Quy hoạch tỉnh Yên Bái - Tầm nhìn và đột phá

TS. Nguyễn Văn Minh

Trung tâm QHXD1 - VIUP

Tóm tắt

Trong những năm qua, Yên Bái đã và đang tận dụng được tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến nông lâm sản... và đặc biệt Yên Bái được tham gia các hội nghị trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong bối cảnh phát triển mới, cần thiết phải xây dựng tầm nhìn và xác định các đột phá chiến lược của tỉnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của vùng, cả nước và quốc tế, hướng tới hình ảnh Yên Bái “Xanh, Hài hòa, Bản sắc, Hạnh phúc” đã được xác định trong nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Từ khóa: Quy hoạch tỉnh, tầm nhìn, Yên Bái, vị thế.

Astract

Over the years, Yen Bai has been taking advantage of the potential and advantages of the province for the development of agriculture, forestry and fishery, tourism services, agro-forestry product processing industry... and especially Yen Bai was allowed to participate in conferences on the Kunming - Lao Cai - Hanoi - Hai Phong - Quang Ninh economic corridor. In order to more effectively exploit the potential and advantages of the province in the new development context, it is necessary to build a vision and identify strategic breakthroughs of the province in line with the general development trend of the region, both national and international. Towards the image of Yen Bai "Green, Harmony, Identity, Happiness" has been identified in the resolution of the 19th Provincial Party Congress.

Keyword: Provincial planning; vision; Yen Bai; position

1. Vị thế của tỉnh Yên Bái

Trong những năm qua, tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Yên Bái đạt 5,45%, cao gấp 1,87 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình cả nước, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng mặc dù ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi như Covid, chiến tranh thương mại… Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 xếp thứ 8/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, tuy nhiên với nhiều tiềm năng và lợi thế chưa được khai thác xứng tầm thì trong những năm tới nền kinh tế Yên Bái nói chung và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Yên Bái. GRDP của ngành nông nghiệp chiếm khoảng 24% trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh, cao hơn 1,7 lần so với trung bình cả nước (14%) và 1,1 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (21,9%). Quỹ đất nông nghiệp của tỉnh dồi dào, tỷ lệ che phủ rừng lớn. Tỉnh có vùng nguyên liệu quế, dâu tằm lớn, đứng top đầu trong cả nước; có nhiều sản phẩm đặc trưng (sơn tra, măng tre, chè…), tuy nhiên vẫn chưa được đầu tư khai thác, quảng bá thương hiệu xứng tầm. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào thâm dụng đất đai và lao động. Đây là 2 yếu tố hữu hạn trong phát triển kinh tế tương lai nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng.

Cơ cấu GRDP công nghiệp của Yên Bái năm 2020 đạt khoảng 29,6%, thấp hơn 1,2 lần trung bình cả nước (34,5%) và 1,3 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) (37,8%). Công nghệ ứng dụng trong công nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là công nghệ thấp và trung bình, chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động thủ công, nên năng suất thấp và sản phẩm kém cạnh tranh.

Ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng ổn định (đạt 42,02%) và cao hơn trung bình cả nước (41,6%) và vùng TDMNPB (39,4%). Tuy nhiên, sự đóng góp của dịch vụ - du lịch thấp, không tương xứng với tiềm năng du lịch phong phú, đậm đà bản sắc của tỉnh.

Hạ tầng

Yên Bái là trung tâm kết nối giao thông của vùng TDMNPB và là cửa ngõ giao thông của vùng Tây Bắc, đầu mối trung chuyển hàng hóa thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh ĐBSH lên cửa khẩu Lào Cai. Nằm ở trung điểm của hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có 4 điểm đấu nối vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đây là cơ hội thuận lợi để Yên Bái phát triển kinh tế cấp vùng. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Yên Bái – Hà Giang chuẩn bị được đầu tư, tạo kết nối thuận lợi giữa Yên Bái và các tỉnh trong vùng TDMNPB.

Hệ thống cung cấp nước sạch chưa được đầu tư phát triển so với khu vực và cả nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân, hạn chế thu hút nhân tài và phát triển bền vững.

Hạ tầng thông tin truyền thông còn chậm phát triển, chưa bắt kịp các tỉnh trong khu vực và cả nước. Chỉ số ICT của tỉnh Yên Bái năm 2020 xếp thứ 57/63 tỉnh thành, đứng thứ 11/14 tỉnh TDMNPB. Đây là rào cản lớn trong phát triển nền kinh tế số trong tương lai.

Điện - năng lượng phát triển ổn định, đảm bảo nhu cầu hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Môi trường

Tài nguyên nước dồi dào so với trung bình toàn quốc. Trữ lượng tài nguyên nước dồi dào cả về nước mặt và nước ngầm, cao hơn đáng kể so với bình quân cả nước; đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và cấp nước an toàn toàn tỉnh.

Rừng và đất rừng là tài nguyên, tiềm năng của tỉnh. Tài nguyên rừng phong phú và đa dạng. Tỷ lệ diện tích đất rừng lớn (75% diện tích tự nhiên, đứng thứ 2/14 tỉnh vùng TDMNPB), độ che phủ rừng cao (63%, đứng thứ 3/14 tỉnh trung du), hệ sinh thái đa dạng; thuận lợi phát triển kinh tế lâm nghiệp và các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

Tài nguyên khoáng sản phong  phú, tuy nhiên phân bố rải rác, trữ lượng ít và các hoạt động khai thác có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc, tuy nhiên chưa được khai thác xứng tầm với tiềm năng và vị thế.

Xã hội

Văn hóa truyền thống dân tộc đa dạng, độc đáo của 30 dân tộc chung sống hòa thuận với bản sắc văn hóa riêng biệt. Mảnh đất và con người Yên Bái giàu truyền thống lịch sử hào hùng, cần cù, sáng tạo, đoàn kết và thân thiện.

Trình độ học vấn của người dân dần tiệm cận với mức trung bình của vùng, nhưng vẫn ở mức thấp so với cả nước. Tỷ lệ dân số trên 15 tuổi biết chữ của Yên Bái xếp thứ 8/14 tỉnh TDMNPB. Tỷ lệ dân số trên 15 tuổi hoàn thành THPT, cao đẳng, đại học trở lên ở mức thấp so với vùng và cả nước.

Yên Bái đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn lao độ dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ (15-39 tuổi) chiếm hơn 70% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên lao động đã qua đào tạo ở mức thấp so với khu vực. Từ năm 2015-2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh gần như không đổi, chỉ dao động quanh mức 17%, đứng thứ 10/14 tỉnh TDMNPB.

Hạ tầng giáo dục tiệm cận mức bình quân của cả nước. Cấp mầm non và tiểu học: số lớp học và giáo viên của Yên Bái cao hơn mức trung bình của TDMN phía Bắc và cả nước. Cấp THCS: số lớp học cao hơn trung bình vùng và cả nước nhưng số giáo viên thấp hơn so với trung bình. Cấp THPT: số lớp học và số giáo viên thấp hơn so với trung bình của vùng và cả nước.

Hạ tầng y tế tiệm cận với bình quân của vùng và cả nước. Số giường bệnh và số bác sỹ trên 1 vạn dân của Yên Bái  tiệm cận mức bình quân của khu vực; số giường bệnh thấp hơn so với trung bình cả nước. Tỷ lệ tham gia BHYT cao hơn mức trung bình của cả nước và các vùng, tuổi thọ trung bình cao hơn vùng TDMNPB.

Mức sống thấp, mức độ hài lòng và hạnh phúc của người dân ở mức khá. Mức sống của người dân Yên Bái thuộc nhóm thấp (GDP bình quân đầu người thấp hơn so với trung bình vùng TDMNPB - 9/14 tỉnh - và cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp, công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực (đứng thứ 5/14 tỉnh TDMNPB). Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) trong top đầu cả nước (16/63 tỉnh thành) và vùng (3/14 tỉnh). Chỉ số hạnh phúc HPI ở mức khá (53,3%).

Thể chế

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR) có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số PCI của Yên Bái giai đoạn 2016-2020 liên tục tăng (từ thứ hạng 47 năm 2016 tăng 14 bậc lên thứ hạng 33 năm 2020), xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng TDMNPB. Chỉ số cải cách hành chính (PAR) cao hơn mức trung bình của cả nước và đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh trên mức trung bình của cả nước (28/63 tỉnh thành).

Chỉ số ICT của tỉnh thuộc nhóm rất thấp so với cả nước và khu vực cho thấy mức chưa sẵn sáng ứng dụng công nghệ thông tin và tham gia vào nền kinh tế số. Theo nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 thì việc hình thành chính quyền điện tử, chính quyền số, chính quyền thông minh sẽ tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế.

Tổng kết định vị hiện trạng Yên Bái so với vùng và cả nước

Qua tổng hợp, phân tích, đánh giá hiện trạng tỉnh Yên Bái, có thể tổng kết định vị hiện trạng Yên Bái như sau:

Nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực có ưu thế: Cơ cấu GRDP ngành TMDV; Quỹ đất nông nghiệp; Tài nguyên nước, rừng, du lịch; Tỷ lệ hộ nghèo thấp; chỉ số PAR, chỉ số PAPI; chỉ số HPI; chỉ số SIPAS; Giao thông kết nối vùng; Năng lượng tái tạo.

Nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực bằng bình quân cả nước, khu vực: Hạ tầng y tế; chỉ số PCI.

Nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực còn hạn chế: Cơ cấu GRDP ngành công nghiệp; GDP bình quân đầu người; trình độ học vấn; hạ tầng giáo dục; cấp nước đô thị; chỉ số ICT; lao động đã qua đào tạo; hạ tầng thông tin và truyền thông.

Quá trình phát triển của các nền kinh tế luôn trải qua các giai đoạn: kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp, kinh tế dịch vụ và kinh tế sáng tạo. Qua đánh giá, phân tích thì hiện nay nền kinh tế của Yên Bái đang từng bước nhích dần qua giai đoạn của nền kinh tế nông nghiệp với việc tận dụng tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng đất đai và lao động là chủ yếu.

2. Bối cảnh, tiềm năng động lực phát triển

2.1. Bối cảnh

a. Bối cảnh quốc tế

Các xu thế lớn trên thế giới và khu vực

Hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện đa cực ngày càng rõ nét. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức; chủ nghĩa dân tuý, bảo hộ có xu hướng tăng lên; sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường. Tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có khả năng kéo dài sang đầu thập niên 20; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới.

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội.

Xu thế đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh giữa các nước trong việc trở thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn. Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gia tăng; sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, nhất là nguồn nước sông Mê Kông… đã đặt ra nhiều thách thức lớn chưa từng có cho phát triển bền vững.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có vị trí trọng yếu trên thế giới, tiếp tục là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu, song tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên. Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển.

Dự báo bối cảnh tình hình thế giới và khu vực

Kinh tế thế giới trong thời gian ngắn hạn sắp tới vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19 và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Về trung và dài hạn, kinh tế thế giới sẽ được định hình theo các xu thế: giảm tốc tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn đầu và kỳ vọng sẽ lấy lại mức tăng trưởng cao hơn ở giai đoạn tiếp theo trước khi đi vào ổn định tăng trưởng (nếu không có những đột biến về tiến bộ khoa học và công nghệ) do tác động của những điều chỉnh quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; già hóa dân số, đô thị hóa, trung lưu hóa và biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và khắc nghiệt hơn... Cụ thể, triển vọng của kinh tế thế giới được dự báo như sau:

  1. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Các nhân tố làm nên sự phát triển nhanh của kinh tế thế giới trong chu kỳ vừa qua như toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua ký kết các hiệp định tự do thương mại, sự mở rộng của các chuỗi sản xuất toàn cầu... đều đã đi đến giới hạn. Ngoài ra, còn phải kể đến những vấn đề khác có khả năng gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay nguy cơ xung đột địa chính trị tại các khu vực trên thế giới. Kinh tế thế giới đang chững lại để chờ sự đột phá mới của lực lượng sản xuất, dự kiến xuất phát từ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cũng như những điều chỉnh của các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn trước các biến cố xảy ra trên phạm vi toàn cầu (dịch bệnh, biến cố địa chính trị, kinh tế) trong những năm gần đây.

  1. Quá trình toàn cầu hóa đang có những điều chỉnh quan trọng.

Quá trình này được nhìn nhận là đã đi quá nhanh và là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, gây ra phân cực trong xã hội ở nhiều nước phát triển. Bên cạnh đó, sự phát triển của cuộc CMCN 4.0 được dự báo sẽ tạo ra nhiều tác động lớn đến xu hướng toàn cầu hóa mới, tạo ra những liên kết mới sâu sắc và toàn diện hơn. Điều này dẫn đến sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia, với xu hướng bảo hộ gia tăng tại một số cường quốc trên thế giới, làm cho các dòng thương mại hàng hóa và đầu tư trên phạm vi toàn cầu có nguy cơ suy giảm.

(3) Cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), robots, internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ in ba chiều (3D, hay còn gọi là công nghệ chế tạo đắp dần), công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng, dữ liệu lớn... sẽ đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm, sản xuất và các quan hệ chính trị - xã hội. Thế giới đang bước nhanh vào kỷ nguyên số, cuộc CMCN 4.0 tăng tốc đang làm thay đổi những nền tảng của tăng trưởng và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Trong lĩnh vực kinh tế, sự đột phá của các công nghệ mới sẽ phá vỡ các phương thức kinh doanh truyền thống, cũng như làm thay đổi cơ cấu của nhiều ngành, lĩnh vực trong các nền kinh tế để hình thành các phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh mới và cấu trúc kinh tế mới.

(4) Sự tăng tốc của quá trình già hóa dân số, quá trình đô thị hóa, trung lưu hóa ở các nền kinh tế mới nổi, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh phi truyền thống… là những xu hướng quan trọng đang nổi lên, tạo ra cả những cơ hội mới đan xen với những thách thức mới.

Theo các dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - Liên hợp quốc, các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ diễn ra nhiều hơn trong những năm sắp tới trên toàn thế giới, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức, nguy cơ biến đổi khí hậu có thể trở thành động lực hình thành những mô hình phát triển mới, thích ứng với những thay đổi về môi trường như tăng trưởng xanh. Những nền kinh tế chuyển đổi thành công sang mô hình mới này sẽ có nhiều dư địa phát triển và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; ngược lại, những nền kinh tế không chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Các nước sẽ tuỳ vào điều kiện và lợi thế của mình để lựa chọn những chiến lược, những ngành phát triển phù hợp. Những nước có tiềm năng nông nghiệp sẽ chú trọng các mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh; những nước có tiềm năng du lịch sẽ tập trung khai thác tốt hơn ngành công nghiệp không khói này; các nước có tiềm năng năng lượng tái tạo sẽ tập trung khai thác các nguồn năng lượng gió, thuỷ triều và mặt trời…

Vấn đề già hóa dân số nhanh cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực lớn tới sự phát triển kinh tế thế giới. Già hóa dân số đang gây sức ép lên hàng loạt các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, việc làm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, di dân (trong và ngoài phạm vi biên giới quốc gia) và các vấn đề an sinh xã hội khác. Một số nước có lực lượng dân số già sẽ phải điều chỉnh chính sách lao động và an sinh xã hội (như tăng tuổi nghỉ hưu; tăng quy mô của các chương trình an sinh xã hội cho người già…). Cùng với quá trình hội nhập kinh tế được đẩy mạnh, nhiều nước tiếp tục chính sách nhập cư cởi mở để bổ sung cho lực lượng lao động bị thiếu hụt. Tuy nhiên, chỉ có lực lượng lao động có tay nghề cao mới được chào đón; các nước sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nhập cư của lực lượng lao động phổ thông. Ngoài ra, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ và ứng dụng rộng rãi những thành quả của CMCN 4.0 sẽ trở thành thách thức rất lớn đối với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển chưa tích luỹ được các nguồn lực đủ để bù đắp, hỗ trợ người lao động trong quá trình chuyển đổi cơ cấu. Cải cách giáo dục sẽ chiếm vị trí quan trọng hàng đầu ở những nước này nhằm có được lực lượng lao động đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường.

Những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2019, kéo dài tới thời điểm hiện nay (đầu năm 2022) đối với kinh tế thế giới sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới, đồng thời không thể loại trừ khả năng có những dịch bệnh khác với mức độ gây tổn hại không kém Covid-19 có thể xảy ra. Cú sốc này có khả năng thay đổi vĩnh viễn hệ thống quốc tế và cán cân quyền lực giữa các quốc gia, rất khó dự đoán tác động cụ thể đối với mỗi quốc gia nhưng xu hướng chung là các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém, phản ứng chậm với dịch bệnh, phụ thuộc quá lớn vào các ngành thương mại, du lịch, sản xuất hàng hóa, các quốc gia đang vay nợ lớn hoặc dễ bị ảnh hưởng của các biến động tài chính sẽ chịu rủi ro lớn nhất, tăng trưởng có nguy cơ suy giảm mạnh, kéo dài và khả năng phục hồi chậm.

Quan hệ kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới và khu vực

Ngoài các xu thế chung của kinh tế thế giới nêu trên, sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới, mối quan hệ giữa các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, Anh và Liên minh châu Âu (EU) và giữa các khu vực kinh tế như ASEAN, EU, NAPTA, MERCUSOR… diễn ra theo chiều hướng nào trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, khu vực và của từng quốc gia. Có thể dự báo triển vọng quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và khu vực như sau:

(1) Trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành với vai trò ngày càng lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi.

Thế giới ngày nay bắt đầu biết đến và ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh của nhóm bảy nền kinh tế mới nổi E7 (Emerging 7) với những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng thay thế nhóm G7 bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự nổi lên của các nền kinh tế này dẫn đến hình thành trật tự kinh tế thế giới mới sẽ kéo theo những thay đổi lớn đối với hệ thống kinh tế thế giới như xuất hiện các luật lệ kinh tế quốc tế mới, hình thành các trung tâm tài chính hay các thị trường hàng hóa mới trên quy mô toàn cầu.

(2) Quan hệ thương mại Mỹ - Trung tạm lắng dịu nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố tác động đến kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Mỹ, Trung Quốc và ngược lại Mỹ, Trung Quốc là những đối tác quan trọng của Việt Nam, vì vậy sự mất cân bằng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại sẽ làm tổn thương kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại một số cơ hội cho hợp tác kinh tế thương mại, khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế bổ sung lẫn nhau, hai bên đều phải tìm kiếm hàng hóa nhập khẩu thay thế. Đồng thời, gia tăng xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

(3) Quá trình Anh rời khỏi châu Âu (Brexit) vẫn chưa có hồi kết và Brexit sẽ là rủi ro kinh tế vĩ mô lớn đối với EU trong thời gian tới, làm ảnh hưởng đến kinh tế thương mại các nước trong khu vực với EU.

Theo ước tính của OECD, Brexit tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế Anh, làm giảm GDP khoảng 3,3% (năm 2020), đối với EU sẽ làm giảm khoảng 1% GDP. Mức tăng trưởng thấp sẽ khiến mô hình phát triển của Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh già hóa dân số, thời gian phục hồi kéo dài và khó khăn do khủng hoảng gây ra.

Trong thập niên vừa qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới đã có những điểm sáng như: tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi, thương mại và đầu tư toàn cầu tăng trưởng tích cực, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, hệ thống tài chính - tiền tệ ổn định; kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động và được đánh giá là trung tâm kinh tế mới của thế giới với nhiều quốc gia lớn tham dự, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, làm cho tình hình phát triển kinh tế khu vực rất phức tạp và khó đoán.

(4) Trong thời gian tới, thách thức và cơ hội cho nền kinh tế thế giới và khu vực sẽ diễn ra song song, đặc biệt khi chiến tranh Nga – Ukraina vẫn chưa tới hồi kết thúc.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại do nhiều lực cản và động lực cho tăng trưởng đang yếu dần, đặc biệt khi quan hệ giữa Nga với Ukraina – Nato ngày càng căng thẳng; quá trình toàn cầu hóa sẽ được điều chỉnh; cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra sâu rộng tại các nước trên thế giới dẫn đến sự thay đổi căn bản trong nền tảng tăng trưởng; già hóa dân số, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, BĐKH; xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc) và Brexit sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tất cả những yếu tố này đang đặt thế giới và khu vực trước những bất định khó lường.

(5) Việc Việt Nam tích cực tham gia các tổ chức, cộng đồng kinh tế và tham gia ký kết các Hiệp định thương mại mở ra những cơ hội và triển vọng mới, khi mà quốc gia đang cùng bắt tay nhau vượt qua khủng hoảng, tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ các xung đột giữa các nước lớn, cũng như trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế.

- Kế hoạch Tổng thế về kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), được các đối tác ASEAN đánh giá có tác động tích cực về kinh tế - xã hội và ngày càng chứng tỏ khả năng thích ứng với các xu hướng đang nổi của khu vực, đặc biệt thích hợp và tương hỗ với Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu Covid-19. Theo đó, các sáng kiến của MPAC 2025 có thể giúp hỗ trợ phục hồi về tăng trưởng kinh tế và việc làm từ các sáng kiến, dự án về đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, quảng bá du lịch, các chương trình đào tạo hỗ trợ người lao động thất nghiệp…; tăng cường năng lực quản lý khủng hoảng y tế trong tương lai, đồng thời giúp cá nhân và doanh nghiệp có vị thế vững vàng hơn để ứng phó với các tác động về kinh tế của dịch bệnh, trong đó có Covid-19, từ các sáng kiến, dự án về đô thị hóa bền vững, cơ sở dữ liệu mở, số hóa hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng các dịch vụ tài chính… Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 27 (AEM 27 Retreat), các nước tham dự đã thông qua 10 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế, được xây dựng theo ba định hướng, bao gồm: Phục hồi, số hóa và tính bền vững; tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như thuận lợi hóa thương mại, du lịch, năng lượng, công nghệ thông tin, khoáng sản, phát triển bền vững…

- CPTPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, là FTA thế hệ mới. Thực hiện CPTPP mang lại cho Việt Nam những cơ hội phát triển, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

- EVFTA là FTA thế hệ mới mang lại nhiều lợi ích nhất cho Việt Nam. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

- RCEP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội và lợi ích kinh tế cho Việt Nam và Campuchia trên những khía cạnh sau: (i) tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác. Các doanh nghiệp kỳ vọng RCEP sẽ tạo ra một thị trường “khổng lồ”, đa dạng về nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ; (ii) mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn (là đầu vào cho sản xuất) và máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại phù hợp; (iii) tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. RCEP có khả năng thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội mà việc tham gia vào chuỗi giá trị mang lại. RCEP bao trùm toàn bộ chuỗi sản xuất một số loại hàng hóa của Việt Nam và Campuchia; (iv) cắt giảm chi phí giao dịch và tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN, ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn, bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. RCEP có đàm phán mở cửa tốt hơn cho ngành dịch vụ hậu cần logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

b. Bối cảnh trong nước

Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chính trị - xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực; tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh; tiếp tục tận dụng cơ hội dân số vàng; thành quả xây dựng nông thôn mới được củng cố, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện...

Mặc dù đã xuất hiện nhiều nhân tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế...

Quá trình đô thị hoá tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, đất đai và nguồn nước, đặc biệt là vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống người dân. Chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương có xu hướng gia tăng. Già hoá dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn và sự chống phá của thế lực thù địch, phản động còn diễn biến phức tạp. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài.

Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, đỏi hỏi:

- Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm.

Tập trung nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; có giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế; xây dựng các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, phát triển mạnh thị trường nội địa. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.

2.2. Tiềm năng động lực phát triển.

Yên Bái nằm ở khu vực trung tâm của vùng TDMN phía Bắc và nằm ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối thuận lợi liên vùng thông qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai (hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng) và hệ thống quốc lộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để Yên Bái tăng cường hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại, phát triển văn hóa – xã hội với các tỉnh trong vùng, cả nước và hội nhập quốc tế.

Đất đai tỉnh Yên Bái thích hợp phát triển đa dạng nhiều loại cây trồng nông, lâm nghiệp, dược liệu; có điều kiện phát triển các vùng sản xuất tập trung mang quy mô cấp vùng: diện tích quế lớn nhất cả nước, diện tích dâu tằm nằm trong top đầu cả nước… Rừng và đất rừng là nguồn tài nguyên tiềm năng của Yên Bái, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc phòng  hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, là lá phổi xanh của vùng ĐBSH và thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, lợi thế về phát triển lâm nghiệp và trồng rừng tạo thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ và lâm sản công nghệ cao của vùng TDMN phía Bắc.

Yên Bái nằm ở khu vực thượng nguồn của sông Hồng và sông Chảy, vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước, sự phát triển bền vững cho ĐBSH và thủ đô Hà Nội.

Yên Bái có nhiều tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, nơi hội tụ những sắc màu văn hóa mang đậm bản sắc địa phương: Quần thể danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, di sản ruộng bậc thang Mù Cang Chải, các di tích lịch sử văn hóa nhân văn, di sản văn hóa và lễ hội truyền thống…

Yên Bái đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với những tiềm năng về nguồn lao động trẻ dồi dào. Lực lượng lao động của tỉnh chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp có xu hướng tăng lên, chiếm khoảng 40%; lao động nông nghiệp giảm dần, còn khoảng 60%. Đây là xu hướng tích cực trong chuyển đổi cơ cấu lao động của tỉnh.

Yên Bái có nền văn hóa truyền thống dân tộc đa dạng, độc đáo mang đậm nét văn hóa của miền Tây Bắc, đặc biệt là điệu Xòe Thái Mường Lò là sản phẩm đặc trưng của riêng Yên Bái. Bên cạnh đó, mảnh đất và con người Yên Bái giàu truyền thống lịch sử hào hùng, cần cù, sáng tạo, mang tính cộng đồng cao, đoàn kết thân thiện. Yên Bái coi trọng xây dựng nhân tố con người trong giai đoạn phát triển mới với những phẩm chất tốt đẹp: “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Yên Bái từng bước phát huy vai trò, vị thế là trung tâm liên kết phát triển của vùng TDMN phía Bắc. Với những đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên mang ý nghĩa, giá trị chung đối với vùng và cả nước, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Yên Bái đang từng bước nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh đối với vùng TDMN phía Bắc. Trong giai đoạn tới 2021-2030, Yên Bái phấn đấu phát triển nhanh và bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng TDMN phía Bắc vào năm 2030.

Yên Bái là một trong những tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong vùng TDMN phía Bắc. Tỉnh luôn xác định ngành thương mại, dịch vụ là kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế xã hội.

Nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có 4 điểm kết nối vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai, có tuyến sông Hồng chảy qua tỉnh, có đường sắt và hệ thống quốc lộ, đường tỉnh mật độ cao; Yên Bái có điều kiện thuận lợi để phát triển logistics phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh và các tỉnh trong vùng.

Với hệ thống danh lam thắng cảnh cùng với di sản, di tích văn hóa lịch sử đa dạng, phong phú Yên Bái có tiềm năng phát triển thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc và cả nước theo hướng du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn.

3. Tầm nhìn và đột phá phát triển

3.1. Tầm nhìn phát triển

Từ thực trạng phát triển, tiểm năng, động lực, bối cảnh và xu hướng phát triển của quốc tế, cả nước và của tỉnh, Yên Bái hội tụ điều kiện để phát triển từ nền kinh nông nghiệp dần qua nền kinh tế công nghiệp và hướng tới nền kinh tế dịch vụ trong tương lai. Với yếu tố về đất đai và lao động là hữu hạn, để hướng tới nền kinh tế công nghiệp phát triển, toàn tỉnh phải tập trung toàn lực thu hút, phát triển về vốn và công nghệ.

Hình ảnh Yên Bái 2050 sẽ là một Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.  

Tầm nhìn phát triển:

Yên Bái sẽ là một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp (tập trung chế biến sâu các sản phẩm nông lâm sản; vật liệu xây dựng cao cấp), nông nghiệp công nghệ cao, du lịch dịch vụ và đầu mối giao thông, logistics cấp vùng. Yên Bái được biết đến là địa phương có môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn và một hệ sinh thái đa dạng.

3.2. Chiến lược phát triển

Để hướng tới nền kinh tế công nghiệp với hình ảnh Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, toàn tỉnh cần thực hiện 4 trụ cột chiến lược làm định hướng, kim chỉ nam:

Trụ cột chiến lược 1: Chính quyền kiến tạo

Trụ cột chiến lược 2: Dân trí nâng cao

Trụ cột chiến lược 3: Môi trường bền vững

Trụ cột chiến lược 4: Hạ tầng thông minh

a. Trụ cột chiến lược 1: Chính quyền kiến tạo.

Chính quyền chuyển từ “chèo đò” sang lái đò, với quan điểm nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không làm được hoặc không được làm.

- Cung ứng “hàng hóa công” – hàng hóa thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ.

- Xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực.

Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công chức:

- Cải cách hành chính: ưu tiên tập trung nâng cao chỉ số PCI, PAPI, ICT, SAPI.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

- Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được xem như là cuộc cách mạng trong đổi mới cải cách hành chính.

- Xây dựng, chuẩn hóa, công khai hóa các quy trình giải quyết công việc và quản lý.

b. Trụ cột chiến lược 2: Dân trí nâng cao.

Phát triển kinh tế bền vững:

- Phát triển kinh tế dựa trên 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và hậu cần logistics.

- Nâng cao GRDP bình quân đầu người.

- Giảm tỷ lệ  hộ nghèo đa chiều.

Phát triển giáo dục:

- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo các cấp.

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; lao động có tay nghề.

- Giảm khoảng cách giáo dục giữa thành thị - nông thôn – các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Phát triển y tế:

- Nâng cao chỉ số bác sỹ/1 vạn dân và chỉ số giường bệnh/1 vạn dân.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ BHYT, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.

- Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch hóa, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường QPAN.

- Đối với công nghiệp QPAN, một mặt bảo đảm mục tiêu phục vụ công tác QPAN, mặt khác cần phát triển trong chiến lược chung của công nghiệp quốc gia, đóng góp vào tỷ trọng ngành công nghiệp chung của cả nước trong cơ cấu của nền kinh tế, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Mặt khác, bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt các quốc gia trước tình thế phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ đất nước.

Xây dựng hình ảnh con người Yên Bái với những phẩm chất tốt: thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập.

c. Trụ cột chiến lược 3: Môi trường bền vững.

- Phát triển các ngành kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ cao và bảo vệ  môi trường sinh thái.

- Xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện.

- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của người Yên Bái; các khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống…

- Giảm chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã  hội.

- Nâng cao trách nhiệm quản lý của nhà nước và ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân.

- Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế.

- Chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất.

- Bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước.

- Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản.

- Giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị và khu công nghiệp.

- Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại.

- Giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hạn chế những ảnh hưởng có hại của biến đối khí hậu góp phần phòng, chống thiên tai.

d. Chiến lược trụ cột 4: Hạ tầng thông minh.

Tập trung từng bước xây dựng hạ tầng thông minh để hướng tới đô thị thông minh với 3 trụ cột chính: công nghệ, con người và quản trị:

- Từng bước ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và phát triển kinh tế.

- Nâng chất lượng cuộc sống người dân, nguồn nhân lực trong điều kiện phát triển kinh tế mới.

- Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

- Xây dựng đội ngũ quản lý, quản trị có năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại.

3.3. Đột phá

Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu dự kiến đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi có sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao của các chủ thể phát triển, trong đó đặc biệt quan trọng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nòng cốt là các cấp chính quyền trong tỉnh và các doanh nghiệp.

4 trụ cột chiến lược: Chính quyền kiến tạo, dân trí nâng cao, môi trường bền vững, hạ tầng thông minh và 4 khâu đột phá phát triển nhằm thúc đẩy nền kinh tế xã hội toàn tỉnh tăng trưởng bền vững đạt được kỳ vọng của kịch bản tăng trưởng đề ra. Các trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế bao gồm: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch. Trong mỗi trụ cột tăng trưởng chính, Yên Bái có thể xem xét các ý tưởng đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Các ý tưởng đột phá được trình bày cụ thể trong bảng sau:

Bảng 1. Ý tưởng đột phá thúc đẩy tăng trưởng tỉnh Yên Bái

TT

Trụ cột tăng trưởng chính

Ý tưởng đột phá

Ý tưởng

1

Du lịch

Với trải nghiệm phong phú về văn hóa và các dịch vụ đa dạng gắn với cảnh quan thiên nhiên, di sản, danh lam thắng cảnh quốc gia

Di sản, danh lam thắng cảnh

Yên Bái sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm quốc gia; điểm đến của vùng, quốc gia và quốc tế; gắn với tiềm năng thiên nhiên phong phú: danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, suối khoáng nóng Tú Lệ, Suối Giàng, khu bảo tồn thiên nhiên, sinh cảnh…

Văn hóa và dân tộc thiểu số

Xây dựng hệ sinh thái du lịch đích thực giữa các làng, bản dân tộc thiểu số. Tổ chức các hoạt động festival tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc miền núi. Quảng bá điệu xòe Thái - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Các hoạt động gắn với vùng phía Tây của tỉnh.

Chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng

Trở thành nơi nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, thể chất, tinh thần cho người dân trong toàn vùng, quốc gia và quốc tế; đặc biệt trước mắt xác định thị trường tiềm năng là thủ đô Hà Nội (với khoảng cách 2h di chuyển). Với môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên phong phú, khoảng cách thuận lợi, có thể xem xét định hướng thu hút BĐS nghỉ dưỡng, “ngôi nhà thứ hai” tại các khu vực tiềm năng như hồ Thác Bà, Tú Lệ, Suối Giàng, Mù Cang Chải

Đòn bẩy du lịch

- Giao thông thuận tiện: nâng cấp các tuyến đường cao tốc trọng điểm và kết nối liên huyện, bao gồm các tuyến xe bus đưa đón trong tỉnh, đến Hà Nội và các tỉnh khác.

- Cơ sở lưu trú đa dạng: quảng bá cho các cơ sở lưu trú quy mô vừa và nhỏ; các cơ sở du lịch trải nghiệm, homestay…

- Phát triển và tiếp thị các món ăn của Yên Bái để nâng tầm bản sắc ẩm thực dân tộc; xây dựng chợ ẩm thực đi bộ ngoài trời mang tính biểu tượng.

2

Công nghiệp

Sản xuất bền vững và có giá trị cao hơn trong chế biến đồ gỗ, quế, đá ốp lát

Chế biến gỗ chất lượng cao

Trở thành trung tâm chế biến gỗ và lâm sản của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với nguồn nguyên liệu phong phú trong tỉnh và toàn vùng. Hình thành các trung tâm chế biến sâu các sản phẩm về gỗ và lâm sản.

Hình thành trung tâm thiết kế nội thất bằng cách thúc đẩy các nhóm công ty sản xuất, thiết kế nội thất từ nguyên liệu, thiết kế đến thương mại.

Trồng, khai thác và chế biến sâu các sản phẩm từ quế

Hình thành trung tâm chế biến sâu các sản phẩm về quế gắn với vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước. Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư với dây chuyền công nghệ hiện đại. Hướng tới trở thành trung tâm quế của cả nước (trồng trọt, khai thác, chế biến).

 

Sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp

Thu hút doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất VLXD, đặc biệt là đá ốp lát ngay tại và ở gần Yên Bái.

Hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển vật liệu xây dựng bền vững: hợp tác với các trường quốc tế để xây dựng chương trình giảng dạy riêng về nghiên cứu và phát triển vật liệu xây dựng bền vững.

3

Nông nghiệp hữu cơ và chất lượng cao, được hỗ trợ bởi các phương pháp canh tác hiện đại, công nghệ và đầu vào cao cấp

 

Nông nghiệp công nghệ cao

Xây dựng các vùng tập trung trồng trọt và chăn nuôi để áp dụng các phương pháp tiến bộ khoa học, công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Khu vực hấp thụ carbon

Với diện tích rừng lớn và tỷ lệ che phủ cao, Yên Bái là lá phổi của vùng thủ đô Hà Nội, là bể thải carbon hàng đầu.

Du lịch nông nghiệp

Với nền nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, gắn với các sản phẩm sạch có thể thu hút khách du lịch trải nghiệm nông nghiệp: thu hoạch lúa ruộng bậc thang, hái mận, hái táo…

4

Thương mại dịch vu, được hỗ trợ bởi các trụ cột du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo

Trung tâm triển lãm sản phẩm

Hình thành trung tâm triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và hình ảnh văn hóa Yên Bái: các sản phẩm du lịch, sản phẩm quế, măng, sơn tra, đá, các sản phẩm chế biến sâu về đá, gỗ và các sản phẩm chế biến sâu về gỗ.

Dịch vụ hậu cần kho bãi

Với lợi thế nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có 4 điểm đấu nối vào cao tốc.

Hình thành các trung tâm logistics nhằm khai thác tối đa chuỗi gia tăng giá trị hàng hóa.

 

4. Kết luận

Quy hoạch là một trong những công cụ quản lý nhà nước hết sức quan trọng, là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp sử dụng trong hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các ngành lĩnh vực trên các cấp độ lãnh thổ từ quốc gia, vùng và các tỉnh/thành phố hướng tới việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực và các lãnh thổ nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Quy hoạch là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên các địa bàn lãnh thổ, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.

Xác định tầm nhìn, kịch bản và các khâu đột phá phát triển phù hợp với xu hướng quốc gia, quốc tế góp phần quan trọng trong định hướng phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội tỉnh Yên Bái hài hòa, bản sắc, bền vững.

Tài liệu tham khảo

  1. Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước;
  2. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX;
  3. Nghị quyết HĐND tỉnh Yên Bái;
  4. Quy hoạch vùng tỉnh Yên Bái;
  5. Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái đến năm 2030;

 

 

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 115+116))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website