Báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Ngày 9/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội về nội dung Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 do VIUP thực hiện. Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Xây dựng có Bộ trưởng BXD Nguyễn Thanh Nghị. Phó Viện trưởng VIUP Phạm Thị Nhâm cũng tham dự cuộc họp này.

Quang cảnh chung

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo tóm tắt quá trình nghiên cứu lập quy hoạch và nội dung của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía bắc.

Dự thảo Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 10,5 triệu người; tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5-9,5%/ năm; GRDP bình quân/người khoảng 13.500-14.000 USD. Kinh tế số chiếm 40% GRDP. Chỉ số phát triển con người HDI từ 0,86-0,90. Diện tích đất cây xanh bình quân 10-12 m2/người. Tỉ lệ đô thị hóa từ 65-70%... Quy mô dân số thường trú đến 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt khoảng 45.000 USD-46.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa khoảng 80-85% vào năm 2050.

Quy hoạch đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Cụ thể, về bảo vệ môi trường là giải quyết ô nhiễm các dòng sông nội đô; thực hiện tổng hợp các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, không khí khu vực đô thị; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ; phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển các hành lang xanh, tăng diện tích cây xanh khu vực nội đô…

Đối với giao thông, phát triển đô thị, nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ; bảo tồn, chỉnh trang khu phố cổ, phố cũ nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xóa bỏ tình trạng dự án chậm triển khai; xây dựng khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị; xây dựng mô hình "phố trong làng" cùng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ; khai thác tiềm năng sông Hồng…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại cuộc họp

Quy hoạch nêu rõ yêu cầu cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phát triển dịch vụ logistics và các hệ thống phân phối; hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng; phát triển kinh tế đô thị gắn với khai thác các không gian: Trên cao, văn hóa - sáng tạo, không gian ngầm, không gian số, công cộng…

Về xã hội, Quy hoạch tập trung giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, đảm bảo tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp với độ tuổi với chất lượng giáo dục hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu; phát triển các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa cấp thành phố tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo; nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo tồn, phát huy, nâng tầm di sản bằng công nghệ số...

Các khâu đột phá phát triển tập trung vào thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan; sắp xếp, phân bố không gian phát triển.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm: 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, đóng vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, đồ án đã đề xuất 7 nhóm giải pháp trọng tâm để tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch như: Huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia đã tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến việc rà soát, bổ sung căn cứ lập Quy hoạch, nguyên tắc và phương pháp lập Quy hoạch; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, làm rõ hơn danh mục dự án và giải pháp huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch; hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu; việc đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch...

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần có sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết tốt mối quan hệ với các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, giao thông, cây xanh, nông nghiệp, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục… để thống nhất trong thực hiện, không làm hạn chế tư duy phát triển. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp thẩm quyền, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới đặt ra trong Quy hoạch như trong thành phố có rừng, thành phố trong rừng; xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hoá, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường… để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Quy hoạch chung Hà Nội phải giải quyết các vấn đề như: ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng văn hóa xã hội quá tải…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về xây dựng các bộ tiêu chí, luận chứng để xác định các dự án ưu tiên, cấp bách, những nhiệm vụ dài hạn, chiến lược; đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong luật chuyên ngành; cơ chế đặc thù cho Thủ đô; định hướng kết nối các tuyến giao thông xuyên tâm; quy hoạch xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại…

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website