BTV Tỉnh ủy Hà Giang nghe thuyết minh Quy hoạch chung thành phố Hà Giang đến năm 2035

Chiều 6.5, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang, BTV Tỉnh ủy đã nghe Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) thuyết minh Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hà Giang đến năm 2035.

Tham dự có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo thành phố Hà Giang, Sở Xây dựng…

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc

Thành phố Hà Giang là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục của tỉnh, nằm trên Quốc lộ 2, cách Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy khoảng 22km; trung tâm kết nối dịch vụ giữa đồng bằng sông Hồng và thị trường phía Nam của Trung Quốc, với vị trí, vai trò an ninh - quốc phòng quan trọng. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố gần 18.000ha, dân số trên 68.000 người. Theo quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Giang sẽ trở thành Đô thị loại II, với vai trò trung tâm cấp vùng. Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển theo định hướng Quy hoạch chung thành phố Hà Giang giai đoạn 2007 – 2025, cùng với những thành tựu đạt được, đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa phù hợp, có nguy cơ phát triển đô thị dàn trải, phá vỡ không gian văn hóa; chưa phát huy được vị thế của đô thị và tiềm năng du lịch, chồng lấn với không gian quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu…

PVT Nguyễn Thành Hưng (VIUP) thuyết minh Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hà Giang đến năm 2035.

Theo Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hà Giang đến năm 2035, thành phố sẽ trở thành điểm đến quốc tế về du lịch vùng cao với 8 mục tiêu, tiêu chí chính như: Trở thành điểm dừng chân, lưu trú ưa chuộng cho du khách, đáp ứng hạ tầng sinh sống cho 12,5 vạn dân; có những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc hữu; hồi sinh được các dòng sông nội đô, khai thác các điểm cao độc đáo, tạo dựng các trung tâm hoạt động hấp dẫn, đa dạng dịch vụ; duy trì trạng thái thành phố nhỏ, dễ tiếp cận; hoàn thiện kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật; tăng số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú; tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, bảo tổn và phát triển văn hóa vật thể và phi vật thể. Để đạt được các mục tiêu, tiêu chí phát triển thành phố Hà Giang đến năm 2035, thành phố sẽ được phân chia thành 9 phân khu phát triển, trong đó có 4 phân khu đô thị và 5 phân khu ven đô, với các định hướng không gian và thiết kế đô thị chi tiết với từng phân khu.

Tham gia ý kiến vào dự thảo Quy hoạch thành phố Hà Giang đến năm 2035, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Hà Giang cơ bản đồng tình với tổng thể Đồ án. Đồng thời đề xuất đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá sâu hơn tình hình thực hiện quy hoạch chung thành phố Hà Giang từ năm 2007 đến nay, nhất là hiện trạng sử dụng đất của thành phố làm cơ sở cho lập quy hoạch các phân khu phát triển của thành phố đến năm 2035; mục tiêu, định hướng phát triển không gian đô thị ở các phân khu cần đề cập cụ thể hơn; xác định rõ quy mô dân số của các phân khu ven đô, giải pháp phát triển kinh tế của thành phố cần cụ thể và có tính khả thi cao hơn; vị trí quy hoạch phát triển các hạ tầng thiết yếu của thành phố như bãi xử lý rác, bệnh viện, khu trung tâm hành chính thành phố, cụm trường chuyên nghiệp, hệ thống cấp - thoát nước, nghĩa trang, điểm nhấn giao thông và hạ tầng các phân khu đô thị, không gian xanh sinh hoạt cộng đồng…

Từ các ý kiến đóng góp vào Đồ án quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã thông tin, làm rõ thêm một số nội dung và chỉ đạo của tỉnh trong quy hoạch chung thành phố Hà Giang như: Di chuyển Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đến vị trí đã được quy hoạch; xác định không quy hoạch cụm trường chuyên nghiệp tại xã Phong Quang; đã xác định được nguồn nước sinh hoạt lâu dài cho thành phố, không cần sử dụng nước sông Miện như hiện nay; xác định quy hoạch vị trí xây dựng công viên vĩnh hằng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại xã Đạo Đức, bãi xử lý rác tại xã Kim Thạch (Vị Xuyên)…

PGS, TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng VIUP phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện đơn vị tư vấn đã giải trình thêm quy hoạch hạ tầng giao thông cho thành phố Hà Giang, trung tâm hành chính của thành phố, bãi xử lý rác, nghĩa trang của thành phố… PGS, TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia khẳng định, đây là một trong số những đồ án dành cho một thành phố không lớn nhưng được triển khai kỹ lưỡng, với khối lượng công việc lớn. Đồng thời nhận định thành phố Hà Giang có vị trí, thổ nhưỡng đặc thù với cảnh quan tự nhiên sông, suối, núi, rừng có giá trị, tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm, ưu tiên các dự án cải tạo trục cảnh quan ven sông, định hướng phát triển thành phố Hà Giang cần duy trì sự đa dạng và tiếp tục phát huy các giá trị, chú trọng khai thác du lịch sinh thái…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đánh giá cao Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đã xây dựng khung quy hoạch thành phố Hà Giang đảm bảo các yếu tố theo đúng định hướng của Chính phủ. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng thực trạng về quy hoạch, kiến trúc, đô thị của thành phố hiện nay chưa tương xứng, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, cảnh quan, bản sắc văn hóa địa phương. Đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn và UBND tỉnh cần phân tích đúng thực trạng của thành phố hiện nay để đưa ra định hướng phát triển, khuyến cáo những việc nên làm; xác định mục tiêu đến năm 2035 thành phố đạt các tiêu chí Đô thị loại II; bổ sung thêm tính chất đô thị của thành phố Hà Giang là một trung tâm đô thị du lịch; xác định quy mô dân số của thành phố từ định hướng phát triển của tỉnh, của thành phố gắn với tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và quy đổi từ lượt khách du lịch, từ đó xác định không gian đô thị, đầu tư hạ tầng.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị: Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển các phân khu của thành phố Hà Giang cần gắn với chỉnh trang đô thị, xác định rõ các nội dung phát triển và hạn chế phát triển, xây dựng các phân khu theo hướng hỗn hợp, có khuyến cáo mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Xác định các khu vực cần bảo vệ không gian, cảnh quan và bản sắc văn hóa của thành phố. Lựa chọn các trục cảnh quan và điểm nhấn thành phố để chỉnh trang, đầu tư hạ tầng, phù hợp với thực tiễn. Quy hoạch khu trung tâm hành chính của thành phố, các sở, ngành trên địa bàn phù hợp sự phát triển xã hội, quỹ đất của đô thị. Phân tích thêm quy hoạch hệ thống giao thông gắn với hạ tầng đô thị. Xem xét lại quy hoạch nghĩa trang, xây dựng các không gian sinh hoạt văn hóa. Sự phát triển đô thị thành phố Hà Giang phải gắn với bảo vệ môi trường, mang tính sinh thái, không gian xanh, theo đúng định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

(Nguồn:baohagiang.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website