Hội nghị thẩm định quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/11 tại Trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm định - đại diện các Bộ, ngành, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng. Đại diện tỉnh Đắk Nông có ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và ông Đặng Gia Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, đây là Đồ án quy hoạch xây dựng cuối cùng được thẩm định theo Luật Xây dựng trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Việc lập Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 theo Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 19/7/2016. Quy hoạch này sau khi được Thủ tướng phê duyệt sẽ có vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông, là cơ sở để tỉnh Đắk Nông quản lý và triển khai các dự án đầu tư, lập các quy hoạch cấp dưới theo nhu cầu của tỉnh.

Báo cáo tóm tắt các nội dung chính của Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, mục tiêu tổng quát của quy hoạch này nhằm tạo lập một không gian phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa tiềm năng và nhu cầu phát triển vùng để nâng cao chất lượng môi trường sống, tạo cho các đô thị phát huy vai trò hạt nhân phát triển các vùng kinh tế - dân cư trên địa bàn tỉnh cũng như trong vùng, và tạo lập các cơ sở lựa chọn, nghiên cứu phát triển công nghiệp, du lịch…

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch của Đồ án gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông 6.509,27km2, dân số khoảng 609.595 người, với 08 đơn vị hành chính là thị xã Gia Nghĩa, các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Đắk R'Lấp, Tuy Đức và Đắk Glong. Quy hoạch xác định Đắk Nông là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng; là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị thế trên trường quốc tế; là trung tâm khai thác, chế biến Bô-xít - Nhôm của Việt Nam; là vùng nguyên liệu cây công nghiệp bền vững với các sản phẩm chủ lực có thương hiệu toàn cầu như café, cao su…; là vùng có môi trường tự nhiên, văn hóa, lịch sử… được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làm nền tảng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, là một phần quan trọng của vùng Tây Nguyên; là đầu mối giao thông có vị trí thuận lợi về giao thương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển với các khu vực khác của quốc gia và quốc tế, gắn với hệ thống trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ (tài chính, du lịch, trung chuyển hàng hóa) cấp quốc gia.

Đồ án đưa ra dự báo dân số toàn vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 khoảng 777.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 273.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%; đến năm 2035 khoảng 929.000 người, trong đó dân số đô thị 418.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.

Hệ thống đô thị vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia và các quy hoạch vùng Tây Nguyên, vùng Biên giới Việt Nam - Campuchia, quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Đắk Nông và toàn vùng.

Theo Đồ án, vùng tỉnh Đắk Nông được chia thành 03 tiểu vùng phát triển gồm tiểu vùng phía Bắc, dự kiến lấy đô thị Đắk Mil là trung tâm; tiểu vùng trung tâm gồm thị xã Gia Nghĩa và các huyện Đắk Glong, Đắk Song; tiểu vùng Tây Nam gồm các huyện Đắk R'Lấp, Tuy Đức, lấy đô thị Đắk R'Lấp làm trung tâm của tiểu vùng.

Đố án đã đưa các định hướng phát triển về phát triển đô thị, nông thôn, các ngành kinh tế công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, các lĩnh vực hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới… dựa trên thế mạnh tiềm năng và điều kiện thực tế của tỉnh Đắk Nông.

Nhận xét về Đồ án, các chuyên gia phản biện của Hội đồng thẩm định nhất trí với các nội dung cơ bản của báo cáo thuyết minh đồ án cũng như dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng; đánh giá Đồ án được nghiên cứu công phu, số liệu được cập nhật, các dự báo của quy hoạch là có cơ sở, các định hướng phát triển đề xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về khai khoáng bô xít, nông nghiệp và lâm nghiệp, du lịch, giao thương qua biên giới với nước bạn Campuchia. Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung và đánh giá kỹ hơn về hiện trạng phát triển của các ngành nông, lâm, thủy sản và vấn đề hình thành các vùng chuyên canh; làm nổi bật những hạn chế, thách thức và cơ hội phát triển của Đắk Nông; định hướng phát triển các khu chức năng đặc thù cần có khoanh vùng phát triển; định hướng phát triển các ngành cần làm rõ khu vực phát triển, quy mô phát triển; đề xuất các khu vực cấm hoặc hạn chế phát triển về phía hạ lưu của công nghiệp khai khoáng bô xít để phòng ngừa các tai biến; bổ sung đánh giá tình hình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng thoát nước đô thị, thu gom xử lý nước thải, rác thải, đánh giá vấn đề ô nhiễm nguồn nước do hoạt động nông nghiệp; rà soát lại các số liệu về chỉ tiêu sử dụng đất, tỷ lệ cấp nước đô thị - nông thôn, tỷ lệ thất thoát nước sạch…

Tại Hội nghị, các thành viên của Hội đồng thẩm định cũng đóng góp nhiều ý kiến cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện thuyết minh Đồ án, trong đó đề nghị bổ sung các cơ sở pháp lý, phân giai đoạn phát triển đô thị cho phù hợp với nguồn lực hữu hạn, tránh đầu tư dàn trải; khoanh định rõ phạm vi bảo vệ rừng; làm rõ mối liên kết giữa các tiểu vùng, giữa sự phát triển của các đô thị với các chức năng khác trong các phân vùng quy hoạch…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, trong đó lưu ý bổ sung cơ sở pháp lý về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, các Nghị quyết, chương trình liên quan đến việc đề xuất các định hướng phát triển, các chỉ tiêu sử dụng đất, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh - quốc phòng; bổ sung và làm rõ hơn trong Đồ án về hiện trạng phát triển các ngành nông, lâm, thủy sản, du lịch, hiện trạng và định hướng phát triển giao thông; rà soát lại các bản vẽ, các số liệu để đảm bảo tính thống nhất.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn trong việc thực hiện Đồ án này, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo đơn vị tư vấn - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (VIUP) hoàn thiện Đồ án, dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt để sớm trình Thủ tướng Chính phủ.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website