Đô thị ven sông Hồng: đừng lựa chọn dự án nhà ở thuần túy

Tại Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng chuyên đề 2: Điểm sáng phía Đông” ngày 25.10, các chuyên gia nhấn mạnh khi lựa chọn dự án đầu tư xây dựng hai bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới thay vì lựa chọn chức năng nhà ở thuần túy.

Không gian cây xanh mặt nước chiếm gần 80%

Ngày 25.3.2022, Hà Nội phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng chuyên đề 2: Điểm sáng phía Đông” ngày 25/10.

Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, Đồ án lần này đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên lấy phòng, chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu, bảo đảm chất lượng sống cho dân cư hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích… kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông Hồng, tạo không gian hài hòa phát triển. Trục không gian cây xanh mặt nước chiếm gần 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng thành không gian cảnh quan, không gian xanh của Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, về định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên nguyên tắc: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ); không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 257/QĐ-TTg năm 2016.

Đồng thời, đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Quy hoạch cũng nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Phó Viện trưởng  VIUP Phạm Thị Nhâm.

Đại diện Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia (VIUP) Phạm Thị Nhâm cho rằng, quy hoạch sông Hồng vừa được Hà Nội thông qua có tính khả thi cao với cách tiếp cận theo hướng phát triển không chất thải, dồn nén các khu đô thị mà tích hợp các giải pháp hài hòa, biến không gian hai bên bờ sông thành lõi xanh của thành phố. Đây sẽ là dấu mốc lịch sử, từng bước để thành phố mạnh dạn phát triển vượt qua sông Hồng, biến hai bên bờ sông trở thành những đô thị lớn, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Hình thành các trọng điểm kinh tế mới

Chánh Văn phòng, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho biết, trước đây, quan điểm của chúng ta xem trục sông Hồng là đường biên phát triển Hà Nội. Nhiều bệnh viện trong nội đô di dời ra khỏi thành phố chủ yếu về phía Nam, các trường đại học di dời về phía Tây, chưa có trường học đi qua sông Hồng về phía Đông. Ông Tùng cho rằng, để những điểm sáng phía Đông xuất hiện ngày càng nhiều, vai trò của chính quyền quan trọng. Khu vực phía Đông tạo sức hút khi quận Gia Lâm được thành lập vào năm 2023 rồi đến quận Đông Anh cùng với việc triển khai đô thị sông Hồng để thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, cần lấy trục kinh tế phát triển tạo sức mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ đi kèm chứ không phải nhà ở. Nếu nhà ở đi trước một bước, trục kinh tế đi chỗ khác thì những khu nhà đó lại thành những khu nhà “ma”. “Ở đây, nhà đầu tư phụ thuộc vào quyết sách của chính quyền”, ông nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Nhâm, đại diện Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia cho rằng, việc lựa chọn dự án đầu tư xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới, thay vì lựa chọn chức năng nhà ở thuần túy. Không gian chức năng đô thị 2 bên sông và cây cầu kết nối đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Thiết kế đô thị phải để người dân tiếp cận dễ dàng với dòng sông. Mặt khác, đô thị hóa 2 bên sông Hồng cần phải tôn vinh các giá trị văn hóa; tạo dựng thêm giá trị văn hóa mới, hiện đại, thân thiện trong mỗi công trình mới, mỗi khu vực đô thị mới.

Điều quan trọng là cần có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông với thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, các nhà khoa học, bà Nhâm nhấn mạnh.

(Nguồn:daibieunhandan.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website