KS Đoàn Trọng Tuấn thay mặt nhóm nghiên cứu Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng diện tích khoảng 4.947km2.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2025 đưa Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030: Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao,quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đảng bộ chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045: Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Đồ án đưa ra dự báo dân số năm 2030 toàn đô thị khoảng 1.500.000 người; tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70%. Năm 2045: dân số toàn đô thị khoảng 1.850.000 người; tỷ lệ đô thị hoá khoảng 75%. Tầm nhìn đến năm 2065: dân số toàn đô thị có thể dung nạp khoảng 2.000.000 - 2.300.000 người.
Về mô hình không gian đô thị, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh theo hành lang Bắc - Nam với hướng phát triển chủ yếu về phía biển.
Cấu trúc không gian đô thị bao gồm ba hành lang đô thị, ba trung tâm đô thị động lực và không gian xanh gắn với vùng nông thôn.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và uỷ viên hội đồng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung thêm sơ đồ kết nối giao thông, định hướng phát triển du lịch tổng thể, bổ sung quy hoạch có liên quan, cập nhật số liệu đến năm 2020.
Kết luận cuộc hop, Phó viện trưởng Phạm Thị Nhâm cho rằng đồ án được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu và có ý nghĩa chính trị lớn. Bà đề nghị nhóm cần làm rõ những chỉ tiêu vượt trội so với những nơi khác, lý giải kết nối vùng Huế-Đà Nẵng trong đó khu Chân Mây - Lăng Cô đóng vai trò quan trọng; Cần có tư tưởng phát triển, định hướng cho hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, lưu ý vấn đề bảo tồn, ngăn chặn những yếu tố ảnh hưởng tới sinh thái, cân nhắc các dự án gây ảnh hưởng về sinh thái, môi trường; Lưu ý phát triển lên khu vực vùng núi, quy hoạch thành vùng dự kiến phát triển có định hướng giao thông kết nối với nội đô và khu vực đồng bằng. Phó Viện trưởng yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng, sớm chỉnh sửa hoàn thiện nội dung đồ án trình thẩm định.