Phan Nhựt Duy* (a), Nguyễn Thị Lan Anh (b), Trần Trung Vĩnh (c)
(*): Tác giả chịu trách nhiệm chính (Email: duy.phannhut@uah.edu.vn ; duyadm@gmail.com)
(a): Tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu vùng và đô thị, kiến trúc sư, giảng viên bộ môn Quản lý đô thị, khoa Quy hoạch, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM;
(b): Thạc sĩ chuyên ngành xã hội học đô thị, giảng viên bộ môn Quản lý đô thị, khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM;
(c): Thạc sĩ chuyên ngành định cư con người, kiến trúc sư, giảng viên bộ môn Quy hoạch đô thị, khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Tóm lược
Với quan điểm chủ quan dựa vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ để cải tạo và thay đổi môi trường, các khu đô thị mới được quy hoạch và xây dựng có vị trí trên những khu vực rủi ro cao trước các biến cố thiên tai như ngập lụt, đồng thời góp phần làm tăng ô nhiễm môi trường và cả nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Do đó, quá trình phát triển và đô thị hóa ở vùng ven cần được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, bao gồm lợi ích kinh tế và cả nhưng rủi ro phải đối mặt. Bằng phương pháp tổng hợp một số kết quả nghiên cứu đã công bố của Duy và nhóm tác giả (2017, 2018 và 2019) và số liệu thứ cấp được bổ sung, bài viết này nêu lên một số hệ quả của môi trường liên quan đến quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư thiếu kiểm soát tại vùng ven. Từ đó, nhóm tác giả liên hệ đến những thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã và đang đối mặt, trong đó chú trọng đến ba vấn đề: ngập lụt, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn, và dịch bệnh, để làm cơ sở cho các ý phân tích và đề ra một số khuyến nghị đến chính quyền thành phố liên quan đến công tác lập quy hoạch và quản lý đô thị.
1. Giới thiệu bối cảnh chung về phát triển đô thị và tập trung dân cư tại các đô thị lớn trên thế giới
Trong những thập niên gần đây, dân số thế giới luôn tăng với xu hướng tăng sự tập trung phân bổ tại các khu vực đô thị, đặc biệt là các đô thị cực lớn có tiềm năng phát triển kinh tế. Số liệu của Liên Hiệp Quốc - UN (2014) đã cho thấy các thành phố trên thế giới hầu hết đều có sự gia tăng dân số từ 10 - 20 lần sau khoảng 50 năm - từ thập niên 1960, và dự báo khoảng 68% dân số thế giới tập trung tại các khu vực đô thị cho đến 2050 (UN, 2018). Số liệu gần đây nhất cho thấy năm 2000 thế giới có 371 đô thị hơn 1 triệu dân thì con số này đã là 548 năm 2018, và dự báo tiếp tục tăng lên 706 năm 2030 (UN, 2018). Các đô thị lớn (hoặc vùng đô thị cực lớn) luôn là “điểm đến” thu hút lao động dựa trên các lợi thế về việc làm, gắn kết và gia tăng giá trị lao động. Camagni et al. (1998) lý giải rằng các đô thị chứa đựng các nguồn tài nguyên về con người và công nghệ tạo lợi thế phát triển kinh tế. Trên thực tế, thu hút lao động - tích tụ dân cư sẽ tạo nguồn lực phát triển cho đô thị, đồng thời cũng sẽ tạo ra sự gia tăng về nhu cầu chỗ ở (liên quan đến thị trường bất động sản) và các nhu cầu dịch vụ đô thị, từ đó trở thành yếu tố thúc đẩy quá trình mở rộng diện tích đô thị bằng việc hình thành các khu đô thị mới tại các vùng ven.
Tuy nhiên, những vùng đất xung quanh các trung tâm cũ của các đô thị chính thường là nơi duy trì hệ sinh thái tự nhiên đảm bảo sự cân bằng về môi trường cho đô thị phát triển và có thể chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi (hoặc không phù hợp) về điều kiện tự nhiên chẳng hạn trũng thấp, hợp thủy của nhiều tuyến sông ngòi, kênh rạch dẫn đến rủi ro ngập cao. Quá trình mở rộng diện tích đô thị, đô thị hóa ở những khu vực này lại góp phần tăng thêm “sự thu hút” lao động nhập cư - tăng dân số cơ học, tạo thêm áp lực về hạ tầng xã hội, kỹ thuật, làm tăng mức ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh và thậm chí làm đô thị càng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố thiên tai - liên quan đến mức độ phơi nhiễm về con người và tài sản. Do đó, bài viết này sẽ trình bày một số vấn đề về rủi ro thiệt hại do ngập lụt, những tác động đến môi trường tự nhiên (không khí và tiếng ồn) và nguy cơ dịch bệnh có liên quan đến xu hướng tập trung dân cư ngày càng cao dẫn đến quá trình mở rộng và đô thị hóa nhanh tại vùng ven của các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM.
2. TP.HCM: tiềm năng phát triển kinh tế - yếu tố thúc đẩy tập trung dân cư - tăng dân số, mở rộng không gian đô thị ra vùng ven và các rủi ro thách thức từ môi trường
2.1. Tăng trưởng kinh tế và xu hướng tăng dân số, thay đổi phân bổ dân cư
TP.HCM là một đô thị gần biển (khoảng 50km từ trung tâm hiện hữu đến cửa biển tại huyện Cần Giờ) và đang trở thành đô thị cực lớn với tiềm năng phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 9%/ năm và đóng góp hơn 20% GDP của Việt Nam: ITPC, 2015). Với dân số tăng hơn gấp đôi sau 30 năm, từ khoảng 4 triệu năm 1988 đến hơn 8 triệu năm 2017 (GSOV, 1997 - 2017), TP.HCM có dân số tăng rất nhanh do khả năng thu hút lao động từ các vùng lân cận, đặc biệt là từ những năm đầu 2000 sau sự thành lập chính thức của các quận mới phát triển năm 1997 từ các vùng ven của đô thị trước đây. Trên thực tế, dân số đô thị hiện nay có thể tới hơn 10 triệu nếu bao gồm cả lao động nhập cư tạm thời.
Về phân bổ dân cư theo địa giới hành chính hành chính, số liệu từ Tổng cục thống kê (Hình 2) cho thấy dân số đô thị tăng nhanh cùng với sự thay đổi về tỷ lệ phân bổ tại các khu vực 2 và 3 (sáu quận mới phát triển và năm huyện ngoại thành), rõ nhất là từ năm 2003. Hai khu vực trên trước đây có thể được xem là “vùng ven của đô thị” - xung quanh khu trung tâm ở thời điểm cách nay khoảng 20 năm. Theo tác giả Trương Hoàng Trương (2018), vùng ven đô thị của TP.HCM gồm các quận mới thành lập về mặt hành chính (chẳng hạn như quận 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân), và các huyện ngoại thành (Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn) là vùng đang bị quá trình đô thị hóa tác động dẫn đến nhiều thay đổi. Ngày nay, nhiều trung tâm mới (cấp thành phố hoặc cấp quận) đã được hình thành tại các quận mới phát triển, chẳng hạn như Thủ Thiêm (quận 2), và Phú Mỹ Hưng (quận 7); đồng thời “vùng ven mới” lân cận các quận này lại tiếp tục có xu hướng đô thị hóa và tập trung dân cư với mật độ ngày càng cao. Như vậy, quá trình phát triển của TP.HCM đã chứng kiến một tiến trình “xâm lấn” của diện tích đô thị từ trung tâm ra các vùng ven tương ứng với mức trưởng kinh tế đồng thời với tăng dân số.
2.2. Quá trình mở rộng diện tích đô thị
Đối chiếu với lịch sử phát triển của TP.HCM, quy mô về diện tích và dân số của đô thị đã tăng rất nhiều lần so với quy hoạch từ thế kỷ 19 (chỉ khoảng 25km2 đáp ứng cho khoảng 500.000 - 600,000 dân theo tài liệu trích dẫn từ: Trân và Trương, online); so với hiện nay là 2.095km2 với gần 10 triệu dân. Phần đô thị ban đầu chỉ tập trung tại khu trung tâm cũ (quận 1), có gắn kết với một trung tâm khác ở Chợ Lớn (quận 5). Trong quá trình phát triển, khi dân số tăng, diện tích từ đô thị mở rộng ra các hướng, nhưng lại có sự thay đổi theo thời gian:
i) ở giai đoạn đầu có hai khu vực đô thị nằm tách biệt nhau (vị trí tại quận 1 và 5: hình 3a);
ii) hai khu vực đô thị trên từng bước được nối liền theo hướng Đông - Tây, giới hạn bởi sông Sài Gòn; sau đó tiếp tục mở rộng ra hướng Tây Bắc (hướng đi Hóc Môn, Củ Chi: hình 3b); và
iii) tiếp tục mở rộng ra nhiều hướng với sự thành lập của các quận mới phát triển, đặc biệt vượt sông Sài Gòn và hai kênh Tẻ để phát triển mạnh ra hai hướng Đông và Nam (ra các quận 2, 9, Thủ Đức, và hướng quận 7, Nhà Bè) và hiện nay tiến ra hướng biển - Đông Nam (Cần Giờ).
Như vậy, quá trình phát triển đô thị của TP.HCM có sự mở rộng diện tích ra các hướng khác nhau tùy vào chiến lược và đặc điểm phát triển của từng giai đoạn. Trong những năm gần đây, hướng Đông và Nam được đầu tư phát triển mạnh với sự hình thành và phát triển của hai khu đô thị lớn: Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm. Một trong những lý do quan trọng được các chuyên gia lý giải có hai hướng phát triển này là diện tích đất trống, với hệ thống kênh rạch và hệ sinh thái tạo môi trường sống tốt. Tuy nhiên, các khu vực này lại là vùng trũng thấp đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng nước mặt (thẩm thấu và giữ nước tạm thời trước khi thoát ra các tuyến sông lớn). Thực vậy, theo bản đồ mô phỏng địa hình (Thinh et al., 2009; và Duy, 2019a), ngoại trừ hướng Tây Bắc (lớn hơn + 8m, so vớm mực nước biển – ASL) và vị trí khu trung tâm cũ (khoảng +4m đến +8m, ASL), các hướng phát triển còn lại đều có địa hình thấp (dưới +1m, ASL). Như vậy, TP.HCM đang có xu hướng phát triển từ khu vực có địa hình cao ra hướng có địa hình thấp hơn, dễ bị tác động của triều cường. Do đó, yếu tố rủi ro tại các khu vực này trước tác động của triều cường là điều dễ hiểu; trong việc cải tạo địa hình (nâng nền cục bộ) lại là vấn đề mà nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng tác động ổn định dòng chảy của hệ thống kênh rạch tự nhiên, phá hủy sự cân bằng thoát nước mặt của toàn đô thị. Điều đáng lưu ý ở đây đó là quá trình “xâm lấn” của diện tích đô thị hóa từ khu trung tâm hiện hữu ra các vùng ven, hay nói cách khác diện tích của vùng ven từng bước bị thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với hệ sinh thái – mặt đất thẩm thấu tự nhiên và hệ thống sông ngòi kênh rạch đã và đang bị giảm, và được dự báo tiếp tục bị thu hẹp trong tương lai. Vấn đề cần quan tâm, từ góc độ của các nhà quy hoạch và quản lý là quá trình này sẽ diễn ra đến khi nào, đến mức nào là đạt ngưỡng để có hạn chế và nên dừng lại; hay là sẽ tiếp tục vô hạn.
2.3. Thách thức đối với quá trình phát triển: rủi ro thiên tai (ngập lụt), ô nhiễm môi trường (khói bụi và tiếng ồn) và nguy cơ dễ phát sinh - lây lan dịch bệnh
Ngập lụt
Bối cảnh chung về quá trình tập trung dân cư và đô thị hóa tại các đô thị lớn đã phần nào cho thấy những rủi ro thiệt hại cao khi xảy ra thiên tai, trong đó có ngập lụt. TP.HCM cũng được đánh giá là một trong các đô thị dễ bị tác động bởi các hệ quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) (Nicholls et al., 2011). Đáng lưu ý, nhiều chuyên gia nhận định: ngoài tác động của nước biển dâng, tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng tại TP.HCM là một phần của hệ quả từ quá trình đô thị hóa nhanh tại các quận mới phát triển - vùng ven trước đây của đô thị, có liên quan đến sự phát triển của các dự án bất động sản, tính hiệu quả của công tác lập và quản lý quy hoạch (Storch and Downes, 2011; Phi, 2013, Duy et al., 2017a, Duy, 2019a). Duy và nhóm nghiên cứu (2017a) đã tổng hợp số liệu về quá trình triển khai của các dự án bất động sản từ 2010 đến 2015, cho thấy phần lớn các dự án đều tập trung phân bổ tại sáu quận mới phát triển và một số huyện ngoại thành. Số liệu của nghiên cứu cũng cho thấy diện tích phát triển dự án cho nhà ở sẽ tăng gần 4 lần ở khu vực 2, và hơn 10 lần ở khu vực 3, đến năm 2030. Dự báo này cũng phù hợp với thực trạng ở các giai đoạn trước đây thông qua các kết quả nghiên cứu về sự gia tăng của diện tích đô thị hóa thể hiện qua ảnh vệ tinh (tăng gần gấp đôi chỉ sau 4 năm: 2002 - 2006: Vân et al., 2011), và đánh giá thực trạng hoạt động xây dựng cao tại các quận huyện với mức tập trung cao tại các quận mới phát triển (Viet, 2008). Đáng lưu ý, các khu vực dân cư mới phát triển ở hướng Đông (hướng ra quận 2, 9, và Thủ Đức) và Nam (hướng quận 7, Nhà Bè và Cần Giờ) với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, có địa hình rất thấp so với mức đỉnh triều hiện nay (phần lớn là dưới +1m trong khi đỉnh triều đã cao hơn +1,7m năm 2017, so với mực nước biển) nên dễ bị tác động bởi ngập do triều cường và nghiêm trọng hơn khi kết hợp với mưa lớn. Xem xét về rủi ro ngập sâu và hệ thống giao thông đường bộ bị giao cắt nhiều bởi sông ngòi, kênh rạch, hạn chế khả năng kết nối trong trường hợp khẩn cấp, Duy và nhóm tác giả đã nhận định rằng ba quận ở phía Đông (2, 9 và Thủ Đức) là các quận dễ bị tổn thương nhất. Theo đó, quá trình phát triển các khu đô thị mới tại các khu vực này sẽ dẫn đến:
Đối chiếu với thực trạng, những nhận định trên là có cơ sở khi ngập lụt tại TP.HCM trong những năm gần đây đã diễn biến ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng lớn hoạt động kinh tế, xã hội của đô thị. Số điểm ngập tăng gần gấp đôi qua hai giai đoạn: 680 (từ 2003 đến 2009: Phi, 2013), và 1.250 điểm ngập (từ 2010 đến 2015: Duy, 2019 tổng hợp từ số liệu thống kê của SCFC, 2010 - 2015). Những điểm ngập không những gây ùn tắc giao thông mà còn gây thiệt hại kinh tế, phương tiện và kết cấu đường và trở thành “nỗi ám ảnh” đối với người dân trong đô thị nhất là vào giai đoạn mùa mưa kết hợp với triều cường vào khoảng tháng 8 - 11. Một số nút giao thông tại các vị trí “ngã ba”, phân nhánh của sông, kênh rạch được đánh giá dễ bị ngập do hợp thủy, dẫn đến các khu đô thị mới dễ bị cô lập và khó tiếp cận trong trường hợp ngập nghiêm trọng. Đây cũng là một rủi ro mà chính quyền đô thị cần lưu ý khi tham khảo một số bài học kinh nghiệm từ các thảm họa ngập tại một ba thành phố New Orleans – USA 2005, Manila – Philipines 2009 và Bangkok – Thai Lan 2011 liên quan đến việc phát triển đô thị tại các khu vực mới – vùng ven đô mà thiếu cân nhắc các yếu tố rủi ro tiềm ẩn (Duy, 2015).
Không khí
Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn. Bụi mịn là thuật ngữ dùng để chỉ các hạt bụi có kích thước rất bé tồn tại lơ lửng trong không khí (Dockery, 2001). Trong đó, bụi PM2.5 là các hạt bụi có đường kính động học bé hơn hoặc bằng 2,5 µm, được sử dụng như là một thông số quan trọng trong đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường không khí. Theo ước tính của tố chức Y tế Thế giới - WHO (2012), trên thế giới có khoảng 3 triệu người thiệt mạng do phơi nhiễm với bụi PM2.5 vào năm 2012. Theo xếp hạng của GBD (Global Burden of Disease), trong số 79 thông số rủi ro gây bệnh tật và gây tử vong, thì bụi PM2.5 xếp ở vị trí thứ 5.
Tại TP.HCM, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng, và có liên quan đến dân số tăng nhanh phát sinh nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông không ngừng gia tăng. Một nghiên cứu bởi Huy và nhóm tác giả (2018) được tài trợ bời Trường Khoa học Tự Nhiên TPHCM về thực trạng ô nhiễm bụi mịn từ 2013-2017 dựa trên số liệu đo liên tục ở trạm quan trắc không khí tại đường Nguyễn Văn Cừ đã phân tích hiện trạng ô nhiễm bụi mịn và quy luật biến đổi theo thời gian. Kết quả cho thấy hàm lượng bụi trung bình bụi PM2.5 tại TP.HCM là 28,0 ± 18,1 µg/m³, vượt quá giới hạn của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 05:2013) và giới hạn của WHO (tham khảo Bảng 1). Với dân số đông và ngày càng tập trung cao như tại TP.HCM thì mức độ ô nhiễm được dự báo ngày càng tăng, càng dẫn đến nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Điều này cho thấy môi trường sống của người dân trong đô thị ngày càng xuống cấp và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của con người diễn ra “vô hình” theo thời gian. Đây cũng được xem là một hệ quả của quá trình tập trung - tích tụ dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường không khí tự nhiên.
Tiếng ồn
Tiếng ồn được xem là một trong những mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe của con người, không khác gì các hiện tượng ô nhiễm khác (Truong, 2018). Tiếng ồn tác động lên con người ở nhiều khía cạnh: che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên với âm thanh, gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Đối với người dân trong đô thị, nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ có nguy cơ bị bệnh tâm thần mà còn gây tổn thương phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại (CEDR, 2012). Nghiên cứu gần đây của Carey và nhóm tác giả (2018), được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên Vương quốc Anh, khảo sát trên 130.978 người Anh ở Luân Đôn chứng minh có sự liên hệ giữa tác động ô nhiễm tiếng ồn và không khí đến quá trình phát triển bệnh Alzheimer.
Trong đô thị, tiếng ồn là dạng ô nhiễm phổ biến với nguồn phát sinh chủ yếu từ các phương tiện giao thông vận tải (chiếm khoảng 60 - 80 %), và tỷ lệ thuận với sự phát triển của đô thị (Cao, 2017). Mặc dù trong khoảng thời gian ít phương tiện lưu thông nhất (từ 22h đến 6h sáng hôm sau), kết quả khảo sát tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường trong đô thị cho thấy tiếng ồn đo được vẫn vượt quá giới hạn so với cả tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới (Nguyễn, 2007). Cụ thể, so với tiếng ồn tối đa cho phép trong đô thị là 70dBA (Bộ Tài nguyên & Môi trường, 2010), mức ồn ghi nhận được tại các trạm quan trắc dao động từ 55,09 – 79,30dBA (Nguyễn, 2007). Kết quả khảo sát tại các tuyến đường ở TP.HCM gần đây cũng cho thấy mức ồn (LAeq) có xu hướng tăng mạnh, dao động từ 70 đến 77dBA, và hệ quả là khoảng 95% người dân được khảo sát cảm thấy bị quấy rầy bởi tiếng ồn này (Cao, 2017). Từ thực trạng trên cho thấy quá trình tập trung dân cư - tăng dân số cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, giảm chất lượng cuộc sống.
Dịch bệnh
Ngoài những rủi ro về thiên tai và tác hại từ ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, dịch bệnh cũng là một trong các hiểm họa có nguy cơ cao đối với các đô thị tập trung dân cư mật độ cao và môi trường sống không đảm bảo. Lịch sử thế giới đã ghi nhận những trận đại dịch - trở thành thảm họa cho nhân loại xuất phát từ các thành phố tập trung dân cư đông, nhất là các khu vực mới phát triển dân cư đông đúc với môi trường sinh hoạt thiếu vệ sinh làm tiền đề cho quá trình nảy sinh mầm bệnh và lây lan nhanh chóng. Điều này tạo nên một nguy cơ luôn tiềm ẩn, đe dọa đến hàng triệu người dân trong đô thị mà nhiều chuyên gia đã lo ngại và cảnh báo về chất lượng môi trường sống. Khi nghiên cứu về những rủi ro xã hội, Ulrich Beck, một nhà xã hội học nổi tiếng người Đức cho rằng trong xã hội tiền công nghiệp, những rủi ro thường đến từ thiên nhiên (hạn hán, mất mùa, đói kém), thường liên quan đến nguồn nước, mang tính cục bộ từng khu vực nên dễ nhận biết và có thể kiểm soát được. Nhưng trong xã hội đương đại, khi dân số thế giới càng tăng và nhu cầu giao thương - đi lại càng phức tạp và không biên giới thì rủi ro dịch bệnh lại đang tăng với nhiều chủng loại “virus” mới có liên quan đến các hệ quả của BĐKH toàn cầu (khí hậu nóng lên có thể phát sinh một số mầm bệnh mới). Từ đó, con người sống trong đô thị càng chịu nhiều rủi ro, và môi trường sống chưa chắc đã tốt và đem lại sự an tâm, hạnh phúc như nhiều người mong đợi khi nhập cư vào đô thị. Beck nhận định xã hội hiện đại là “một cộng đồng lo âu” vì tầng lớp nào, giai cấp nào cũng có nguy cơ chịu rủi ro như nhau. Điều này đã và đang được minh chứng thông qua những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, có ảnh hưởng và mức độ lây lan nhanh chóng, phức tạp tại các đô thị lớn, tập trung dân cư đông người và hoạt động giao thông đi lại phức tạp như ở Vũ Hán - Trung Quốc, NewYork - Mỹ và TP.HCM, Hà Nội ở Việt Nam.
3. Bàn luận và phát triển quan điểm
Tích tụ dân cư gần như là xu thế chung tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn và cực lớn ở nhiều quốc gia nhất là các nước đang phát triển ở châu Á. Xu hướng này xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế, mưu cầu cuộc sống tốt hơn của con người. Tuy nhiên, những số liệu dẫn chứng và các lập luận ở các phần trên đã cho thấy môi trường sống ở đô thị càng chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân nếu quá trình tập trung dân cư càng đông. Theo đó, mục tiêu chính của việc nhập cư đã “vô tình biến mất”. Cơ hội tăng thu nhập và khả năng tích lũy sẽ “đồng hành” cùng áp lực cao về mức độ cạnh tranh, nguy cơ suy giảm sức khỏe và bệnh tật, thậm chí đối mặt với rủi ro thiên tai được xem như một “vòng xoáy” mà mỗi người dân trong đô thị cần cân nhắc giá trị và mức độ có thể “đánh đổi”, từ đó chọn một hướng đi phù hợp. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả mọi người đều nhận biết nên vẫn còn một bộ phận người dân trong đô thị đang gặp nhiều khó khăn và rủi ro bị tổn thương cao khi gặp biến cố, và trách nhiệm này một phần thuộc về các chuyên gia phân tích và các nhà quản lý, hoạch định chính sách.
Đối với chính quyền đô thị, việc đảm bảo đô thị phát triển bền vững - trong đó môi trường sống tốt về mặt tự nhiên, an toàn về mặt sức khỏe - xã hội và giảm thiểu rủi ro là một trong các nhiệm vụ quan trọng. Tăng dân số, đầu tư hạ tầng - phát triển các khu đô thị mới - rồi lại tiếp tục tăng dân số và dẫn đến gia tăng ô nhiễm môi trường sẽ là “vòng tròn không lối thoát”, mặc dù khoa học công nghệ có phát triển. Tương tự, đô thị hóa vùng ven sẽ làm giảm khả năng hấp thụ và trữ nước dẫn đến mực nước nội đô tăng cao, đặt ra yêu cầu cho việc phải nâng nền các công trình, cải tạo bờ kè, xây cống ngăn triều... Tuy vậy cũng chỉ là những giải pháp tình thế xử lý cho những chiến lược không phù hợp về mở rộng và phát triển đô thị. Thay vào đó, nếu vấn đề căn cơ liên quan đến các yếu tố tác động đến nhập cư (tăng cơ học) chưa được xem xét và tìm hướng giải quyết phù hợp thì những giải pháp phía sau (về hạ tầng kỹ thuật, xã hội…) phần lớn chỉ là mang tính tạm thời để giải quyết “phần ngọn”. Lấy ví dụ, thay vì dùng số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng để mở rộng đường, cải tạo, xây mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao thông, chống ngập… nhằm giải quyết hệ quả của dân số tăng nhanh và áp lực đô thị hóa thì số tiền trên có thể dùng để hỗ trợ công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, đặc biệt là người nghèo đang nhập cư tạm thời tại có thể quay về vùng nông thôn hay một số đô thị lân cận để phát triển công việc phù hợp. Bài toán phức tạp sẽ trở thành đơn giản đối các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
Do đó, quy hoạch đầu tư phát triển và hình thành các khu đô thị mới tại các vùng ven nên có sự tính toán và cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại môi trường cùng những hệ quả theo sau để có những hướng tiếp cận và giải quyết vấn đề đơn giản hơn. Một số lập luận về khả năng “giãn dân” của các khu đô thị, “thành phố mới”, nhưng trên thực tế “vết dầu loang” vẫn tiếp diễn ở các không gian đệm - vùng ven như hiện nay tại TP.HCM. Điều này có thể liên quan đến tính thiếu hiệu quả của công tác quy hoạch và quản lý, dựa trên một cơ chế quy hoạch theo phương thức truyền thống với hệ thống các bản đồ “dạng phẳng”, trong đó quy hoạch sử dụng đất đóng vai trò chính nhưng không đủ khả năng chuyển tải hết những ý tưởng quy hoạch, nhất là về tổ chức không gian theo chiều cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách quản lý cần dựa trên những nghiên cứu và tính toán xác định ra các giá trị lượng tính cụ thể làm cơ sở cho việc đề ra các chính sách. Nếu đô thị chỉ ưu tiên mở rộng diện tích theo diện rộng mà thiếu cân đối với phát triển chiều cao tại các khu vực đất thuận lợi thì quá trình đô thị hóa vùng ven dẫn đến những tác động đến hệ sinh thái tự nhiên (bao gồm cả diện tích mặt nước) là điều khó tránh khỏi. Và ngược lại, những tác động từ môi trường tự nhiên đến cuộc sống của con người ngày càng diễn ra phức tạp, như là một hệ quả tất yếu của quá trình tương tác hai chiều; mà những rủi ro và thiệt cũng chính là… do con người tạo ra.
4. Kết luận và kiến nghị
Con người là nhân tố cốt lõi trong quá trình hình thành và phát triển đô thị. Quá trình này cũng gắn liền với tăng dân số, nhất là tăng cơ học với xu hướng di dân từ các vùng lân cận với mục tiêu mưu cầu lợi ích kinh tế và tìm kiếm môi trường để phát triển. Đây chính là yếu tố tiền đề cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị đề ra các mục tiêu phát triển, mở rộng không gian của rất nhiều đô thị, từ khu trung tâm cũ (hình thành ở giai đoạn sơ khai) ra các khu vực xung quanh - vùng ven. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều khu vực thuộc vùng đất này đã không được ưu tiên xem xét phát triển khi đô thị mới được hình thành với nhiều lý do bất lợi liên quan đến điều kiện tự nhiên. Trong khi đó, việc cải tạo môi trường tự nhiên cục bộ sẽ có tác động đến sự ổn định và cân bằng của toàn đô thị; và có thể sẽ phải trả giá rất lớn cho những thiệt hại về con người và tài sản. Do đó, phát triển đô thị tại các khu vực này chắc chắn cần phải cân nhắc đến các yếu tố rủi ro về môi trường để giảm thiểu những rủi ro và tác động đến các cộng đồng định cư mới tại khu vực và toàn đô thị. Hơn nữa, cần xem xét đến mặt trái của quá trình này là sẽ tiếp đà cho xu hướng tiếp tục tăng dân số cho toàn đô thị. Đô thị càng tập trung dân cư, thì khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hay những hệ quả của ô nhiễm môi trường thì mức độ lan truyền hệ quả kinh tế - xã hội càng cao đến các khu vực khác (cả trong và ngoài nước). Điều này càng đặt ra thách thức cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị cần quan tâm hơn đến khả năng cân bằng phát triển đô thị, mức độ tập trung và phân bố dân số giữa các đô thị trong một vùng.
Đối với TP.HCM, mở rộng phát triển không gian đô thị tại vùng ven nếu thiếu kiểm soát và có giải pháp cân bằng hợp lý sẽ phải đối mặt với:
Nếu tăng dân số, mở rộng không gian đô thị là một xu hướng khó “ngăn chặn” thì những giải pháp căn cơ trong quá trình lập và quản lý quy hoạch (cả quy hoạch chung của vùng và thành phố) cần:
Tài liệu tham khảo
1. Asia Development Bank – ADB (2010). Ho Chi Minh City Adaptation to Climate Change. ADB, Philippines, ISBN: 978-971-561-893-9.
2. Bộ Tài nguyên & Môi trường - MNRE (2010). Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn. QCVN 26:2010/BTNMT.
3. Camagni R., Capello R., Nijkamp P. (1998). Towards sustainable city policy: an economy–environment technology nexus. Ecol. Econ. 24 (1), pp. 103–118. DOI: 10.1016/S0921-8009(97)00032-3.
4. Cao, D. T. (2017). Phần mềm ứng dụng GIS mô phỏng ô nhiễm tiếng ồn do giao thông. Tạp chí Môi trường số chuyên đề I.
5. Carey, I. M., Anderson, H. R., Atkinson, R. W., Beevers, S. D., Cook, D. G., Strachan, D. P., Dajnak, D., Gulliver, J., and Kelly, F. J. (2018). Are Noise and Air Pollution Related to the Incidence of Dementia? A Cohort Study in London, England. BMJ Open, vol.8(9), doi: 10.1136/bmjopen-2018-022404.
6. CEDR Project Group Road Noise (2012). Value for Money in Road Traffic Noise Abatement. Procedia - Social and Behavioral Sciences, Vol.4. DOI: 10.1016/j.sbspro.2012.06.1112.
7. Dockery, D. W. (2001), Epidemiologic Evidence of Cardiovascular Effects of Particulate Air pollution. Environmental Health Perspectives, vol. 109, pp. 483-486.
8. Duong, H. H., Nguyen, D. T. C., Nguyen, L. S. P., To, T. H. (2018). Fine Particulate Matter (PM2.5) in Ho Chi Minh City: Analysis of The Status and The Temporal Variation Based on The Continuous Data From 2013-2017. Science & Technology Development Journal: Natural Sciences, Vol 2, Issue 5., pp. 131 -137.
9. Duy P. N. (2015). Khả năng phục hồi nhanh của đô thị: Từ những thảm họa cho đến các bài học kinh nghiệm trong quá trình quy hoạch và quản lý không gian nhằm giảm thiểu rủi ro ngập lụt trong đô thị. Quy hoạch đô thị, Vol. 22-2015. Hiệp hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
10. Duy P. N., Chapman L., Tight M., Thuong L. V., and Linh P. N. (2017a). Increasing Vulnerability to Floods in New Development Areas: Evidence from Ho Chi Minh City. International Journal of Climate Change Strategies and Management, Vol. 10 (1), pp.197-212. Emerald. DOI: 10.1108/IJCCSM-12-2016-0169
11. Duy P. N., Chapman L., Tight M., Thuong L. V., and Linh P. N. (2017b). Urban Resilience to Floods in Coastal Cities: Challenges and Opportunities for Ho Chi Minh City and other Emerging Cities in Southeast Asia. Journal of Urban Planning and Development, Vol. 44 (01), ASCE. DOI: 10.1061/%28ASCE%29UP.1943-5444.0000419
12. Duy P. N., Chapman L., Tight M. (2018). Resilient Transport System to Reduce Urban Vulnerability to Floods: A Case Study of Ho Chi Minh City, Vietnam. Travel Behavior and Society, Vol 15 (2019), pp. 28 – 43. Elsevier. DOI: 10.1016/j.tbs.2018.11.001
13. Duy P. N. (2019a). Developing Flood Resilience Transport System for coastal cities: A Case Study of Ho Chi Minh City, Vietnam. PhD thesis to University of Birmingham. URL: https://etheses.bham.ac.uk/id/eprint/9164/9/Duy2019PhD_Redacted.pdf
14. Duy P. N. and Proverbs D. (2019b). Những ảnh hưởng của giải pháp bờ kè đối với vấn đề ngập trong đô thị: Bài học kinh nghiệm cho TP.HCM từ thất bại của các hệ thống bảo vệ tại một số đô thị trên thế giới. Kỷ yếu hội thảo Quy hoạch và Phát triển bờ kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành, pp. 212 – 216. URL: https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/Media/Uploads/H%C3%ACnh%20H%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o%20-%20H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B/2019%20-%20b%E1%BB%9D%20s%C3%B4ng%20SG%20den%202015/kiyeu_hoithao_bsong%20SG-%C4%91%C3%A3%20n%C3%A9n.pdf
15. General Statistic Office of Vietnam – GSOV (1976 - 2015). Population of Ho Chi Minh from 1986 – 2015 (data extracted).
16. Investment and Trade Promotion Center of HCMC (2015). Ho Chi Minh City at A Glance – 2015 (online). URL: http://www.itpc.gov.vn/investors/Bussiness_Environment/index_html/?set_language=en
17. Nguyễn, Đ. T. (2007). Xây dựng Bản đồ hiện trạng tiếng ồn tại TP.HCM. Viện Môi trường & Tài nguyên.
18. Nguyen, T. H. G. and Nguyen, T. K. O. (2014). Roadside Levels and Traffic Emission Rates of PM2.5 and BTEX in Ho Chi Minh City, Vietnam, Atmospheric Environment, vol. 94, pp. 806–816.
19. Nicholls, R. J. (2011). A Global Ranking of Port Cities With High Exposure to Climate Extremes. Climatic Change, Vol. 104, pp. 89-111, doi: 10.1007/s10584-010-9977-4.
20. Phi, H. L. (2013). Urban flood in Ho Chi Minh City: causes and management strategy. Vietnamese Journal of Construction Planning, Vol. 63, pp. 26-29, Hanoi. (In Vietnamese).
21. Steering Center of Flood Control Program of Ho Chi Minh City – SCFC (2016). Flooding reports for the events in 15th September 2015, and in 26th September 2016.
22. Storch, H. and Downes, N.K. (2011). A scenario-based approach to assess Ho Chi Minh City urban development strategies against the impact of climate change. Cities, Vol. 28, pp. 517-526, doi: 10.1016/J.CITIES.2011.07.002.
23. Thinh N.X, Bräuer A. and Teucher V. (2009). Introduction into Work Package Urban Flooding of the BMBF Megacity Research Project Ho Chi Minh City. Environmental Informatics and Industrial Environmental Protection: Concepts, Methods and Tools. Berlin: Shaker Verlag, ISBN: 978-3-8322-8397-1
24. Trân, T. N. H. và Trương T. H. (online). Viết thêm về quy hoạch Coffyn 1862. URL: http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=e6d3c081-a50d-4732-b0b7-5514012ff99b&groupId=13025
25. Trương H. T (online). Đô thị hóa vùng ven đô: Nghiên cứu sự biến đổi kinh tế - xã hội qua trường hợp xã Bà Điểm (Hóc Môn) và Vĩnh Lộc A (Bình Chánh). Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (online). URL: http://v1.ou.edu.vn/ncktxh/Documents/Seminars/Truong_Do%20thi%20hoa%20vung%20ven%20-%20nghien%20cuu%20su%20bien%20doi.pdf
26. United Nations (2018). World Urbanisation Prospects – Highlights. New York: UN. URL: https://www.un.org/development/desa/en/news/population/2018-revision-of-world-urbanization-prospects.html
27. Van T. T., Lan H. T. and Trung L. V (2011). Changes of Temperature on Urban Surface during Urbanization by Satellite Method: A Case Study of Ho Chi Minh City (translated from Vietnamese). Journal of Earth Sciences of Vietnam, Vol. 33(3), 347-359
28. Viet, L. V. (2008). The Urbanization and Climate Changes in Ho Chi Minh City. Proceedings TEDI of the 10th Conference of Res. Inst. Of Hydrology and Environment, pp. 369 - 375.