Công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 847/QĐ-TTg, ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội nghị.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có rất nhiều điểm mới, trong đó là quan điểm thủy lợi đi trước để phục vụ các ngành. Như vậy, việc chủ động nguồn nước trong tất các tình huống rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Quy hoạch bảo đảm phù hợp quy hoạch quốc gia, chuyên ngành; căn cứ vào Quy hoạch này các địa phương đưa ra quy hoạch phát triển kinh tế riêng, chi tiết. Trong Quy hoạch cũng nói rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phải làm ngay; những vấn đề phải nghiên cứu trong thời gian dài bảo đảm mục tiêu an ninh nguồn nước”.

Mục tiêu chung của Quy hoạch là bảo đảm cấp nước, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt; cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế…; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư. Chủ động nguồn nước tại chỗ cho sinh hoạt ở các khu vực bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chú trọng một số vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng. Chủ động kiểm soát mặn, ngọt tại các vùng cửa sông, vùng ven biển.

Cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất bảo đảm 85% (riêng vùng đồng bằng sông Hồng bảo đảm 85-90%). Đối với các vùng khó khăn về nguồn nước và giải pháp thủy lợi (miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo) bảo đảm 75-85%, kết hợp các giải pháp tưới tiết kiệm nước.

Cấp nước tưới bảo đảm cho 70% diện tích cây trồng cạn, nâng dần tần suất bảo đảm tưới cho rau màu lên 90%, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm 90-95%. Bảo đảm cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con. Cấp nước và thoát nước chủ động cho 1,35 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung. Bổ sung nguồn nước trên sông, kênh, hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm, góp phần cải tạo môi trường, bảo đảm chất lượng nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước.

Quy hoạch đưa ra mục tiêu cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa 2 vụ với tần suất bảo đảm 85% (riêng vùng đồng bằng sông Hồng bảo đảm 85-90%). Đối với các vùng khó khăn về nguồn nước và giải pháp thủy lợi (miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo) bảo đảm 75-85%, kết hợp các giải pháp tưới tiết kiệm nước.

Bảo đảm tiêu, thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích đất đô thị, công nghiệp...; từng bước nâng cao năng lực phòng, chống lũ quét, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và cơ sở hạ tầng.

Đến năm 2050, nâng diện tích cây trồng cạn được tưới lên 100% với tần suất bảo đảm tưới từ 90-95%; bảo đảm cấp đủ nước cho 13 triệu con gia súc, gia cầm; cấp, thoát nước chủ động cho hơn 1,4 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.

Tầm nhìn đến năm 2050, cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức bảo đảm 100%; cấp và tạo nguồn cấp nước cho khu vực nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư.

Cấp nước tưới chủ động cho toàn bộ diện tích lúa được tưới với tần suất bảo đảm tối thiểu 85%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng bảo đảm 90 đến 95%; chủ động với các kịch bản cực đoan, nâng cao tỷ lệ tưới tiết kiệm nước.

Nâng diện tích cây trồng cạn được tưới lên 100% với tần suất bảo đảm tưới từ 90 đến 95%; bảo đảm cấp đủ nước cho 13 triệu con gia súc, gia cầm; cấp, thoát nước chủ động cho hơn 1,4 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung; khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh, hệ thống thủy lợi…

Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Quy hoạch đã đưa ra phương án chung gồm tạo nguồn, tích trữ, điều hòa nguồn nước; nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi; khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước; cấp nước sinh hoạt; tiêu, thoát nước và chống ngập úng; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phòng, chống lũ, ngập lụt và các loại hình thiên tai khác.

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website