Hội đồng KHKT cấp cơ sở Viện góp ý đồ án QHCT khu Trung tâm xã Uy Nỗ (Thuộc phân khu chức năng đô thị N7) huyện Đông Anh – TP Hà Nội

Ngày 27/10/2017, Hội đồng KHKT cấp cơ sở Viện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã xem xét, góp ý đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 khu Trung tâm xã Uy Nỗ (Thuộc phân khu chức năng đô thị N7) huyện Đông Anh – TP Hà Nội. Hội đồng do ThS. Phạm Thị Huệ Linh – GĐ Trung tâm QHXD 4 làm chủ tịch.

Quang cảnh chung

Nhóm nghiên cứu Trung tâm QHXD 4 trình bày một số nội dung tóm tắt của đồ án.

Theo đó, phạm vi ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị tại trung tâm xã Uy Nỗ (thuộc phân khu đô thị N7) có quy mô khoảng 19,8 ha và được giới hạn như sau: Phía Tây Bắc giáp thôn Đản Dị; Phía Tây Nam giáp Bệnh viện đa khoa Đông Anh; Phía Đông Nam giáp xóm Ngoài thôn Trọng Oai; Phía Đông Bắc giáp xóm Thượng.

ThS. Phạm Thị Huệ Linh chủ trì hội đồng

Về giải pháp quy hoạch, đồ án đưa ra các nội dung điều chỉnh hoặc cụ thể hóa hơn so với quy hoạch xây dựng Nông thôn mới xã Uy Nỗ và quy hoạch phân khu chức năng đô thị N7, nhằm mục tiêu tạo chất lượng không gian công cộng tốt hơn, cụ thể như sau:

  • Trong quá trình rà soát đánh giá hiện trạng, đề xuất điều chỉnh nắn đi ngầm đoạn mương hở khu vực dân cư xóm chợ đối diện phía trạm y tế  để giữ lại nhóm dân cư hiện trạng.
  • Bãi đỗ xe tập trung trong khu cây xanh công viên (được xác định trong QHPK và QHNTM) được điều chỉnh ra phía ngoài, bên cạnh khu đất trung tâm hội nghị sự kiện và giáp với tuyến đường đi qua khu trung tâm TDTT. Đồng thời bố trí thêm một quỹ đất trung tâm tổ chức hội nghị sự kiện về phía công viên, đối diện với khu TDTT nhằm khai thác cảnh quan về phía công viên và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã cũng là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng.
  • Khu đất tiểu thủ công nghiệp trong quy hoạch Nông thôn mới được thay bằng đất trường mầm non để vừa đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch phân khu và đáp ứng được nhu cầu thực tế cua địa phương.

KTS Nguyễn Cửu Tuấn báo cáo một số nội dung đồ án

Thành viên hội đồng

Ý tưởng quy hoạch chính của đồ án tập trung vào việc nâng cao giá trị cảnh quan khu trung tâm thông qua việc giữ lại và cải tạo hồ cảnh quan kết hợp hỗ trợ thoát nước; bố trí một số quảng trường công cộng quy mô nhỏ và trồng cây xanh cảnh quan và cây xanh bóng mát dọc theo các tuyến phố và trong lõi các khu dân cư hiện trạng cải tạo và xây dựng mới; Tổ chức cảnh quan, trồng cây xanh bóng mát trong khu vực trung tâm TDTT để kết hợp chức năng trung tâm TDTT với chức năng sân chơi - không gian mở công cộng, thu hút cộng đồng sử dụng thường xuyên không gian này.

Do các công trình công cộng được bố trí tập trung vào một khu đất, đồ án quy hoạch chi tiết sắp xếp và tổ chức lại hướng tiếp cận các công trình cộng ở mức độ phân tán nhất có thể được, để hạn chế khả năng xung đột hoặc quá tải về giao thông tại một số thời điểm.

Để tạo không gian hoạt động đô thị sầm uất, phát huy tốt chức năng trung tâm của khu vực thiết kế về góc độ dịch vụ thương mại, tổ chức khu ở với mật độ khá cao, bao gồm đa dạng các nhu cầu sử dụng đất, thông qua việc tổ chức các loại quy mô lô đất đa dạng, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ kết hợp trong các khu nhà ở. Lựa chọn phương án quy hoạch phân lô với tỷ lệ các lô đất có chiều rộng 5m và chiều dài từ 18-23m. Trong quá trình sử dụng khuyến khích gộp các lô nhỏ thành các lô lớn, tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng của từng chủ lô đất.

Nhóm nghiên cứu cũng báo cáo một số đề xuất về quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Đánh giá môi trường chiến lược…

Các thành viên hội đồng đã góp ý vào đồ án quy hoạch, như cần phân tích thêm về vị trí, chức năng của khu vực lập QH trong tổng thể phân khu chức năng đô thị N7, xem xét lại ký hiệu bản vẽ cho thống nhất; phân tích sâu hơn phần HTKT, làm rõ những nội dung bị quy hoạch phân khu khống chế, nội dung gì cần làm mới, điều chỉnh…

Kết luận cuộc họp, ThS. Phạm Thị Huệ Linh đề nghị nhóm cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng, chỉnh sửa nội dung và quy cách hồ sơ để hoàn thiện đồ án.

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website