Ưu tiên thu hút đầu tư vào thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự
Theo Kế hoạch, các dự án đầu tư công ưu tiên thực hiện gồm các dự án có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh nội vùng, kết nối trục hành lang kinh tế phía Tây của vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam Bộ (các đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Hồng Ngự - Trà Vinh, tuyến quốc lộ N1,...).
Ưu tiên đầu tư hạ tầng lưới điện; hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại bốn phân vùng kinh tế động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và liên vùng; đồng thời, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa tạo động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều đảm bảo an toàn đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự
Theo Kế hoạch, khuyến khích đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh, phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đã được đầu tư. Xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự - trục động lực trung tâm, động lực chính của tỉnh, là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long; ba trục động lực kinh tế, ngành quan trọng và một số ngành, lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa để đảm bảo phù hợp với quan điểm phát triển, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội và phương án phát triển kết cấu hạ tầng đã được xác định tại Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: công nghiệp chế biến nông - thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp; năng lượng tái tạo; các khu nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; hạ tầng đô thị; hạ tầng thương mại; dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe; khu phi thuế quan, kho ngoại quan; cấp nước và môi trường; xử lý chất thải; hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,... dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Về nguồn lực để thực hiện quy hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) là 7 - 7,5% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh Đồng Tháp dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 477.000 tỷ đồng (với chỉ số ICOR 3,9-4,2, tương ứng tỷ lệ đầu tư/GRDP khoảng 28 - 30%).
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện
Quyết định cũng nêu rõ một số giải pháp thực hiện Kế hoạch. Theo đó, giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch là tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị, các kênh thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở các cơ quan hành chính đến cấp xã, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, chính trị nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện.
Về huy động vốn đầu tư phát triển, sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn do Nhà nước quản lý hiệu quả, đóng vai trò quan trọng hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm có tính tạo động lực lan tỏa.
Các dự án đầu tư trọng tâm trọng điểm: dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; cao tốc cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh; cao tốc Đức Hoà - Mỹ An; dự án quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp; xây dựng tuyến N1 và cầu Tân Châu - Hồng Ngự; nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền; hạ tầng giao thông đường bộ Nam Sông Tiền,…. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện.
Chú trọng huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, trong đó tập trung đẩy mạnh thu hút theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngay khi trung ương ban hành quy định mới. Nghiên cứu xây dựng danh mục các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP cho từng giai đoạn để thu hút nhà đầu tư, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông sản mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm.
Phấn đấu đưa Đồng Tháp nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số
Về bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đồng Tháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đối với các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là liên quan đến bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, mạng kết nối vạn vật phục vụ chuyển đổi số toàn diện để phục vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên chuyển đổi số các lĩnh vực: giáo dục, y tế, thương mại điện tử, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, quản lý tài nguyên môi trường, giao thông và logistics. Phấn đấu đưa Đồng Tháp nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số.
Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, củng cố cơ sở hạ tầng nông thôn (giao thông, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin truyền thông). Đầu tư, cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp thành bệnh viện đa khoa cấp vùng theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các cấp, các ngành; cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài biết, hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng Quy hoạch tỉnh, tạo nền tảng nhận thức thống nhất về tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ đã xác định trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.