Ông Phùng Tiến Trung, Phó tổng giám đốc VCC khai mạc hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Minh Tuyết – PGS.TS, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và tuyên truyền, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã truyền đạt khái quát những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Gợi mở những điểm then chốt các đảng viên cần học tập ở Hồ Chủ tịch và ôn lại những giây phút cuối cùng của Bác trước lúc Bác đi xa.
Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, được thể hiện 9 vấn đề lớn, đó là: Về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; Về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; Về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng đất nước thật sự của dân, do dân và vì dân; Về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết trình bày nội dung chuyên đề
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường giải phóng và phát triển dân tộc. Là nền tảng vững chắc để Đảng ta vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, là sợi chỉ đỏ dẫn đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đối với mỗi thời kì cách mạng.
Về những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam, quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh đã bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, bao gồm:
- Một là đối với đất nước, dân tộc phải “Trung với nước, hiếu với dân”.
- Hai là với mọi người phải “yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình”.
- Ba là, với mình phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
- Bốn là mở rộng quan hệ yêu thương con người đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có “tinh thần quốc tế trong sáng”.
Về những nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức, theo Hồ Chí Minh là lời nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Xây dựng đạo đức phải đi đôi với chống. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Nói phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực.
Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt.
Về phong cách tư duy: khoa học, cách mạng và hiện đại; độc lập, tự chủ, sáng tạo; hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình.
Về phong cách làm việc: khoa học; có kế hoạch; đúng giờ; đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn.
Về phong cách lãnh đạo: tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đi đúng đường lối quần chúng,“lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”; phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt.
Về phong cách nêu gương: Hồ Chí Minh đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Về phong cách diễn đạt: cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao; sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng.
Về phong cách ứng xử: khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa; vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách.
Về phong cách sinh hoạt: phong cách sống cần kiệm, liêm chính; hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông – Tây; tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết đã đề cập những điểm then chốt, điểm mới trong văn kiện đại hội lần thứ XIII, trao đổi những nội dung các đảng viên có thể học từ Hồ Chủ Tịch gắn với công tác trực tiếp của mình, gắn với gia đình… cũng như những mẩu chuyện xúc động về những giây phút cuối đời của Bác. Cuộc đời Bác, cho đến giây phút cuối cùng là một cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân, vì nước, vì Đảng thân yêu. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước.
Các đảng viên thuộc 3 đảng bộ tham dự hội nghị
Kết thúc hội nghị, ông Phùng tiến Trung, Phó tổng giám đốc VCC thay mặt ban tổ chức cám ơn PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết đã truyền đạt nội dung chuyên đề cô đọng nhưng hấp dẫn. Qua đó, các đảng viên thấm nhuần, nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và từng đảng viên sẽ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong quá trình làm việc, sinh hoạt hàng ngày.