Thẩm định Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030

Ngày 27/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030.

Động lực phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Sơn La

Theo Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Khu du lịch quốc gia (DLQG) Mộc Châu nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên 206.150ha, phía Đông và Đông Nam giáp Hòa Bình, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La), phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Bắc giáp huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La).

Toàn cảnh Hội nghị.

Chính phủ và UBND tỉnh Sơn La đã định hướng xây dựng và phát triển Khu DLQG Mộc Châu trở thành vùng động lực phát triển kinh tế, khu du lịch cấp quốc gia của tỉnh Sơn La và vùng trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.

Về tổng thể, Khu DLQG Mộc Châu sẽ được chia thành 3 phân vùng kiểm soát, quản lý phát triển.

Phân vùng phía Bắc – Đông Bắc chủ yếu là các xã nằm dọc sông Đà, tiểu vùng phát triển dân cư, nông nghiệp, sinh thái gắn liền với cây lương thực, chăn nuôi đại gia súc và khai thác du lịch văn hóa, du lịch trên sông Đà, sử dụng đất xây dựng hạn chế với mật độ thấp.

Phân vùng trung tâm gồm thị trấn Mộc Châu, thị trấn nông trường Mộc Châu và các xã trung tâm của 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Phân vùng này được định hướng trở thành tiểu vùng động lực phát triển kinh tế đô thị - du lịch - nông nghiệp gắn với khai thác lợi thế tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và QL6, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm đặc trưng như chè, các sản phẩm sữa, rau quả, hóa… Đây là vùng sử dụng đất xây dựng mật độ trung bình và thấp.

Phân vùng Nam - Tây Nam bao gồm một số xã vùng biên giới của 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Đây là tiểu vùng phát triển dân cư, phát triển dịch vụ thương mại và du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lóng Sập, du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha, sử dụng đất xây dựng hạn chế với mật độ thấp.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, Khu DLQG Mộc Châu sẽ có 5 khu đô thị. Đô thị Mộc Châu là đô thị trung tâm của Khu DLQG Mộc Châu, đô thị du lịch xanh, sinh thái, hiện đại, định hướng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020. Các đô thị Vân Hồ, đô thị Lóng Sập, đô thị Tô Múa và đô thị Chiềng Sơn phấn đấu đạt đô thị loại V vào từng giai đoạn cụ thể, từ năm 2018 – 2030.

Về định hướng phát triển không gian du lịch, hệ thống các khu du lịch ở Khu DLQG Mộc Châu bao gồm: Rừng thông Bản Áng, Thác Dải Yếm, Trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập, Ngũ động Bản Ôn, Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên, khu du lịch sinh thái rừng Pa Cốp, rừng Xuân Nha. Hệ thống các điểm du lịch vệ tinh bao gồm: Các bản văn hóa dân tộc, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, các điểm danh thắng và suối nước khoáng.

Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo đồ án.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, Khu DLQG Mộc Châu sẽ phải đáp ứng 3 tiêu chí phát triển, bao gồm: Dân số năm 2020 đạt khoảng 205.000 người, đến năm 2030 đạt khoảng 274.500 người; Khách du lịch năm 2020 đạt khoảng 1.650.000 lượt khách, đến năm 2030 đạt khoảng 5.000.000 lượt khách; Quy mô cơ sở lưu trú năm 2020 có nhu cầu khoảng 6.200 phòng, đến năm 2030 là 20.000 phòng.

Trong đó, 3 trung tâm du lịch trọng điểm của Khu DLQG Mộc Châu là trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu và trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, có mật độ xây dựng thấp, quy mô khoảng 2.000ha (khu vực dân cư lân cận chiếm quy mô khoảng 500ha).

Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu có diện tích 442ha, nằm trên địa bàn thị trấn Mộc Châu và thị trấn nông trường Mộc Châu, tập trung các loại hình sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái, văn hóa, dịch vụ lưu trú… chú trọng bảo tồn khu vực đồi chè ở phía Bắc và Tây Bắc.

Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu nằm trên địa bàn xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ) có diện tích 460ha, tập trung các loại hình sản phẩm du lịch chính như vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú… chú trọng yếu tố bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên.

Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu có diện tích 600ha, nằm trên địa bàn các xã Phiêng Luông và Vân Hồ, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các khu phục vụ nghỉ dưỡng và các khu dân cư dịch vụ, dựa vào dáng địa hình để tổ chức bố cục không gian.

Trong đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG Mộc Châu, đơn vị tư vấn đã vạch ra 6 chiến lược phát triển Khu DLQG Mộc Châu, bao gồm: Nâng cao chất lượng và đa dạng loại hình sản phẩm du lịch; Giữ gìn và tôn tạo cảnh quan tự nhiên; Bảo tồn và phát huy tài nguyên nhân văn; Xây dựng mô hình liên kết tương hỗ 3 yếu tố đô thị - du lịch – nông nghiệp; Sử dụng hiệu quả đất đai – hạ tầng; Phối hợp và cạnh tranh trong liên kết với các vùng Hà Nội – Hòa Bình – Điện Biên.

Các dự án ưu tiên đầu tư được xác định là cải tạo, nâng cấp QL6, QL43, hạ tầng khu cửa khấu Lóng Sập; Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình; Nâng cấp đường giao thông tỉnh lộ 101, 102, 104; Cung cấp nước sinh hoạt cho trung tâm hành chính huyện Vân Hồ...

Đồ án vẫn cần bổ sung, cập nhật

Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 đã nhận được nhiều ý kiến phản biện từ các Bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Ủy ban dân tộc, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam…

Trong đó, hầu hết các ý kiến đều nhận định, đồ án đã bám sát nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đóng góp một số phản biện, đề nghị nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu để bổ sung, cập nhật hợp lý vào đồ án.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp ý kiến.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát lại hiện trạng và định hướng sử dụng đất; Bộ Giao thông Vận tải nhận định việc nâng cấp quốc lộ rất phức tạp, cần xem xét lại việc quy hoạch, đấu nối đường gom; Bộ Công thương thắc mắc về định hướng phát triển của khu công nghiệp Bó Bun; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét đồ án thiếu các số liệu cụ thể về chuyển đổi cây trồng vật nuôi; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét lại các dự án ưu tiên đầu tư, phấn đấu các tiêu chí phát triển không chỉ về số lượng; Bộ Tài chính đề nghị bổ sung tiêu chí lựa chọn và cơ cấu nguồn vốn của các dự án ưu tiên đầu tư …

Bên cạnh đó, một số ý kiến phản biện khác cũng đề nghị nhóm nghiên cứu làm rõ sự gắn kết giữa định hướng phát triển của các ngành kinh tế với mục tiêu phát triển du lịch; Rà soát lại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất và có giải pháp phòng ngừa; Xác định quỹ đất dự trữ phát triển, đánh giá lại sự phù hợp quy hoạch của các dự án đang triển khai trên địa bàn, lồng ghép quy hoạch du lịch vào quy hoạch xây dựng chung…

Đồ án cần sớm phê duyệt để thu hút đầu tư

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và các Bộ, ngành liên quan, ông Lò Minh Hùn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng tư vấn trong quá trình lập nhiệm vụ và khảo sát thực tế để lập đồ án quy hoạch.

Ông Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, trong quá trình lập đồ án quy hoạch có xuất hiện một số vấn đề mới. Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014, nhưng từ năm 2015 đến nay đã có nhiều thay đổi. Dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Bình đi Mộc Châu đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm tạo động lực phát triển Khu DLQG Mộc Châu và kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc.

Sau khi quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức công bố quy hoạch và tổ chức 2 hội nghị xúc tiến đầu tư vào các năm 2015, 2017. Trong đó, một số nhà đầu tư đã thể hiện sự quan tâm đến các dự án trên địa bàn tỉnh.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng và đơn vị tư vấn cập nhật vào đồ án các vấn đề được nhà đầu tư đề xuất. Ngoài ra, UBND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị Bộ Xây dựng giao cho Hội đồng tư vấn tiếp tục cập nhật các đề nghị của UBND tỉnh Sơn La và ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định. UBND tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện của Hội đồng thẩm định để cập nhật, bổ sung vào đồ án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị với Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện đồ án quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sớm tạo điều kiện cho Sơn La triển khai thực hiện, tránh nguy cơ các nhà đầu tư bị “nản” vì phải chờ đợi quá lâu.

Kết luận Hội nghị thẩm định, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG Mộc Châu cơ bản đã bám sát các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 2050/QĐ-TTg năm 2014.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị Hội đồng tư vấn nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định và các Bộ, ngành; Nghiêm túc rà soát và chịu trách nhiệm về những số liệu của thuyết minh trong đồ án; Bám sát vào không gian phát triển đô thị để đưa ra các định hướng phát triển; Bổ sung số liệu chi tiết hơn về hiện trạng đánh giá về du lịch; Giải trình ý về diện tích, thực trạng sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và đất rừng.

Sau Hội nghị, Hội đồng thẩm định sẽ có thông báo kết luận cho Hội đồng tư vấn và UBND tỉnh Sơn La tiếp thu, cập nhật đồ án để gửi Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website