Quang cảnh chung
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, cũng như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để giúp Thành phố Hà Nội có bản quy hoạch có chất lượng cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định cho ý kiến, trong đó tập trung vào các yếu tố chính như nội dung thẩm định quy hoạch; kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; về quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch. Các mục tiêu cần bám sát với thực tế, xu hướng phát triển để hướng tới Hà Nội tiếp tục là cực tăng trưởng của cả nước. Đồng thời, cho ý kiến về việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó; Các vấn đề về đảm bảo an ninh nguồn nước; Về định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực…
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trình bày tóm tắt quá trình lập quy hoạch và cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quy mô, phạm vi nghiên cứu rất rộng, với tính chất bao quát hầu hết các lĩnh vực, được tích hợp từ nhiều phương án đề xuất của các ngành, lĩnh vực và địa bàn. Mặc dù yêu cầu về tiến độ khá gấp, song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng ĐBSH và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.
Quy hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ Thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và AI, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm là nơi kinh doanh, buôn bán tổng hợp thay cho các hoạt động buôn bán trên vỉa hè, đường phố; phát triển các ngành, lĩnh vực khác (y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao; lao động, việc làm, an sinh xã hội; khoa học và công nghệ; an ninh, quốc phòng, đối ngoại) bảo đảm cân đối, hài hòa.
Tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực. Trong đó, trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông. Khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Tổ chức hài hòa, khai thác hợp lý 5 không gian phát triển và phát triển mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô bao gồm 1 đô thị trung tâm và 4 thành phố thuộc Thủ đô. Phát triển hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại.
Tại Phiên họp các thành viên Hội đồng và đại biểu tham dự Phiên họp đã được xem toàn văn bản Báo cáo Quy hoạch Thủ đồ Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Liên danh tư vấn lập quy hoạch Thủ đô xây dựng bằng phim tư liệu với dung lượng 25 phút phản ánh Báo cáo quy hoạch Thủ đô. Các chuyên gia phản biện, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đã phát biểu ý kiến nhằm góp ý hoàn thiện báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô đáp ứng các yêu cầu định hướng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, thanh lịch và hiện đại trong thời gian tới.
Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thông báo kết quả bỏ phiếu đánh giá của thành viên Hội đông thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, số phiếu đồng ý thông qua hồ sơ Quy hoạch Thủ đô trình thẩm định là 31/31 thành viên (đạt 100%), gồm số phiếu đồng ý thông qua nhưng phải chỉnh sửa bổ sung là 27/31 thành viên, số phiếu đồng ý thông qua nhưng không cần chỉnh sửa bổ sung là 4/31 (đạt 12,9%).
Trước đó, vào tháng 3/2023, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô. Đầu tháng 5/2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã thẩm định, đánh giá hồ sơ dự thầu và ký hợp đồng với liên danh nhà thầu tham gia gồm 7 đơn vị, là các viện nghiên cứu đầu ngành, các trường đại học, các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, trong đó có VIUP.
VIUP là đơn vị tư vấn quy hoạch xây dựng hàng đầu cả nước với gần 70 năm kinh nghiệm phát triển. Viện đã tham gia lập nhiều quy hoạch quan trọng cấp quốc gia và tỉnh như: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023. Viện đã báo cáo Hội đồng thẩm định cho 03 đồ án Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Viện đã và đang thực hiện 19 đồ án quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Viện cũng là đơn vị tư vấn chính lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Điều này rất thuận lợi trong việc bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt giữa hai quy hoạch lớn mà Hà Nội đang triển khai.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, VIUP đảm nhiệm một số nội dung công việc trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, VIUP xây dựng các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch.
- Đối với nội dung đề xuất ngành/phân ngành, VIUP thực hiện một số công việc như: Đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, chức năng và quy mô và phương án phát triển dân số của từng cấp độ đô thị thành phố, thị xã, thị trấn trong thời kỳ quy hoạch; Đánh giá hiện trạng phát triển và phương án quy hoạch phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, xanh gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá hiện trạng và luận chứng, đề xuất mô hình phát triển, cấu trúc hệ thống đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị, chương trình phát triển đô thị; Đánh giá hiện trạng và đề xuất mạng lưới, vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng có tính liên tỉnh và liên huyện; Đánh giá hiện trạng và phương án QHXD vùng huyện Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Thực trạng và phương án tổ chức không gian mạng lưới các khu dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phương án phân bố hệ thống điểm dân cư nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Hiện trạng và phương án sắp xếp phân bố các khu nghĩa trang Thủ đô Hà Nội; Hiện trạng và phương án phát triển các khu xử lý chất thải.
- Đối với nội dung đề xuất đối với các quận, huyện, VIUP nghiên cứu đưa ra đánh giá thực trạng, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất.