Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, khu vực và quốc tế không phải là mục tiêu "cho có", mà dựa trên những căn cứ khoa học thực tế xác đáng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cần giải pháp đồng bộ, với sự nỗ lực không chỉ của tỉnh mà còn sự hỗ trợ từ Trung ương và liên kết giữa các địa phương trong vùng. Đó là nhận định chung của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý tại Hội thảo lấy ý kiến về Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” (Đề án) do UBND tỉnh tổ chức, sáng 15/4.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ nhận định, những ý kiến tại hội thảo giúp tỉnh nhận diện đầy đủ, rõ nét hơn trong quá trình đề ra các giải pháp, hoàn thiện Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải-hạt nhân phát triển kinh tế biển

Tại hội thảo, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trưởng nhóm tư vấn xây dựng Đề án đưa ra “lát cắt” hiện trạng, nhận diện lợi thế và nút thắt phát triển một số ngành, lĩnh vực nền kinh tế biển của Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỉnh có đủ nguồn lực về tự nhiên, con người, điều kiện chính trị, kinh tế-xã hội để phát triển kinh tế biển. 

Từ nền tảng đó, tỉnh đã phát triển mạnh các ngành dầu khí, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản… “Đặc biệt, Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế cạnh tranh vượt trội trong lĩnh vực cảng biển so với bất kỳ địa phương nào trong cả nước”, ông Tuấn nhận định.

Điều này có được nhờ cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải của tỉnh với quy mô lớn thứ 19 thế giới, có thể đón nhận tàu tải trọng trên 200.000 tấn cập cảng. Hiện nay, vai trò của cụm cảng này ngày càng lớn, không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều hãng tàu quốc tế. Minh chứng là hiện nay, Cái Mép-Thị Vải là cảng duy nhất tại miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu-Mỹ.

Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải còn nằm giữa các tuyến đường biển và phương thức giao thông khác có tầm chiến lược với quốc gia, giúp kết nối thuận lợi đến các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên… Điều này tạo lợi thế tương hỗ giữa cảng Cái Mép-Thị Vải với các KCN trong vùng Đông Nam bộ. Có cảng giúp KCN thu hút đầu tư và có nhà đầu tư cũng giúp cảng có điều kiện phát triển.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết: “Theo quy hoạch tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển Cái Mép-Thị Vải ngang tầm khu vực, thậm chí trở thành đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới. Cụm cảng này cũng là điều kiện để tỉnh xây dựng một mô hình thương mại tự do (FTZ) đúng nghĩa tại khu vực Cái Mép Hạ, cộng sinh thành một hệ sinh thái công nghiệp, logicstics và thương mại, dịch vụ hoàn chỉnh”.

Không thể tự mình trở thành "trung tâm"

Phát biểu tại hội thảo, với các bài tham luận đề ra hiện trạng và khuyến nghị phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế biển của Bà Rịa-Vũng Tàu, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao tiềm năng và những nỗ lực của tỉnh để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này còn cả một chặng đường dài, với nhiều khó khăn phía trước.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, để thực thi chiến lược phát triển kinh tế biển cần những giải pháp vượt qua giới hạn địa phương, mang tầm quốc gia. Bà Rịa - Vũng Tàu cần mạnh dạn đề nghị Trung ương xây dựng thể chế, cơ chế phát triển chung cho các ngành kinh tế biển hiện đại. Trong đó, phân quyền, trao sự chủ động tối đa cho tỉnh phát triển kinh tế biển. PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra khuyến nghị: “Khi đó, tỉnh phải lựa chọn chiến lược phát triển hợp lý cho từng lĩnh vực, ví dụ như xây dựng khu thương mại tự do thế hệ mới ở đô thị Phú Mỹ, xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia”.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương-TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, tuy có tiến triển trong thời gian gần đây, nhưng các địa phương trong vùng vẫn thiếu động lực, áp lực lẫn nguồn lực để thiết lập quan hệ kết nối tốt hơn, đủ bổ sung cho nhau phát triển. Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ vẫn chỉ là cơ quan tư vấn, không thẩm quyền giải quyết các vấn đề nóng phát sinh. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương trong vùng cần có kiến nghị các cơ chế để tăng liên kết vùng, thắt chặt mối quan hệ giữa các địa phương. Cần thiết có thể kiến nghị tăng quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, nhất là trong thực hiện các dự án giao thông kết nối.

Mỗi địa phương ở khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là “bộ tứ” có đóng góp lớn vào GRDP Việt Nam gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu cần ngồi lại, tìm giải pháp liên kết vùng để "cộng hưởng" phát triển là ý kiến được nhiều nhà khoa học đề ra tại hội thảo. TS. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Xây dựng "vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh" là rất phù hợp. Khi đó, thành phố mang tên Bác là trung tâm “lõi”, đóng vai trò về tài chính, tri thức, cung cấp nguồn vốn và nhân lực phục vụ cho cả vùng đô thị. Bình Dương, Đồng Nai là trung tâm công nghiệp và kết nối giữa các địa phương. Bà Rịa-Vũng Tàu với lợi thế của mình có thể đóng vai trò cửa ngõ cho cả vùng. Khi đó, mỗi tỉnh sẽ đều được hưởng “miếng bánh” lớn, qua đó đóng góp cho sự phát triển của cả nước”, ông Ngô Viết Nam Sơn nhận định.  

(Nguồn:baobariavungtau.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website