Hồ Thiền Quang dự kiến sẽ là Quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp công viên Thống Nhất và cũng là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách. Quảng trường này cũng kết nối với công viên Thống Nhất và các khu vực khác. Hiện vào cuối tuần, đoạn phố Trần Nhân Tông được tổ chức thành phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa giải trí và thương mại.
Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc Hồ Thiền Quang. Quảng trường mùa Xuân, mùa Hạ nằm ở hai góc phía đường Trần Nhân Tông sẽ diễn ra sự kiện, hoạt động chính với không gian mở để ngắm toàn cảnh hồ. Quảng trường mùa Thu giáp ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung dành cho các hoạt động vui nhộn. Quảng trường mùa Đông tại ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng là không gian chuyển tiếp giữa công viên ven hồ và cụm ba chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa, các hoạt động sẽ tĩnh hơn như chơi cờ, thể dục, câu cá.
Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang
Đồ án cũng nêu định hướng thiết kế đài phun nước ở giữa hồ; khu biểu diễn nhạc nước gần bờ phía đường Trần Nhân Tông. Để người dân và du khách có thể nghỉ ngơi thư giãn và xem nhạc nước, sát hồ sẽ được xây bậc thềm ngắm cảnh. Ngoài ra, đồ án còn định hướng các khu vực như tượng đài công an nhân dân, cung văn hóa thanh niên, cây xanh cảnh quan...Nhiều người dân cũng bày tỏ sự quan tâm tới đề án Hồ Thiền Quang.
Ông Lê Hải Phong - quận Tây Hồ cho biết: "Các quảng trường tên gọi Xuân Hạ Thu Đông nghe có vẻ nhàm chán. Bản thân tên hồ Thiền Quang nghĩa là ánh sáng của thiền, thì theo tôi nên thiết kế như thế nào gắn với tên gọi này để tạo điểm nhấn. Hồ giữa trung tâm đã đẹp rồi thì nên để yên mà chỉ nên có sự kết nối, tận dụng mở rộng với không gian của công viên Thống Nhất…"
Được biết, chiều nay 29/2/2024, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại phường Nguyễn Du. Dự kiến tiếp theo sẽ là phường Lê Đại Hành và các chuyên gia. Hồ Thiền Quang, từng mang tên là hồ Liên Thủy, tên tiếng Pháp là hồ Halais. Vào thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các con phố. Đến những năm 1930, hồ mới ổn định được diện mạo như bây giờ với diện tích khoảng 5 hecta.