Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Những vấn đề lớn về phát triển đô thị

Việc song hành lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội trong năm 2024, là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị thủ đô.

Quy hoạch phát triển đô thị phân tán, dàn trải

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai song hành lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 và điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng với đó là việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội trong năm 2024. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị Thủ đô. Quá trình phát triển vừa qua đạt được nhiều kết quả, song cũng bộc lộ một số hạn chế, thách thức liên quan đến quy hoạch chung.

Về vấn đề quy hoạch, thực tế thời gian qua, các quy hoạch và kế hoạch vẫn chưa được xác lập đồng bộ nên có hiện tượng phát triển đô thị còn phân tán, dàn trải. Có thể thấy rõ là nhiều dự án khu đô thị mới chậm triển khai, không gian đô thị chưa hài hòa giữa phát triển mới với cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị.

Về liên kết vùng, Hà Nội được xác định không chỉ là đô thị đặc biệt, tiêu biểu cho cả nước mà còn có vai trò với vùng, bao gồm cả vùng thủ đô (10 tỉnh, thành), vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (7 tỉnh), vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh).

Với vị thế đặc biệt quan trọng, Hà Nội cần hỗ trợ các tỉnh và ngược lại cần các tỉnh tạo điều kiện để thành phố Hà Nội phát triển. Bên cạnh đó, cần có sự đổi mới về quản lý vùng, mà trước hết là xây dựng các đầu mối, “cửa ngõ” Thủ đô với vùng và với cả nước.

Về phát triển đô thị gắn với với chiến lược phát triển kinh tế, theo Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, đều tác động đến quy hoạch thủ đô, song đang triển khai chậm so với kế hoạch. Khó khăn này đã được Quốc hội có định hướng khắc phục (Nghị quyết số 61/2022/QH15), nên rất cần thành phố Hà Nội có sự chủ động trong lập quy hoạch Thủ đô.

Việc Hà Nội đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chung, song đồng hành như thế nào để có hiệu quả, hiệu lực là vấn đề cần được quan tâm, đề cập ngay từ tổ chức thực hiện quy hoạch thủ đô đang nghiên cứu.

Cuối cùng, tính thống nhất, liên kết trong hệ thống quy hoạch thủ đô hiện còn tồn tại bất cập trong quản lý, thẩm định, thực hiện quy hoạch; chưa đồng bộ, gắn kết, thống nhất, còn có biểu hiện cục bộ, lợi ích ngành. Riêng về điều chỉnh cục bộ cả trong quy hoạch chung và quy hoạch ngành, đây là nội dung được xác định trong cơ chế, chính sách, song vẫn còn hạn chế là quy trình điều chỉnh chưa chặt chẽ. Do đó, trong giai đoạn tới, ngoài việc xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch chung được phê duyệt, cần có sự đổi mới trong quản lý, thẩm định các quy hoạch cụ thể, quy hoạch ngành.

Cần chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 8 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó về nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ: “Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...”.

Với Hà Nội, đây là mô hình có đặc thù, có sáng tạo để phù hợp với thực tiễn phát triển thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao... nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái.

Nhìn xa hơn nữa, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già hóa. Do đó, Hà Nội cần chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh: đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn. Ngoài 5 đô thị vệ tinh nói trên, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới, góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị.

Quá trình phát triển hệ thống đô thị của Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thủ đô mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để thành phố hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm thủ đô của các nước phát triển trong khu vực.

Ngoài ra, cần quan tâm đến dự báo và phân bố dân số. Tính toán dân số, phân bố dân số trong quy hoạch cần phải được xem xét, phân tích từ dự báo phát triển ngành, lĩnh vực, từ mô hình tổ chức không gian đô thị. Và điều quan trọng, là để nâng tầm vị thế Thủ đô, bảo tồn quỹ di sản đô thị, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống Thăng Long - Hà Nội, hạn chế các tiêu cực từ xu thế phát triển của thế giới không phù hợp với đặc thù Thủ đô. Đây là nhiệm vụ khó khăn cho nghiên cứu lập quy hoạch Thủ đô, trong lựa chọn để quản lý, thẩm định và phê duyệt quy hoạch Thủ đô.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến mô hình đô thị và chính quyền địa phương. Thành phố Hà Nội đang thực hiện thí điểm chính quyền đô thị. Nhà nước cũng đang rà soát tiêu chí các đơn vị xã, phường, quận và thành phố trực thuộc Thủ đô (được xác định theo nghị quyết điều chỉnh tiêu chí). Các đô thị vệ tinh sẽ được xác định loại hình chính quyền địa phương phù hợp theo tiêu chí gắn với 6 loại đô thị. Trong bối cảnh này, khi lập quy hoạch cũng cần xem xét, đề xuất cho phù hợp. Đây là vấn đề cần có sự trao đổi khoa học để tạo thuận lợi cho quản lý đô thị theo định hướng từ quy hoạch chung lần này.

Có thể nói, lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dấu ấn mới về công tác quy hoạch, nên có nhiều thách thức từ nghiên cứu, từ nội dung quy hoạch và từ cả thể hiện trên các bản đồ, sơ đồ. Hơn nữa, quá trình này lại được triển khai trong giai đoạn vừa thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nên thách thức là rất lớn. Hy vọng với sự quyết tâm của thành phố và việc tổ chức nghiên cứu khoa học, thực tiễn, với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng, sẽ tạo lập được quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao.

Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

(Nguồn:vietnamfinance.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website