Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050

TS. Nguyễn Hùng Cường, TS. Nguyễn Quang Dũng, TS. Hà Văn Định

Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp

Để thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bám sát một số văn bản luật như: (1) Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14; (2) Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; (3) Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; (4) Các luật về quy hoạch, các luật khác có liên quan; (5) Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; (6) Pháp lệnh số 01/2018/UBTVQH14 ngày 22/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; (7) Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch... Tuy nhiên, trong quá trình thực lập quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:

1. Các khó khăn, vướng mắc thực hiện lập quy hoạch tỉnh

Ngày 05/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch, tại Điểm B, Khoản 5, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 thì “các địa phương tập trung nguồn lực tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2020”. Tuy nhiên, việc Trung ương chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành Thông tư hướng dẫn lập quy hoạch (Thông tư hướng dẫn, cụ thể hóa Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, cụ thể hóa Luật Quy hoạch). Nhiều khái niệm, phương pháp, cách thức tiếp cận mới được đặt ra trong Luật Quy hoạch nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện chưa quy định chi tiết. Do đó, trong quá trình thực hiện, địa phương phải mất nhiều thời gian tìm hiểu và lúng túng trong quá trình tổ chức lập quy hoạch.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3, 4, 5, Điều 10 Luật Quy hoạch năm 2017 thì Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ chế, chính sách nêu trên vẫn chưa được Trung ương ban hành. Vì vậy, việc huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch chưa thể đẩy mạnh. Luật Quy hoạch quy định: Dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh là một nội dung thuộc nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh; thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thuộc Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, việc thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền của địa phương. Vấn đề này đã gây ra sự chậm trễ trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh.

- Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng.

- Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế; chưa thúc đẩy tính liên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển; tính linh hoạt, sáng tạo còn yếu. Việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành còn chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguồn lực cho công tác quy hoạch do các quy hoạch này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

- Hiện nay, việc lập quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn còn nhiều tồn tại, chất lượng quy hoạch chưa đảm bảo, chưa bám sát thực tiễn phát triển, tầm nhìn còn ngắn hạn, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Nguyên nhân là do Luật Quy hoạch năm 2017 chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự chuẩn bị kỹ về cơ sở pháp lý, công cụ dưới luật. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật Quy hoạch còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhiều luật khác ban hành trước đó (có một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập. Cụ thể, các quy định về trình tự lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP mâu thuẫn với quy định tại Khoản 4, Điều 16, Luật Quy hoạch, tạo thêm thủ tục trình tự không cần thiết trong quá trình lập quy hoạch tỉnh…). Đến nay, so với yêu cầu của Luật Quy hoạch, vẫn còn nhiều văn bản dưới luật chưa được điều chỉnh.

- Đối với Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia các vùng hiện đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, tuy nhiên các quy hoạch cấp quốc gia và cấp vùng hiện đang triển khai, chưa được phê duyệt cũng gây khó khăn trong định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Đối với nhiều chuyên đề, hệ thống bản đồ các ngành, các lĩnh vực hiện nay xây dựng trên nhiều hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau, chưa có quy định, hướng dẫn quy trình xây dựng bản đồ cụ thể, ví dụ: bản đồ bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bản đồ phương án phát triển nông lâm thủy sản; bản đồ phương án phát triển cấp huyện…

- Vì chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết nên quá trình thực hiện đơn vị tư vấn phải căn cứ vào những quy định hiện hành để vận dụng, ví dụ: Chưa có hướng dẫn về hệ thống bảng biểu trong phương án khoanh vùng và phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh nên đơn vị tư vấn phải vận dụng, tham khảo trong Thông tư 01/2021/TT-BTNMT ngày 12/4/2021 quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Đối với báo các đánh giá môi trường chiến lược, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường chưa hướng dẫn rõ các đối tượng tham vấn, mẫu phiếu tham vấn; không có hướng dẫn cụ thể các vấn đề thẩm định ĐMC đối với Hội đồng thẩm định Quy hoạch Quốc gia.

- Đối các dự án ưu tiên trong quy hoạch tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể, tiêu chí cụ thể để xác định dự án ưu tiên trong quy hoạch tỉnh.

Những bất cập của Luật Quy hoạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ công tác lập quy hoạch tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP. Do đó, ngày 27/9/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, yêu cầu quy hoạch tỉnh phải hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31-12-2022.

2. Nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc

- Quy hoạch tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) thời kỳ này là loại hình quy hoạch mới (quy hoạch tích hợp), có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế.

- Luật Quy hoạch được ban hành nhưng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật chậm ban hành. Điều này khiến các tỉnh, thành phố đều gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ, định mức chi phí, yêu cầu về nội dung… cho các công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, lựa chọn tư vấn.

- Quy hoạch cấp quốc gia là căn cứ quan trọng để lập quy hoạch cho địa phương chưa được cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

- Việc ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo pháp luật chuyên ngành chưa có sự đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch và nguyên tắc xây dựng các luật sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch tỉnh.

3. Một số giải pháp chủ yếu

- Sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để đảm bảo quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

- Đề nghị các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 115+116))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website