Thượng viện Pháp yêu cầu trùng tu Nhà thờ Đức Bà như cũ

Thượng viện Pháp vừa thông qua dự luật về trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris và bổ sung một điều khoản yêu cầu khôi phục nhà thời đúng cấu trúc và hình dáng như trước khi bị hỏa hoạn phá hủy nặng nề ngày 15-4. Do có một số thay đổi được thông qua tại Thượng viện có tính áp đặt, Hạ viện và Thượng viện sẽ phải tiếp tục thỏa thuận để thống nhất phương án tái thiết cuối cùng.

Bản thiết kế của kiến trúc sư người Bỉ gốc Pháp Vincent Callebaut: Nhà thờ được tái thiết với mái bằng kính thân thiện với môi trường và có một khu vườn bên trong.

Như vậy, Chính phủ Pháp sẽ không thể thực hiện được kế hoạch tổ chức một cuộc thi quốc tế để chọn một thiết kế mới, vừa giữ được những nét kiến trúc xưa vừa có tính sáng tạo nhằm khôi phục một biểu tượng nổi tiếng của Paris và nước Pháp. Ngay sau vụ cháy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm phục hồi Nhà thờ Đức Bà Paris trong thời gian 5 năm, một di tích vô giá về tôn giáo, lịch sử và kiến trúc. Mục đích là để sớm lấy lại hình ảnh của di tích này, một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất nước Pháp và có thể để kịp đón Thế vận hội mùa hè 2024.

Để triển khai việc trùng tu, một dự luật đã được soạn thảo và đưa ra thảo luận tại Hạ viện Pháp từ đầu tháng 5. Tranh luận gay gắt đã xảy ra giữa hai quan điểm: bảo tồn kiến trúc cổ và làm mới diện mạo của nhà thời theo kiến trúc hiện đại. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester cho rằng mục tiêu hoàn thành việc khôi phục nhà thờ trong 5 năm là thời hạn rất đáng xem xét và đầy tham vọng. Tuy nhiên, đây là một dự án rất quan trọng, không nên vội vàng vì trước đây phải mất 200 năm để hoàn thành công trình hoàn hảo như vậy. Lý do để thúc đẩy nhanh chóng dự án này là do có nhiều tiền ủng hộ chỉ trong thời gian ngắn.

Cho tới nay đã có gần một tỷ euro đã được quyên góp hoặc cam kết tài trợ. Còn các chuyên gia ước tính rằng, chi phí để khôi phục lại nhà thờ ở mức 600-700 triệu euro và nếu còn thừa sẽ được dùng để trùng tu các nhà thời khác đang bị xuống cấp. Theo Cơ quan Giám sát di sản tôn giáo (OPR) của Pháp, hiện có khoảng 40 nghìn đến 60 nghìn nhà thờ và nhà nguyện trên khắp nước Pháp, trong đó 5.000 cơ sở trong số này hiện trong tình trạng đổ nát.

Hạ viện đã thông qua luật này nhưng không có điều quy định rằng nhà thờ phải được khôi phục lại chính xác như xưa và không có phần kiến trúc sáng tạo. Trong thời gian chờ quyết định thông qua của Thượng viện, chủ đề tái thiết nhà thờ vẫn tiếp tục được dư luận quan tâm cùng với tranh luận của các chuyên gia có quan điểm bảo tồn giá trị nguyên bản và số khác muốn tạo nên một diện mạo mới phù hợp với thời đại hiện nay.

Một số công ty kiến trúc đã đưa ra thiết kế "đầy sáng tạo". Theo đề xuất của Công ty kiến trúc Vincent Callebaut (Pháp), nhà thờ sẽ có mái mới bằng kính, gỗ sồi và sợi carbon có thể chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng. Thậm chí, trên mái sẽ có trang trại trồng rau quả. Công ty Studio Drift (Hà Lan), đưa ra ý tưởng xây mái nhà thờ bằng ngói màu xanh dương cùng nhựa tái chế thay vì gỗ để tránh hỏa hoạn. Trong khi đó, Công ty Ulf Mejergren Architects (Thụy Điển) lại muốn tái thiết toàn bộ mái nhà thờ thành một bể bơi hình chữ thập.

Những thiết kế có ý tưởng "kết hợp kim-cổ" nhận được hàng nghìn ý kiến phản hồi, khen vì có sự sáng tạo để phù hợp với thời hiện đại và chê vì cho rằng đó là sự pha trộn kiến trúc, không còn hình dáng đặc trưng, tôn giáo của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Sau nhiều giờ tranh luận trong cả đêm 27-5, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật với điều khoản: khôi phục nhà thờ đúng như trước khi bị cháy, trong đó có tháp mũi tên. Các loại vật liệu khác với những loại cũ ở nhà thờ phải được chứng minh là phù hợp, một yêu cầu bị đại diện của đảng Xã hội tại Thượng viện phản đối vì như vậy sẽ cản trở những dự án trùng tu sau này.

Trước đó, vào ngày 24-5, Tổng thống Macron khẳng định rằng tháp mũi tên sẽ được tái thiết có sự "sáng tạo," như kiến trúc sư Viollet-le-Duc từng thực hiện từ năm giữa thế kỷ 19, kết hợp nét truyền thống, hiện đại và cả sự phá cách. Kiến trúc sư Viollet-le-Duc được xem là người có tầm nhìn, quan điểm kiến trúc khác thường khi cho rằng phục dựng không có nghĩa là làm cho nhà thờ trông giống trước đây mà đưa nó đến trạng thái các kiến trúc sư ban đầu muốn nhưng đã không làm được. Viollet-le-Duc đã dùng 500 tấn gỗ sồi già và 250 tấn chì để tạo nên tháp nhọn cao.

Chiếc tháp đầu tiên, được dựng lên từ năm 1250, bị hư hỏng nặng vì vậy được tái thiết bằng tháp nhọn. Tháp nhọn chính bị cháy rụi trong ngày 15-5, có chiều cao 93 m tính từ mặt đất, được đánh giá là một trong những điểm độc đáo mang lại dáng vẻ hiện đại của nhà thờ Đức Bà Paris vào thời ấy và so với tháp cũ.

Thượng viện đã loại bỏ điều khoản gây tranh cãi trong dự luật: cho Chính phủ quyền không cần tuân thủ các quy định về quy hoạch, môi trường, bảo tồn di sản và đấu thầu công khai. Nhiều thành viên thuộc cánh hữu trong Thượng viện Pháp chỉ trích Tổng thống vì đã cam kết hoàn tất việc tái thiết nhà thờ trong vòng 5 năm, cho rằng dự án có thể kéo dài theo yêu cầu trùng tu và tái thiết không phải là một cuộc đua tốc độ thời gian. Trước đó, các chuyên gia về bảo tồn di tích và kiến trúc cổ cho rằng để nhà thờ có được diện mạo và cấu trúc như xưa cần một khoảng thời gian từ 20 năm trở lên.

Dự luật này cũng cho phép Chính phủ thành lập một cơ quan hay dự án công cộng để giám sát quá trình trùng tu và sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Văn hóa. Ngoài ra, dự luật còn quy định việc miễn thuế cho các khoản tài trợ, quyên góp để tái thiết nhà thờ, tính từ ngày 15-4 thay cho đề xuất ban đầu là ngày 16-4.

Dù đã có tiền để sớm triển khai việc tái thiết, Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn phải chờ luật được thông qua với sự đồng thuận của cả Thượng viện và Hạ viện Pháp. Vấn đề khó nhất là chọn phương án khôi phục như cũ hay sử dụng thiết kế mới với các loại nguyên vật liệu hiện đại.

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website