Bitexco xin làm nhà ở xã hội tại khu đô thị The Manor Central Park

Lãnh đạo Bitexco đã kiến nghị được thực hiện dự án nhà ở xã hội tại dự án Khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park) để đảm bảo đồng bộ hạ tầng khu đô thị.

Dự án Khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 (tên thương mại The Manor Central Park) do Bitexco làm chủ đầu tư. Ảnh: Hạ Vũ.

Đây là nội dung được ông Nguyễn Viết Tạo, đại diện Tập đoàn Bitexco đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Cụ thể, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành khảo sát tại một số dự án khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) như Khu đô thị mới Đại Kim; Khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park) và Trường Dwight Hà Nội.

Tại buooril àm việc, báo cáo Đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản, nhà ở xã hội, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho biết không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước, thời gian qua đều gặp vướng mắc, rào cản về các thủ tục, quy hoạch... liên quan dự án bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 - Hacinco (thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội - Handico), kiến nghị cần rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà ở xã hội, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, không để lãng phí quỹ đất sạch, đồng thời bình ổn thị trường nhà ở trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Tạo, đại diện Tập đoàn Bitexco kiến nghị xem xét giao tập đoàn này thực hiện dự án nhà ở xã hội tại dự án Khu nhà đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park) nhằm bảo đảm đồng bộ hạ tầng khu đô thị.

Theo thống kê của UBND quận Hoàng Mai, trên địa bàn quận hiện có 17 dự án nhà ở, khu đô thị đã và đang triển khai như Khu đô thị Linh Đàm, Đại Kim, Định Công, Kim Văn - Kim Lũ, The Manor Central Park, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hateco Yên Sở, Gamuda City...

Trong giai đoạn 2015-2023, đã có 109 dự án chung cư được đưa vào sử dụng. Trong đó, có 87 tòa chung cư thương mại, 14 tòa chung cư tái định cư, 8 tòa nhà ở xã hội.

Với riêng dự án nhà ở xã hội, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 26 dự án, trong đó, có 3 dự án đã hoàn thành; 7 dự án đang triển khai.

Dựa trên các kiến nghị của đại diện doanh nghiệp đưa ra, ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ tháo gỡ hầu hết vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý đất đai.

Tuy nhiên, ông Quân kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể trong các nghị định, tiến hành thí điểm một số nội dung trong Luật liên quan đến việc sử dụng quỹ đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xử lý các vi phạm trong xây dựng nhà ở xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết thông qua cuộc khảo sát và các kiến nghị, sẽ tổng hợp, ghi nhận và phản ánh đầy đủ trong báo cáo chung để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ và báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Tập trung phát triển nhà ở xã hội

Trong khi đó, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với UBND TP Hà Nội về nội dung liên quan, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết trong giai đoạn 2015-2023, toàn thành phố có khoảng 466 dự án bất động sản đã hoàn thành và còn 598 dự án đang triển khai.

Trong đó, chỉ có khoảng 30 dự án nhà ở xã hội đã được hoàn thành, cùng với 58 dự án đang triển khai và 83 ô đất (khoảng 43,58 ha) tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20-25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Ngoài ra, Hà Nội cũng có 4 khu nhà ở công nhân đã và đang tiến hành xây dựng.

Để tăng cường việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP cho biết đã tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội độc lập với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Hiện nay, UBND thành phố cũng đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án tại Tiên Dương, Đông Anh làm cơ sở để lựa chọn chủ đầu tư, phấn đấu khởi công trong năm nay.

Trên cơ sở một số tồn tại cần được tháo gỡ, UBND TP Hà Nội đề nghị trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở năm 2023 cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp các dự án đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thực hiện từ trước khi sáp nhập địa giới hành chính, có thay đổi quy hoạch dẫn đến thay đổi chức năng khu đất thực hiện.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát để sớm sửa đổi pháp luật về quản lý thuế, qua đó bổ sung thuế tài sản, nhằm giúp ngăn chặn hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm đất gây sốt ảo trên thị trường, đưa đất đai về đúng giá trị thực tế…

Đồng thời, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản trị tại nhà ở xã hội để đưa công tác này vào nề nếp, bảo đảm chất lượng, tạo môi trường sống văn minh cho người dân ở loại hình nhà ở này.

(Nguồn:znews.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website