Bộ Xây dựng lấy ý kiến về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 25/11/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm trong Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thực hiện. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; lãnh đạo một số Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ; đại diện các ban, ngành liên quan.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch cấp quốc gia thuộc Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng. Việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để ngành Xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị - nông thôn, đồng thời là cơ sở để ngành Xây dựng triển khai xây dựng hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các hải đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Ranh giới trực tiếp nghiên cứu lập quy hoạch là tổng diện tích đất tự nhiên của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng: 331.231km2 (Theo Niên giám thống kê toàn quốc đến hết 31/12/2018).

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí với mục tiêu chính của quy hoạch đô thị - nông thôn thời kỳ này, đó là: thúc đẩy quá trình đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới hiệu quả, có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, an ninh lương thực. Bên cạnh đó, một số vấn đề trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn toàn quốc cần được nghiên cứu rà soát để đảm bảo công tác quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển đất nước trong thời gian tới.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam thời gian qua đi đôi với quá trình đô thị hóa và chuyển đổi không gian. Không gian kinh tế chuyển đổi nhanh chóng bởi sự tăng trưởng các khu vực công nghiệp và dịch vụ trên phạm vi lãnh thổ. Lao động từ lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển sang công nghiệp và dịch vụ trong nội bộ khu vực nông thôn. Tuy việc làm được tạo ra có thể không có giá trị gia tăng cao, nhưng năng suất của người lao động trong các công việc mới này vẫn cao hơn nhiều so với việc làm nông nghiệp trước đó.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhận định: đô thị hóa là quá trình tất yếu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong tiến trình này, các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã trở thành những trụ cột phát triển của đất nước và có tính cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều đô thị tỉnh lỵ đã và đang là trụ cột phát triển của các vùng miền. Dân số đô thị năm 2020 chiếm 33,8% tổng dân số, GDP đóng góp của khu vực đô thị chiếm khoảng 70% nền kinh tế quốc dân, quá trình dịch cư từ nông thôn ra đô thị tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2021-2030.

Các chuyên gia VIUP chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự hội thảo

(Nguồn:moc.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website