Thực trạng thực hiện điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050

TS.KTS. Trương Văn Quảng - VUPDA

 

Định hướng chung

Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, hệ thống đô thị Việt Nam quy hoạch tổng thể đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 phát triển theo mô hình liên kết mạng, trên cơ sở phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế. Định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước theo hướng bảo đảm phát triển hợp lý các vùng đô thị hóa cơ bản giữa 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia, giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị. Từ 2009 đến 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia; từ sau năm 2015 đến 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ; giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị.

Quá trình thực hiện QĐ số 445

- Phát triển mạng lưới đô th, hình thành các cực, các vùng đô th hoá động lực, các hàng lang tăng trưởng chủ đạo

+ Mạng lưới đô thị. Với Quyết định số 10 (năm 1998), Việt Nam đã chủ động phát triển các đô thị vừa và nhỏ, và kiềm soát sự tăng trưởng của các thành phố lớn. Đến Quyết định số 445 (năm 2009), Việt Nam khuyết khích khả năng phát triển của các đô thị lớn, là cực tăng trưởng của một vùng đô thị hóa tập trung. Với quan điểm phát triển một hệ thống đô thị có tính liên kết mạng mà trong đó mỗi một đô thị đều có vai trò trong nền kinh tế đô thị của một vùng và cả nước. Theo đó, mạng lưới đô thị Việt Nam căn bản được phát triển và phân theo các cấp, bao gồm 5 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế (thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, và Huế), 12 đô thị là trung tâm cấp vùng (Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ) và các đô thị còn lại là trung tâm của các tỉnh…

Đô thị hóa mạnh mẽ tại các vùng đô thị lớn, các cực tăng trưởng chủ đạo đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng kĩ thuật, xã hội như: đường xá, điện nước, cơ sở giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường… Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực phát triển, nâng tầm cao với kiến trúc hiện đại hội nhập quốc tế (nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM).

Năm 1999, cả nước có 629 đô thị, đến đầu năm 2014 có 772 đô thị (Thấp hơn so với dự báo QH 2009 khoảng 90 đô thị), trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 64 đô thị loại IV và 630 đô thị loại V. Về đơn vị hành chính đô thị do hiện nay Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực nên việc nâng cấp quản lý hành chính và điều chỉnh ranh giới hành chính đô thị phải thông qua thường trực Quốc hội, năm 2014, cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, 63 thành phố thuộc tỉnh, 47 thị xã thuộc tỉnh, 613 thị trấn (trong đó 27 thị trấn là đô thị loại IV). Tỉnh có nhiều thị trấn nhất là Thanh Hóa với 28 thị trấn. Tỉnh Ninh Thuận chỉ có 3 thị trấn, thành phố Đà Nẵng không có thị trấn nào.

Dân số đô thị đạt khoảng 30,4 triệu người, chủ yếu tập trung tại các vùng đô thị hóa cao - các vùng đô thị lớn. Cụ thể là tập trung tại hai đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM) và 15 đô thị loại I khoảng 14,8 triệu người chiếm 49% dân số các đô thị của Việt Nam. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của Việt Nam tại thời điểm này đạt khoảng trên 34%, tăng trung bình 1% năm (Thấp hơn so với dự báo QH 2009 khoảng 0,4%). Đô thị hóa tập trung cao nhất tại vùng Đông Nam Bộ/vùng TP.HCM (64,15%), thấp nhất tại vùng Trung du miền núi phía Bắc (21,72%). Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ dân số đô thị cao, trong đó cao nhất là TP.HCM 83%, Bình Dương 71,6%, Quảng Ninh 68,86%… Các tỉnh có tỷ lệ dân số đô thị thấp nhất của Việt Nam: Thái Bình 10,7%, Tuyên Quang 12,41%, Sơn La 13,7%, Bắc Giang: 13,05%...

Về đất đô thị, đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị đạt 34,017 km2 chiếm khoảng 10,26% diện tích đất tự nhiên của cả nước, nội thành nội thị 14.760 km2 chiếm khoảng 4,42% diện tích đất tự nhiên của cả nước (Tăng hơn so với dự báo QH 2009 khoảng trên 3%). Nhiều khu vực nội thành nội thị vẫn còn 50 - 60% diện tích đất nông nghiệp hoặc để trống chưa sử dụng phát triển đô thị. Hiện tượng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đặc biệt vùng ven đô đã, đang diễn ra khó kiểm soát, rất cần chính quyền các đô thị quản lý chặt chẽ.

Các đô thị lớn như ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch quan trọng, các động lực phát triển mới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ tài chính – ngân hàng, bất động sản, viễn thông và truyền thông… Đối với các đô thị có điều kiện tự nhiên cảnh quan đẹp, đặc biệt như Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… hay các đô thị có di sản văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long, Côn Đảo… thì du lịch đã trở thành động lực phát triển chính. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật các đô thị loại II trở lên đã được tăng cường, các đô thị loại IV trở lên cũng đã được nâng cấp, cải thiện điều kiện hạ tầng cơ sở (điện đường, trường trạm, môi trường nước, rác…) nhờ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

+ Các vùng đô thị hóa. Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên cơ sở 6 vùng kinh tế xã hội quốc gia là: (1) Vùng trung du và miền núi phía Bắc/14 tỉnh; (2) Vùng đồng bằng sông Hồng/11 tỉnh; (3) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung/14 tỉnh; (4) Vùng Tây Nguyên/5 tỉnh; (5) Vùng Đông Nam Bộ/6 tỉnh và (6) Vùng đồng bằng sông Cửu Long/12 tỉnh. Đây cũng là 06 vùng đô thị hóa cơ bản gắn với 06 vùng phát triển KT-XH của Việt Nam, trong đó mỗi vùng có các khu vực đô thị hóa tập trung cao, các cực động lực, các hành lang phát triển chủ đạo theo quy hoạch 2009 đề xuất.

Vùng đồng bằng sông Hồng được phát triển cơ bản dựa vào vùng thủ đô Hà Nội/mà trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong đó thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là tam giác tăng trưởng và thủ đô Hà Nội là đô thị động lực chủ đạo và vùng Duyên hải Bắc bộ/mà động lực trụ cột là Quảng Ninh, Hải Phòng. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phát triển dựa chủ yếu vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Huế, TP. Đà Nẵng, Qui Nhơn là chuỗi các đô thị động lực, trong đó TP. Đà Nẵng là đô thị trung tâm. Vùng Đông Nam Bộ phát triển dựa vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực trung tâm của vùng TP.HCM là vùng đô thị hóa cao, TP.HCM là cực tăng trưởng chủ đạo. Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển dựa vào vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ và phụ cận là cực tăng trưởng chủ đạo…

Theo tổng kết UN-ESCAP, 1993 cho thấy vùng đô thị lớn/VÐTL (Greater metropolis) hay vùng đô thị mở rộng/VÐTMR (Extended metropolis)/vươn ra dọc nhánh của hành lang lưu thông/đường cao tốc tới 50km, có thể đi làm và về trong ngày. Cũng từ góc nhìn toàn cầu hóa thì vùng đô thị cực lớn/VÐTCL (Mega Urban Region - MUR) được coi là một nút/tụ điểm trong mạng lưới các dòng lưu chuyển hàng hóa, vốn và thông tin toàn cầu, là nơi tập trung GDP và dân số đô thị càng cao.

Vùng thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM của Việt Nam về cơ bản cũng hội tụ đủ các chỉ số như lưu lượng giao thông, các điểm kết nối kinh tế (khoa học - công nghệ, công nghiệp, dịch vụ/đào tạo, y tế, du lịch và nông nghiệp)…và thực sự đã trở thành các vùng đô thị lớn/đô thị cực lớn/cực tăng trưởng chủ đạo trong cấu trúc tổng thể mạng lưới đô thị quốc gia, có tác động không nhỏ trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Vùng thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của thủ đô Hà Nội và 06 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, (QĐ số 490/2008/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ)/Nay mở rộng thêm 3 tỉnh là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2. Đây là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vùng TP.HCM gồm TP.HCM và 07 tỉnh xung quang là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Tổng diện tích tự nhiên khoảng trên 30.591,8 km2, là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực; trung tâm giáo dục, đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ của quốc gia và khu vực; là vùng động lực phát triển kinh tế hàng đầu của cả nước và có tầm ảnh hưởng lớn khu vực ASEAN và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.

Bên cạnh các vùng đô thị hóa, các đô thị động lực chủ đạo, dựa vào đặc điểm của điều kiện tự nhiên, các mối quan hệ và nguồn lực phát triển, các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam cũng được bố trí hợp lý tại các vùng đô thị hóa cơ bản; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang Đông - Tây, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.

+ Các cực tăng trưởng chủ đạo. Các đô thị lớn, đô thị cực lớn như thủ đô Hà Nội, TP.H CM, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ… được tổ chức phát triển theo mô hình đa trung tâm. Vùng thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM là các vùng đô thị lớn, là vùng động lực quan trọng trong phát triển KT-XH quốc gia và hội nhập quốc tế, trong đó Hà Nội, TP.HCM là các đô thị trung tâm, cực tăng trưởng chủ đạo.

Thời gian qua, Việt Nam đã tái cấu trúc không gian lãnh thổ quốc gia trên cơ sở phát triển 04 vùng kinh tế trọng điểm với vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của mỗi tỉnh và cả nước. Bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Đồng thời Việt Nam cũng phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu kinh tế tổng hợp ven biển và cửa khẩu nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tạo ra các động lực, cực tăng trưởng chủ đạo hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia có sức cạnh tranh và sự lan tỏa trong cả nước và khu vực. Với mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, riêng các khu kinh tế ven biển đóng góp từ 53%-55% GDP quốc gia và 55% - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy vai trò hết sức quan trọng của khu kinh tế ven biển trong phát triển KT-XH tại Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây do nhiều khu kinh tế của Việt Nam phát triển kém hiệu quả như mong muốn và để tạo ra đột phá trong phát triển các khu kinh tế, Chính phủ đã lựa chọn và tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước đối với 13 khu kinh tế mũi nhọn, gồm 05 khu kinh tế ven biển: Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); Khu kinh tế đảo Phú Quốc và Cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang) và 08 khu kinh tế cửa khẩu: Móng Cái (Quảng Ninh); Đồng Đăng (Lạng Sơn); Lào Cai (Lào Cai); Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị); Bờ Y (Kon Tum); Mộc Bài (Tây Ninh) và Hà Tiên (Kiên Giang).

+ Các hành lang tăng trưởng chủ đạo.

(i) Các hành lang kinh tế động lực theo hướng Bắc -  Nam: (1) Hành lang kinh tế ven biển (Hành lang QL1A, đường sắt Bắc Nam và vùng Duyên hải, trong đó các đô thị đóng vai trò là cửa ngõ hướng biển, các khu kinh tế tổng hợp, dịch vụ du lịch, cảng biển, sân bay quốc gia, quốc tế quan trọng); (2) Hành lang biên giới (Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia) gắn kinh tế cửa khẩu với đảm bảo ANQP; (3) Hành lang hỗ trợ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh…

Các hành lang kinh tế động lực theo hướng Bắc - Nam cơ bản đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối không gian, các vùng, các cực tăng trưởng, các đô thị động lực chủ đạo và thứ cấp… tạo nên bộ khung xương sống, huyết mạch chính của quốc gia… Tuy nhiên, các tuyến bộ sắt cao tốc Bắc - Nam ở giai đoạn này Việt Nam cũng chưa đủ tiềm năng, nguồn lực để đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó một số KKT ven biển, KKT cửa khẩu do quy hoạch, xây dựng thiếu tầm nhìn… nên hiệu quả KT- XH, sự lan tỏa của tốc độ đô thị hóa trên các trục hành lang này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

(ii) Các trục hành lang kinh tế động lực theo hướng Đông - Tây: (1) Trục hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn); (2) Trục hành lang Đông - Tây/QL19; (3) Trục hành lang QL22… Ngoài ra còn một số trục hành lang Đông - Tây hỗ trợ như trục QL8, QL19, QL26… Các trục hành lang Đông - Tây chưa phát huy thế mạnh, các hoạt động kinh tế thương mại đã xuất hiện nhưng quy mô còn nhỏ chưa xứng với tiềm năng, lợi thế…, chưa tạo ra sự liên kết mạnh hay “dòng chảy” có sự lôi cuốn về nguồn lực, đầu tư trong mối quan hệ quốc gia và quốc tế, chưa thực sự tạo ra cửa ngõ hướng biển hấp dẫn cho khu vực phía Tây… (Lào, Campuchia, Thái Lan, Myama…)

+ Phát triển đô thị vừa và nhỏ gắn với vùng nông nghiệp nông thôn. Quy hoạch 2009 xác định giai đoạn đến năm 2015 ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển, hải đảo, cửa khẩu biên giới đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo, hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia. Phát huy thế mạnh của mỗi vùng trọng điểm để các vùng này đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển chung của đất nước và trợ giúp các vùng khó khăn, có năng lực hội nhập kinh tế quốc tế với quy mô lớn và trình độ cao. Tập trung thu hút vốn đầu tư, phát triển các đô thị lớn, đô thị cực lớn đóng vai trò là hạt nhân, động lực phát triển chính của vùng, tạo ra thế phát triển cân bằng trên các vùng lãnh thổ quốc gia để góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế đất nước. Đồng thời cũng dành nguồn lực phù hợp để đầu tư, phát triển các đô thị trung bình và nhỏ, trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng của tất cả các vùng, liên kết hỗ trợ nhau kể cả khu vực nông thôn, làm cho tất cả các vùng đều phát triển.

Trong những năm qua, cùng với việc phát triển công nghiệp và đô thị, Chính phủ Việt Nam còn thúc đẩy quá trình phát triển khu vực nông thôn thông qua khung chiến lược “Tam nông” trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới. Gần đây, trong báo cáo quốc gia về việc đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (GoVN, 2015c: 103-104), Chính phủ Việt Nam chỉ ra rằng đô thị hóa và di cư từ nông thôn ra thành thị mang đến cả tác động tích cực và tiêu cực. Nếu phát triển đô thị được quản lý tốt, kinh tế đô thị có thể được hưởng lợi từ việc tăng năng suất và dân số đô thị có thu nhập tăng và được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ. Đồng thời thông qua khung chiến lược “Tam nông”, Chính phủ Việt Nam hy vọng trong một vài năm tới chênh lệch giữa khu vực Đô thị và Nông thôn sẽ giảm đáng kể.

3. Nhận định xu hướng phát triển đô thị trong tương lai

- Tiếp cận đa ngành gắn với Khung phát triển quốc gia. Cách tiếp cận Quy hoạch 2009 theo QĐ 445 đã lưu ý tính đa ngành trong việc thiết lập các kịch bản phát triển – phát triển theo giai đoạn (gắn với cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, tài nguyên đất đai, môi trường, nguồn lực, cơ chế chính sách…). Ví dụ trong giai đoạn từ 2009 đến năm 2015. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ưu tiên phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (vùng KTTĐ phía Bắc, vùng KTTĐ miền Trung, vùng KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ ĐBSCL); rà soát các khu kinh tế ven biển, hải đảo, cửa khẩu biên giới để ưu tiên tập trung phát triển 13 khu kinh tế có ưu thế, tiềm năng… đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo, hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia. Phát huy thế mạnh của mỗi vùng trọng điểm để các vùng này đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển chung của đất nước… Tập trung thu hút vốn đầu tư, phát triển các vùng đô thị lớn (vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM), các đô thị lớn, đô thị cực lớn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…) đóng vai trò là hạt nhân, động lực phát triển chính của vùng, tạo ra thế phát triển cân bằng trên các vùng lãnh thổ quốc gia để góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế đất nước…

Kịch bản phát triển theo giai đoạn và mô hình hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo Mạng lưới (QH 2009) căn bản vẫn có ưu điểm khi ở giai đoạn 2009 - 2015 đã chứng minh sự đúng đắn… Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang  bước vào giai đoạn Đổi mới lần 2 với Đề án “Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020” của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Khung phát triển hệ thống đô thị quốc gia có thể xem xét vi chỉnh ở mức độ phù hợp với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nhất là ở giai đoạn sau năm 2015.

- Mô hình đô thị và chiến lược phát triển. Như đã phân tích ở trên, Kịch bản phát triển hệ thống đô thị Việt Nam (QH 2009) phát triển theo giai đoạn: (1) Giai đoạn từ 2009 đến năm 2015; (2) Giai đoạn từ 2016 đến năm 2025; (3) Giai đoạn từ 2026 đến năm 2050; Mô hình phát triển theo Mạng lưới (Liên kết mạng)… Đây là Mô hình hướng tới thể hiện vai trò của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương ngày một lớn mạnh; sự phân cấp và tổ chức mạng lưới đô thị theo dạng tầng bậc phân bố tương đối đều khắp lãnh thổ Việt Nam, giảm thiểu sự phát triển chênh lệch, tạo điều kiện phát triển cân bằng hơn giữa các vùng, giữa khu vực đô thị và nông thôn. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kĩ thuật, xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện cho người dân được hưởng chất lượng đô thị hóa tốt hơn, tiếp cận chất lượng dịch vụ đô thị, KHCN, CNTT… tốt hơn, hoàn thiện hơn. Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển cân đối, bền vững, có mối liên kết chặt chẽ với khu vực nông thôn, không gây tổn hại đến môi trường, có khả năng thích ứng với BĐKH, nước biển dâng, có sức cạnh tranh cao, có vị thế xứng đáng, có mối liên kết hài hòa với hệ thống đô thị khu vực và quốc tế.

Kịch bản phát triển theo giai đoạn đảm bảo sự phát triển đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển KT-XH của Việt Nam theo từng thời kì là sự kết tinh chuỗi đặc điểm của quá trình đô thị hóa Việt Nam chuyển dần từ mô hình Cấu trúc mạng (theo cấp, loại đô thị), gắn với các cực tăng trưởng, phân bố hợp lí theo các vùng lãnh thổ quốc gia và trên địa bản cả nước giai đoạn ngoài năm 2025 sang Cấu trúc mạng (theo mối liên kết) và phát triển đồng đều ở giai đoạn ngoài năm 2025 (Mô hình mạng lưới – Liên kết mạng).

“Khung phát triển” lãnh thổ quốc gia được thiết lập trên cơ sở phân bố nguồn lực nhằm tạo khung phát triển KT-XH của Việt Nam cũng như nguồn lực phát triển hệ thống đô thị  cơ bản dựa trên các đặc điểm của điều kiện tự nhiên, vị thế, nguồn tiềm năng, mối quan hệ, xu hướng hội nhập, các chiến lược phát triển ngành, phát triển KT-XH, kế thừa những mặt tích cực của Đổi mới lần 1, quá trình đô thị hóa (bùng phát đô thị) lần 2. Đồng thời đón trước các thay đổi trong Đổi mới lần 2 (quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam), chuẩn bị cho giai đoạn bùng phát đô thị lần 3 cũng như các cơ hội thách thức trong xu hướng hội nhập, BĐKH, NBD… làm cơ sở để xác định “Khung phát triển” lãnh thổ quốc gia, trong đó tiếp tục duy trì các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp/Các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn, các đô thị lớn, cực lớn, các KKT…, các trục hành lang kinh tế động lực chủ đạo Bắc – Nam; các trục hành lang kinh tế động lực liên kết hỗ trợ Đông – Tây, nan quạt, hành lang vành đai biên giới, hải đảo gắn với kinh tế biển, cửa khẩu, ANQP.

Tài liệu tham khảo:

  • Điều chỉnh Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam (QHTT) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ số 445/QĐ – TTg ngày 07/4/2009)
  • Định hướng QHTT phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020 (QĐ số 10/1998/QĐ – TTg ngày 23/1/1998)
  • Tạp chí Quy hoạch xây dựng, Số 70/2014
  • Báo cáo “Đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam” của Ngân hàng thế giới (WB)
  • Báo cáo quốc gia cho Habitat III, Nước CHXHCN Việt Nam (DRAFT/20150930/V4.3)
  • Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc UNDP, 2015
  • Đô thị hóa ở Việt Nam/Hoàng Bá Thịnh, Đoàn Thị Thanh Huyền
(Nguồn:Tạp chí QHXD số 97+98)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website