Những thành phố trước nguy cơ biến mất

Thủ đô của Indonesia đang là một trong những thành phố sụt lún nhanh nhất trên thế giới sau nhiều thập kỷ không kiểm soát khai thác nước ngầm. Trong 30 năm qua, mực nước biển quanh Jakarta đã dâng lên 3m và 1/3 diện tích thủ đô có thể chìm dưới mặt nước vào năm 2050. Thực tế này đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo khi nhiều thành phố lớn khác cũng đang hoặc sắp chịu chung số phận.

Một ngôi nhà chìm trong nước bên ngoài đê chắn sóng ở khu vực Bắc Jakarta.

Houston

Đô thị đông dân thứ 4 nước Mỹ đã chìm trong nhiều thập kỷ do việc khai thác nước ngầm quá mức. Theo dữ liệu Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, khu vực hạt Harris bị chìm khoảng 3m kể từ những năm 1920. Nhiều vùng tiếp tục chìm khoảng 5cm/năm và sẽ còn tăng lên nhanh chóng.

New Orleans

Nếu những năm 1930, chỉ 1/3 New Orleans nằm dưới mực nước biển, con số này đã tăng lên thành 1/2 sau đợt tấn công của cơn bão Katrina năm 2005. Ngoài hoạt động khai thác của con người, thành phố bang Louisiana (Mỹ) vốn xây dựng trên nền đất không ổn định và nằm gần bờ biển nên rất dễ bị tổn thương trước bão nhiệt đới cũng như tình trạng nước biển dâng cao. Với một phần lãnh thổ nằm 4m dưới mực nước biển, sụt lún đang khiến nhiều nơi ở New Orleans chìm 5cm/năm và theo cảnh báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, thành phố này có thể biến mất vào năm 2100.

Virginia Beach

Nằm ven Đại Tây Dương và ngay cửa vịnh Chesapeake, thành phố thuộc bang Virginia (Mỹ) là một trong khu vực có mực nước biển dâng nhanh nhất ở Bờ Đông. Ngoài đất sụt lún, Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ cảnh báo khu vực này có thể gánh chịu hậu quả nặng nề khi mực nước biển dâng cao gần 4m vào năm 2100.

Miami

Theo cây bút nổi tiếng chuyên viết về đề tài năng lượng và môi trường Jeff Goodell, gần như không có kịch bản nào cho sự tồn tại của thành phố bang Florida (Mỹ) vào cuối thế kỷ này. Với mực nước biển đang dâng cao hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới, Miami có thể phải sớm nâng kết cấu hạ tầng để tránh những thiệt hại nặng nề do thiên tai.

Washington

Cùng đứng bên bờ thảm họa, thủ đô Mỹ được dự báo sẽ chìm hơn 15cm trong 100 năm tới. Tuy nhiên, thực trạng này không liên quan tầng nước ngầm hay mực nước biển mà là do một tảng băng từ kỷ băng hà cuối cùng. Theo các nhà khoa học, một dải băng cao hàng dặm đẩy đất dưới vịnh Chesapeake lên và vùng đất này đã lắng xuống sau khi băng tan. Thêm vào đó, mực nước biển tại Vịnh Chesapeake đang tăng lên.

Lagos

Nằm trên bờ biển Nigeria, thành phố đông dân nhất châu Phi được xây dựng một phần trên đất liền và một phần trên một số hòn đảo gần đó. Do vị trí địa lý đặc biệt, đường bờ biển Lagos hầu như bị xói mòn khiến nơi này dễ bị lũ lụt. Thành phố cũng đang tiến gần nguy cơ bị chìm khi mực nước biển ngày càng dâng cao do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Bắc Kinh

Tuy không phải thành phố ven biển, nhưng nhiều khu vực ở thủ đô của Trung Quốc bị chìm tới 10cm/năm mà nguyên nhân là do nước ngầm bị cạn kiệt.

Bangkok

Thủ đô Thái Lan đang chìm hơn 1cm/năm và có thể dưới mực nước biển vào năm 2030, theo Guardian. Để ngăn lũ lụt, Bangkok đã cho xây dựng công viên chứa nước khổng lồ Centenary Park trong khuôn viên Đại học Chulalongkorn. Rộng khoảng 44,5km2, Centenary Park có khả năng chứa gần 4 triệu lít nước.

Dhaka

Bangladesh đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề do mực nước biển dâng cao, đặc biệt là thủ đô Dhaka. Dự kiến vào năm 2050, 17% lãnh thổ Bangladesh có thể chìm dưới nước và đe dọa sinh mạng 18 triệu người.

Venice

Trong thế kỷ 20, thành phố kênh đào của Ý bị lún xuống 23cm và đang chìm 0,2 cm/năm do hậu quả khai thác nước ngầm và mực nước biển tăng.

Rotterdam

Theo ước tính, 90% diện tích thành phố ở Tây Nam Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Để đối phó nguy cơ lũ lụt tăng lên do nước biển dâng cao, Hà Lan đã tính tới giải pháp cải tạo đất mang tên “Lấy chỗ cho nước - Room for the river” để tạo những khoảng trống cho nước dâng tự nhiên, hay những khu vực làm giảm lực của sóng biển.

Alexandria

Nằm bên bờ Địa Trung Hải, các bãi biển của thành phố lớn thứ hai Ai Cập đã biến mất khi mực nước biển tiếp tục dâng cao.

(Nguồn:baocantho.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website