Xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải trên 0,5 tấn tạm thời bị cấm qua cầu Chương Dương từ 8h30 sáng 10/9 để bảo đảm an toàn. Ảnh: VGP
Công điện nêu rõ, cơn bão số 3 đi qua địa bàn thành phố Hà Nội, đã gây ra mưa to và dông lốc, làm gãy, đổ nhiều cây xanh, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật, ngập úng cục bộ. Dự báo tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, mức nước trên các tuyến sông đang tiếp tục dâng cao, kèm theo mưa lớn nhất là các khu vực miền núi, có nguy cơ tác động ảnh hưởng mất an toàn đến các công trình cầu vượt sông. Để đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn, thuận lợi, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ ảnh hưởng tác động và đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm) để kịp thời phát hiện đưa ra biện pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn khai thác.
Căn cứ thực tế hiện trạng công trình, tình hình nước lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác kịp thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được an toàn và thuận lợi.
Theo dõi, giám sát thường xuyên tình hình nước lũ trên các tuyến sông, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến khả năng khai thác các công trình cầu vượt sông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp cần thiết dừng hoạt động khai thác để tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc thay mới. Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ quan trọng) kèm theo nhu cầu về kinh phí gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư, cải tạo, sửa chữa.
Chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu do địa phương quản lý theo phân cấp; chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn, xử lý các vấn đề liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành, cũng như phương án kỹ thuật xử lý sự cố phát sinh (nếu có).
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai các nội dung công việc, nhiệm vụ đã được giao tại mục 1 nêu trên và tổng hợp, theo dõi đôn đốc các địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình cầu do Thành phố quản lý (đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm), trong đó cần quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật.
Quyết định việc dừng hoạt động hoặc hạn chế phương tiện đi qua đối với các công trình cầu thuộc thẩm quyền được giao quản lý. Chủ trì lên phương án phân luồng đảm bảo an toàn giao thông qua các công trình cầu. Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đối với các công trình cầu đang hạn chế tải trọng. Phối hợp đảm bảo an toàn các công trình cầu vượt sông do Bộ Giao thông vận tải đang quản lý nằm trên địa bàn Thành phố.
Tổng hợp danh mục, số liệu các công trình cầu cần cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, đề xuất UBND Thành phố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Trong đó đề xuất bổ sung ngay danh mục các công trình cầu cần cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để khắc phục sửa chữa các hư hỏng nhẳm đảm bảo duy trì khả năng khai thác.
Sở Giao thông vận tải sẽ chịu trách nhiệm về quản lý ngành đối với việc đảm bảo an toàn các công trình cầu được giao quản lý. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền.
Giám đốc các Sở và Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát sao, tình hình nước lũ tăng nhanh trên các tuyến sông, tình hình sạt lở tại các khu vực công trình cầu hiện hữu kèm theo cảnh báo các tác động ảnh hưởng có thể xảy ra; Kịp thời cung 3 cấp thông tin cho chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải nắm bắt đưa ra phương án xử lý.
Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính trên cơ sở đề xuất của chính quyền địa phương và Sở Giao thông vận tải tham mưu đề xuất thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế để đảm bảo an toàn giao thông các công trình cầu hiện hữu cần thiết phải sửa chữa, xử lý ngay; bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư để đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa lớn các công trình cầu yếu, cầu tạm trong giai đoạn 2024-2025
Sở Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan cập nhật cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, phương án phân luồng đảm bảo giao thông, phương án hạn chế phương tiện qua các công trình cầu (bao gồm cả việc dừng hoạt động nếu có) đảm bảo kịp thời, thường xuyên, liên tục thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, các nền tảng mạng xã hội để người dân, cơ quan quản lý nắm bắt tình hình.
Giám đốc Công an Thành phố, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô: Phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải trong công tác phần luồng, đảm bảo an toàn giao thông cũng như xử lý sự cố (nếu có)