Chủ trì hội nghị là ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM; Tham gia hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường; ông Trần Ngọc Chính - nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Xây dựng; bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), PVT VIUP Phạm Thị Nhâm cùng nhiều chuyên gia.
Phát biểu định hướng hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định quy hoạch chung TP rất quan trọng, không chỉ đối với TPHCM mà cho cả vùng và sự phát triển của cả nước. Do đó phải nhất thiết phải làm khẩn trương nhưng cũng cần đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học và khả thi cao.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng cao nhất có thể trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và triển khai quy hoạch sắp tới để tối đa hóa nguồn lực vốn hạn chế của TP để đạt mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Về không gian phát triển, lần này phải hoàn thiện, làm rõ hơn nữa mô hình đô thị đa trung tâm của TP. Chủ tịch UBND TP cho rằng việc này TP đã có ý tưởng, có quy hoạch nhưng vẫn chưa làm được, không gian đô thị của TP vẫn phát triển theo kiểu vết dầu loang.
Tại hội thảo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Xây dựng đề nghị đơn vị tư vấn, chuyên gia nói rõ hơn về vị thế của TP HCM bởi đã thống nhất xây dựng thành phố trở thành thành phố toàn cầu, vấn đề kinh tế biển… Ngoài ra, cần làm rõ vấn đề dân số, tính toán dân số cho thành phố trong tương lai bởi đây là vấn đề quan trọng. Hiện nay thành phố có gần 10 triệu dân thì tương lai quy mô như thế nào để phù hợp phát triển, phù hợp nguồn lực đất đai…
Tại dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, Liên danh tư vấn đưa ra định hướng phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn. Trong đó, không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính chất đột phá trong thế kỷ tới, nhằm đưa TPHCM lên tầm cao mới, đẳng cấp quốc tế.
Theo định hướng này, TPHCM sẽ lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị. Từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, địa phương sẽ phát triển dải đô thị hai bên sông như "trái tim mở rộng" - vùng trung tâm quan trọng và có giá trị nhất của thành phố - trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách. Điểm đến này sẽ mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của TPHCM.
Với định hướng này, TPHCM cần bố trí bến tàu khách quốc tế tiếp nhận tàu có tải trọng đến trên 100.000GT tại khu đô thị biển Cần Giờ; bến tàu khách quốc tế Mũi Đèn Đỏ tiếp nhận tàu 60.000GT; bến tàu khách quốc tế tại cảng Bến Nghé tiếp nhận tàu 30.000GT. Đồng thời, thành phố cần rà soát, cải tạo đảm bảo tĩnh không cầu đường bộ và luồng tuyến đáp ứng cấp đường thủy quy hoạch tạo điều kiện phát triển vận tải thủy kết nối nội thành.
Bên cạnh đó, Liên danh tư vấn đưa ra một số giải pháp kết nối TP với các đô thị lớn của vùng như xây dựng các trục từ TP.HCM kết nối với các đô thị lớn trong vùng; hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường vành đai 3, vành đai 4; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ;
Tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Về kết nối giao thông, TP kéo dài trục động lực phía Nam song song với quốc lộ 50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang; bổ sung tuyến kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm TP.HCM qua cầu Phú Mỹ 2;
Bổ sung kết nối về phía Đông với Đồng Nai đến quốc lộ 20 để giảm tải cho quốc lộ 1 và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây; kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành.