vực văn hoá - giáo dục, số sinh viên sau khai giảng lên Thạch Thất rất lớn, song các nhà trường và huyện chưa có sự kết nối nên vi phạm về vấn đề nhà cao tầng trong dân cư (cho sinh viên thuê trọ) tăng lên rất nhiều. Do vậy, phương án phát triển cũng cần xem xét đến vấn đề về đảm bảo an ninh và an sinh xã hội. Về phát triển cụm công nghiệp, đến năm 2030 sẽ có khoảng 19 cụm công nghiệp, tuy nhiên diện tích để đảm bảo tiêu chí cụm công nghiệp của địa phương còn khó khăn. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có phương án phát triển phù hợp. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ những gì kế thừa, những gì lưu giữ và những gì làm mới từ Quy hoạch xây dựng chung; cần định hình được phân khu phân vùng phát triển ở khu vực nào. Phát triển đô thị theo hướng sinh thái là cơ hội gắn với phát triển du lịch, tuy nhiên khi phát triển đô thị, cần tính đến kết nối khu dân cư cũ với khu dân cư mới, đồng thời, nghiên cứu thêm đặc trưng của vùng sông Tích và sông Đáy và có giải pháp cho vấn đề thoát lũ. Về phát triển công nghiệp, cần xác định rõ quy mô và vị trí của các khu công nghiệp phát triển thêm để thu hút được đầu tư hiệu quả. Về bảo tồn và phát triển cảnh quan rừng, cần phân tách rừng đặc dụng để bảo tồn, còn khu vực giao để trồng rừng thì cần tính phát triển du lịch và xây dựng sân golf…
Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải khẳng định ý nghĩa của hội thảo khi đây là những huyện cuối cùng của Thủ đô được tổ chức lấy ý kiến về phương án phát triển nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, chuyên gia, lãnh đạo các huyện, vừa có tầm nhìn, vừa cụ thể để đưa vào báo cáo giai đoạn 2 của quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. Các sở chuyên ngành ngay trong tuần này, xây dựng báo cáo của ngành, lĩnh vực, coi đó là cẩm nang để giúp đơn vị tư vấn cũng như các quận, huyện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển cũng như các định hướng, danh mục dự án phát triển cụ thể trong giai đoạn tới. Các huyện tiếp tục làm rõ, đề xuất các danh mục, chương trình, dự án phát triển đột phá, thể hiện rõ khát vọng phát triển. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn sẽ tích hợp và thể hiện qua phương pháp nghiên cứu khoa học, bằng luận chứng báo cáo đưa vào Quy hoạch Thủ đô với khát vọng, tầm nhìn, chiến lược mới, đột phá và đặc sắc.