Hội đồng KHKT VIUP họp góp ý đồ án "QHC XD khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035"

Đồ án "QHC XD khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035" đã được hội đồng KHKT VIUP xem xét góp ý vào ngày 30/9/2020. Hội đồng do Phó Viện trưởng Nguyễn Thành Hưng làm chủ tịch.

ThS.KTS Kiều Tuấn Tú báo cáo tóm tắt đồ án

ThS.KTS Kiều Tuấn Tú, thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu. Theo đó, khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình (xã Hòa Bình và các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh) và 4 huyện: Đà Bắc (gồm các xã: Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương và Toàn Sơn), Cao Phong (gồm các xã: Bình Thanh và Thung Nai), Tân Lạc (gồm các xã: Suối Hoa, Phú Vinh), Mai Châu (gồm các xã: Tân Thành, Sơn Thủy, Đồng Tân).

Quy mô lập QHC xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình là 52.200ha. Mục tiêu cụ thể của quy hoạch xây dựng nhằm phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch của vùng Hà Nội cũng như vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; Định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho khu du lịch quốc gia Hòa Bình; Làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển khu du lịch quốc gia Hòa Bình theo quy hoạch, tạo điều kiện triển khai các bước dự án và đầu tư xây dựng tiếp theo.

Dự báo đến năm 2035 dân số đạt khoảng 130.000-145.000 người; khách du lịch đạt trên 5 triệu lượt.

Ý tưởng chủ đạo của đồ án là muốn tạo nên một khu du lịch sinh thái hồ với nhiều khu chức năng hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách, nhưng vẫn phải bảo vệ được cảnh quan sinh thái tự nhiêu (cân bằng được hai yếu tố bảo tồn và phát triển). Khu vực phía Đông gần thành phố Hòa Bình sẽ là khu vực phát triển các hoạt động vui chơi giải trí mang tính chất động, còn khu vực phía Tây sẽ là khu vực bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, ưu tiên phát triển các loại hình nghỉ dưỡng, các loại hình vui chơi giải trí gắn với tự nhiên.

Toàn khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình được phân thành 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch tập trung.

  • Phân khu 1: Phân khu phát triển du lịch mang tính chất động và gắn với đô thị Hòa Bình, gắn kết hệ thống cảng Ba Cấp, Bích Hạ
  • Phân khu 2: Phân khu phát triển du lịch sinh thái hồ, vui chơi giải trí nước Hiền Lương, Bình Thanh – Vầy Nưa gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình
  • Phân khu 3: Phân khu phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình
  • Phân khu 4: Phân khu trung tâm của Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, với các hoạt động du lịch đặc trưng như: trung tâm giới thiệu, trung tâm mua sắm, phố đi bộ, công viện chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh, sân khấu thực cảnh…
  • Phân khu 5: Phân khu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảng Phúc Sạn, cũng như kết nối với khu du lịch Mai Châu
  • Phân khu 6: Khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh. Đồng thời tận dụng lợi thế của tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu chạy qua để kết nối tạo thành cửa ngõ phía Tây của khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình.

Trong 6 phân khu, còn có 4 khu vực phát triển du lịch tập trung. Đó là khu vực phát triển du lịch tập trung Hòa Bình – Thái Bình (thuộc phân khu 1); khu vực phát triển du lịch tập trung Hiền Lương – Bình Thanh, Vầy Nưa (thuộc phân khu 2); khu vực phát triển du lịch tập trung Đảo Sung – Ngòi Hoa – Thung Nai (thuộc phân khu 4) và khu vực phát triển du lịch tập trung ven cảng Phúc Sạn (thuộc phân khu 5);

Các phản biện đồ án và thành viên hội đồng góp ý cho đồ án

Kết luận cuộc họp, Phó Viện trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá đồ án được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Tuy nhiên, ông đề nghị nhóm nghiên cứu rà soát để đảm bảo có sự phù hợp giữa Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Tính chất giữ nguyên theo nhiệm vụ đã được phê duyệt. Ngoài ra, ông lưu ý vẽ những vùng cấm xâm phạm, vùng có thể chuyển đổi chức năng.. làm rõ những sản phẩm du lịch, mạnh dạn đề xuất phương án không cho thoát nước ra hồ đối với khu lưu trú ven hồ, trên đỉnh núi, trên đảo. Bên cạnh đó, ông đề nghị tiếp thu ý kiến của các phản biện và thành viên hội đồng để hoàn thiện đồ án.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thành Hưng kết luận cuộc họp

Quang cảnh chung

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website