Đổi mới công cụ và phương pháp quy hoạch để phát triển bền vững phát triển

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục

ĐHQG HN

I. TẠI SAO PHẢI THAY ĐỔI TƯ DUY QUY HOẠCH TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG?

- Thử lý giải về sự phát triển tư duy Quy hoạch thế giới.  

Theo từ điển Oxford English  ta sẽ thấy có ba nghĩa như sau đối với danh từ “plan” và động từ “to plan” : 1) Đó là mặt bằng của một vật thể không gian (physical object); 2) Đó là sự sắp xếp các hoạt động để đạt được một mục tiêu với nghĩa: dự định, dự kiến, dự trù, kế hoạch, phương kế. 3) Nghĩa thứ ba chỉ “dự án”,“đề án”, “phương án” vừa có nghĩa của một bản vẽ thiết kế, vừa có ý nghĩa của một bản định hướng cho việc thực hiện dự định xây dựng.

Cho nên Peter Hall - một giáo sư người Anh nổi tiếng đưa tư duy kinh tế vào QH những năm 80, thế kỷ 20 đã lý giải như sau: “QH có liên quan tới việc hoàn thành một cách có chủ tâm một mục tiêu nào đó và được tiến hành bằng cách tập hợp các hành động lại thành một chuỗi có trật tự của các hành động QH” [14]. QH thường được vận dụng để  định vị các vật thể trong không gian như các khu chức năng hoặc cả một đô thị gọi là Quy hoạch vật thể (spatial planning), nhưng rất nhiều loại quy hoạch khác, cần nhiều sơ đồ, ký hiệu, biểu đồ nhưng không cần bản vẽ khi QH được vận dụng vào rất nhiều các hoạt động kinh tế, phát triển:“quy hoạch chiến lược” (strategic planning), quy hoạch sách lược (policy planning), quy hoạch đầu tư (investment planning), quy hoạch tham dự (participative planning).

Về sự chuyển đổi tư duy QH, David Golschalk – Giáo sư QH người Mỹ cũng khẳng định:

“Các KTS tưởng tượng thế giới không tưởng của mình hoặc dùng sự phóng tác của nghệ sỹ cho các chủ đề Quy hoạch của họ. Các nhà khoa học cơ bản lại có thể bất chấp các điều kiện chính trị và xã hội khi chỉ quan tâm tới các biến số tri thức có tính chính xác của họ. Bởi vậy, khi quan niệm quy hoạch về cơ bản là một quá trình xã hội, chúng ta cứ phải khẳng định nhiều lần rằng: Vai trò và các sản phẩm QH kiểu cũ  không còn thích hợp nữa trong bối cảnh môi trường xã hội phức tạp, thay đổi và thường là bất định”. 

Như vậy từ lý thuyết xã hội của Edgar Morin đến lý thuyết QH cũng chỉ ra sự thay đổi tư duy QH là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển.

- Sự thất bại của phương pháp quy hoạch tổng thể kiểu truyền thống. Sự đối đầu giữa hai phương pháp

Phương pháp truyền thống áp dụng cho lập quy hoạch đô thị trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội được gọi chung là phương pháp quy hoạch tổng thể. Thực ra, quy hoạch kiểu này đã phôi thai và hình thành từ 2500 năm nay, nên còn gọi là phương pháp quy hoạch cổ điển. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, nó đã biến chuyển để dần trở thành quy hoạch tổng thể  và được nhận dạng như sau:

 - Tất cả các định hướng quy hoạch đều được mặt bằng hóa thành những phân khu chức năng dựa vào tính hợp lý đô thị hoặc hoạt động lãnh thổ.

- Thời hạn quy hoạch quá dài, và được pháp lý hóa (phê duyệt và bắt buộc chấp hành). Tính pháp lý cao nên cố định các điều kiện đầu tư phát triển dẫn đến cứng nhắc trong thời hạn thực hiện. Về bản chất, quy hoạch này lại do các Kiến trúc sư lập cho các nhà quản lý, nhưng nó mang tính kỹ trị  do nó được coi là một công cụ kỹ thuật hơn là công cụ điều hành quản lý. (Bản chất quan hệ kỹ thuật là quan hệ máy móc, quan hệ kinh tế-chính trị là quan hệ xã hội).

- Mang tính thứ bậc cứng nhắc từ cấp quy hoạch, quy hoạch tổng thể cho đến quy hoạch chi tiết, nặng về thiết kế, nhẹ về thực hiện và muốn áp dụng nó phải liên tục điều chỉnh để bắt kịp tốc độ của dự án đầu tư vốn biến động theo thị trường.

 - Ít đánh giá được chi phí thực hiện quy hoạch và các dự án đề ra trong quy hoạch do không có khả năng tổ chức kế hoạch thực hiện.

Quy hoạch quốc tế cuối thập kỷ 1970 phê phán phương pháp quy hoạch tổng thể, cho là nó đã thất bại trong thực tiễn do tách rời quy luật toàn cầu hóa và kinh tế thị trường. Các nhà lãnh đạo, các nhà chính trị, các nhà quản lý, các cơ quan thực hiện, các nhà đầu tư và người dân có liên quan rất ít điều kiện được tham gia một cách có ý nghĩa vào tiến trình lập quy hoạch, và “không ai cả” có trách nhiệm thực hiện quy hoạch. Đặc biệt thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa kế hoạch kinh tế – xã hội với quy hoạch phát triển không gian, hay nói cách khác “không gian kinh tế” chưa bao giờ trùng khít với “không gian quy hoạch”.

Do đó nhiều đồ án quy hoạch tổng thể kiểu cũ đã không thể thực hiện được vai trò phối hợp thông tin, dung hòa các lợi ích, ấn định thứ tự ưu tiên, tạo sự đồng thuận và huy động và phân bổ nguồn lực vốn luôn hạn hẹp.

II. ĐỊNH NGHĨA LẠI QH THEO QUAN ĐIỂM MỚI ĐỂ: THAY ĐỔI TƯ DUY “LẬP QH” SANG “TIẾN TRÌNH QH”, TỪ  QH CÓ TÍNH “RÀNG BUỘC” SANG  “TƯƠNG TÁC CHIẾN LƯỢC”

Bối cảnh thế giới thay đổi thôi thúc yêu cầu đổi mới về nội dung quy hoạch, từ phương pháp quy hoạch tổng thể sang phương pháp quy hoạch chiến lược. Đổi mới phương pháp quy hoạch cũng kéo theo sự thay đổi tư duy phát triển trong quy hoạch lãnh thổ - vốn là hệ quả của đô thị hoá toàn cầu, tăng trưởng kinh tế phi tập trung, liên kết vùng và sự xuất hiện của hiện tượng phân cực. Bằng công cụ quy hoạch không gian, các nhà quy hoạch kiểu cũ có thể tiên liệu “tương lai bất biến” một cách tự tin, đưa ra các chính sách và ấn định không gian cho các giai đoạn phát triển, cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, điều này trở nên ngày càng khó khăn trong nền kinh tế toàn cầu năng động và không ngừng thay đổi, quy hoạch truyền thống không có khả năng thích ứng với biến động của tương lai “bất định” nên cần công cụ chiến lược để đi từ tổng thể đến các nhu cầu cụ thể một cách linh hoạt và tạo động lực tham gia phát triển

1- Các quan điểm thay đổi tư duy qui hoạch hiện đại: Chúng ta phân tích ba sơ đồ thay đổi tư duy Quy hoạch bằng cách thay đổi phương thức tiến hành QH của ba nhà QH tiên phong thập nên 80 thế kỷ 20: Brian Mcloughlin, George Chadwick  và Alan Wilson. Từ ba sơ đồ tư duy nêu trên, khẳng định tư duy chiến lược chiếm trọng tâm trong tư duy QH mới.

2- Chính vì vậy, quy hoạch được định nghĩa lại:

“Quy hoạch là một hoạt động nhằm tạo ra một chuỗi có trật tự các hành động dẫn dắt tới sự thực hiện một hay nhiều mục tiêu đã dự kiến. Kỹ thuật quy hoạch là thiết lập các báo cáo bằng văn bản (written statements) được bổ sung theo nhu cầu những dự báo thống kê, những công thức toán, những đánh giá số lượng và những biểu bảng minh họa cho các quan hệ giữa các bộ phận khác nhau của dự án. Nó có thể, nhưng không nhất thiết phải bao gồm các bản vẽ không gian chính xác của các đối tượng” [14]  

Quan điểm QH mới được nhiều nhà lý luận khẳng định: Quy hoạch là một tiến trình xã hội (social process) do chuỗi các hành động của quy hoạch được dẫn hướng (guideline) và đặt vào một sơ đồ dòng chảy của tiến trình đó:  mục tiêu - thông tin liên tục - hình thành và mô hình hóa các phương án cho tương lai - đánh giá - lựa chọn - theo dõi liên tục để thực hiện và điều chỉnh.

Đặc biệt đổi mới  phương pháp và nội dung QH luôn được đặt ra trong quá trình phát triển lãnh thổ, các mục tiêu cần lồng ghép, tích hợp vào tiến trình QH ngày càng nhiều như: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, xã hội hóa đầu tư công…

Chúng tôi muốn đưa một định nghĩa phổ quát hơn cho QH từ những năm 90 trở lại đây (do quan niệm QH này chuyển đổi theo trường phái Anh-Mỹ đang phổ biến hơn cả): “Quy hoạch là một hoạt động nhằm tạo ra một chuỗi có trật tự các hành động dẫn dắt tới sự thực hiện một hay nhiều mục tiêu đã dự kiến. Các kỹ thuật chính của quy hoạch là các văn bản tường trình (written statements) được bổ sung theo nhu cầu những dự báo thống kê, những tính toán toán, những đánh giá, số lượng và những biểu bảng minh họa cho các quan hệ giữa các bộ phận khác nhau của dự  án QH. Nó có thể, nhưng không nhất thiết phải bao gồm các bản vẽ không gian chính xác của các đối tượng vật thể” (Peter Hall, 1992)- Theo GS. Sir Peter Hall, Đại học Tổng hợp London, Chủ tịch Hiệp hội Đô thị và Nông thôn Vương quốc Anh định nghĩa.

III.  QUY HOẠCH CHIẾN LƯỢC TÍCH HỢP VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG TẠI VN NHƯ MỘT THAY ĐỔI PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ CÔNG CỤ QH

III.1. Hình thành trong bối cảnh kinh tế thị trường với tư duy như một nhận thức chiến lược

1- Lược sử hình thành

Ra đời ở Mỹ từ những năm 60 thế kỷ XX vì đô thị hóa mạnh mẽ, sau đó phát triển mạnh để tăng tính thị trường đầu tư và tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đến thập niên 1980, nước Anh đã thiết lập các bộ luật Quy hoạch theo phương pháp này, cùng với Mỹ áp dụng cho Quy hoạch đô thị theo CDS (City development strategy). Quan điểm của phương pháp này là coi trọng hoạt động đầu tư của một đơn vị lãnh thổ và hướng tới bền vững tài nguyên, cân bằng xã hội. Lãnh thổ được coi là môi trường đầu tư và hoạt động như kiểu doanh nghiệp.

Tóm lại, nhờ vào khả năng định hướng chung mà sự ra đời của quy hoạch chiến lược đối với khu vực Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Khi kinh tế hội nhập và thị trường hóa, phương pháp Quy hoạch chiến lược đã trở thành công cụ quản lý phát triển một cách hữu hiệu (kể cả việc thành lập những “khu vực tự do”, “đặc khu kinh tế”, v.v…). Dần dần Chính phủ sử dụng các quy hoạch sách lược (policy planning), quy hoạch đầu tư (investment planning), quy hoạch tham dự (participative planning), Quy hoạch ngành (special planning)....để quản lý phát triển. Mặc dù có những khác biệt đối với từng đối tượng, nhưng quy hoạch chiến lược là một phương pháp phù hợp cho tất cả các cấu trúc tổ chức, vì nó cho phép họ đạt được mục tiêu chung cụ thể và lâu dài, còn các nguồn lực luôn được kiểm soát trong giới hạn của ngưỡng sinh thái hay ngưỡng đầu tư...

2- Tư duy chiến lược và các công cụ sử dụng trong QH chiến lược tích hợp

- Tư duy chiến lược tích hợp cho phép có được một mức độ nhận thức bao trùm các hoạt động, nhu cầu của cá thể đến các tổ chức phức hợp, cho phép có được cái nhìn độc đáo về cách giải quyết các vấn đề và thách thức đi kèm, là đưa ra các định hướng giải pháp tổng thể. “Tư duy chiến lược là một quá trình tìm kiếm sự hiểu biết rõ ràng về một thành tố nào đó trong một tình huống nhất định và sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có để tái thiết thành tố đó một cách ý nghĩa và thuận lợi nhất. Tư duy chiến lược tốt là nắm chắc tình hình hiện tại và xem xét nhiều khả năng thay đổi.”; và “tư duy chiến lược được sử dụng để định ra viễn cảnh chiến lược dưới 3 hình thức: tư duy chính thể luận, tư duy dài hạn và tư duy đổi mới.”[1]. Vấn đề quan trọng không chỉ là có quy hoạch, mà là sử dụng công cụ quy hoạch để đạt được mục tiêu như thế nào “Thiếu vắng chiến lược, một tổ chức hay một cấu trúc giống như một con thuyền không có bánh lái ” Joel Ross & Micheal Kami.

- Các công cụ sử dụng trong QH chiến lược được xây dựng và lựa chọn cho toàn bộ quá trình quy hoạch: Xác định các mục tiêu chính (Tầm nhìn, tiềm năng và kịch bản phát triển), phương pháp thực hiện (Hệ thống chính sách), các nguyên tắc và các giá trị cơ bản (Hệ thống chiến lược tổng thể và thành phần) nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Các công cụ này được phát triển dựa trên nền tảng lý thuyết của các mô hình phát triển theo từng thời kỳ, cụ thể là: Mô hình Dror (năm 1968) minh hoạ sự khó khăn và bất định, đo lường các dự báo trong lĩnh vực được quy hoạch, nhất là, các yếu tố phi lý gắn liền với lựa chọn thực sự sáng tạo; Mô hình Etzioni (1968) đề xuất về vấn đề chính yếu, riêng biệt và cụ thể, dựa trên phân tích tính khả thi của các hành động khác nhau được ưu tiên trong tầm nhìn đã được thiết lập, nhằm kiểm tra lại danh sách dự án ưu tiên trong khung chiến lược; Mô hình Friend và Jessop (1969) ủng hộ một quá trình liên tục phân tích chi tiết về vấn đề chiến lược quan trọng mà  chính quyền địa phương là chủ thể quy hoạch; cuối cùng, Mô hình Poter (1981) đưa ra phương pháp rõ ràng nhằm thiết lập một khung chi tiết về trường mục tiêu và chiến lược quy hoạch.

- Định nghĩa về phương pháp luận QH theo Quy hoạch chiến lược tích hợp:

Rời bỏ tính xơ cứng của quy hoạch cổ điển, Rem Koolhaas phát biểu:“Quy hoạch chiến lược là quá trình xác định tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược, các chính sách và chiến lược hành động của một cấu trúc lãnh thổ trong phát triển (Theo địa giới hành chính hay theo đặc trưng) để sở hữu, sử dụng và sắp xếp hợp lý nhất các nguồn tài lực lãnh thổ,  nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đề ra” [12].

Theo định nghĩa này, quy hoạch chiến lược cho phép một cấu trúc lãnh thổ (xác định được ranh giới) có phương hướng phát triển lâu dài và bền vững dựa trên các yếu tố cơ bản sau:

- Có chung tầm nhìn và chiến lược tổng thể, để tiến đến mục tiêu phát triển chung với sự đồng thuận của các tác nhân tham gia (doanh nghiệp, chính quyền, chuyên gia và các công dân).

 - Đánh giá tiềm năng nguồn lực chung, các chỉ số phát triển và đánh giá được tiềm năng của tác nhân tham gia đầu tư phát triển trong bối cảnh cụ thể của lãnh thổ.

 - Đưa ra khung pháp lý và chính sách theo quy chế dân chủ tự nguyện với sự tham gia chủ động của các tác nhân, các cấp quy hoạch để phát triển lãnh thổ, trong đó có cả chủ thể chính quyền –tác nhân và đối tác quy hoạch.

3. Hai yếu tố nội hàm chính của quy hoạch chiến lược tích hợp:

đánh giá tiềm năng,khả năng và, xác định mục tiêu. Mặc dù đây là hai yếu tố quyết định chất lượng, nhưng cũng cần phải nhắc đến ba chức năng quản lý còn lại của nó là: tổ chức, phối hợp và kiểm soát (Planning - Organization - Co-ordination – Control).

 Như vậy, “Quy hoạch chiến lược” với bản chất của nó là đề xuất các mục tiêu cơ bản nhất, bao trùm nhất của một tổ chức lãnh thổ, từ đó lập các chính sách, các giải pháp cơ bản và kế hoạch hành động để đạt mục tiêu đó. Và quy hoạch chiến lược không do các kiến trúc sư lập, mà cần rất, rất nhiều các chuyên môn khác và các tổ chức đầu tư tham gia dưới sự điều hành chung của các nhà quản lý để đi đến đồng thuận chiến lược tổng thể phát triển, cụ thể hóa các chiến lược thành phần trong thực tế .

4. Đặc điểm của quy hoạch chiến lược

- Linh hoạt tuỳ theo bối cảnh: Quy hoạch chiến lược cho rằng để thành công, một tổ chức cần cân bằng sức mạnh, yếu điểm, tầm nhìn và bấp bênh, rủi ro bên ngoài, gắn với bối cảnh. Họ cần hiểu những thay đổi khách quan và các tiềm năng để thích ứng cho phù hợp. Do đó, không chỉ dừng lại ở những kịch bản, dự báo ban đầu, mà phải quán xuyến toàn bộ quá trình, nhất là hoạt động giám sát thực hiện quy hoạch.

- Định hướng kết quả: Trước đây trong quy hoạch truyền thống, giám sát chủ yếu là để đảm bảo các đầu vào cần thiết được cung cấp cho quy hoạch và các hoạt động khác nhau được thực hiện theo kế hoạch (buộc tuân thủ thực hiện). Nhưng quy hoạch chiến lược lại đặt trọng tâm ở kết quả có tính mục tiêu cuối cùng, bao gồm kết quả trực tiếp, kết quả gián tiếp và tác động dài hạn (ví dụ: số công trình được xây dựng, tỷ lệ tăng trưởng tăng và tăng chỉ tiêu phát triển trên dân số). Các kết quả này thường được đánh giá bằng công cụ SMART.

 - Khả năng huy động tối đa: Quy hoạch chiến lược không thể thành công với sự cô lập của một vài chuyên gia. Nó là một quá trình phát triển cho phép tương tác, học hỏi, mở ra các kênh mới về truyền thông và đối thoại nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và ý thức sở hữu những gì được quy hoạch, và phổ biến tư duy chiến lược của các tổ chức - cấu trúc chính của quy hoạch.

 - Năng động trong thực hiện: Quy hoạch chiến lược dựa trên ý tưởng là không có bất kỳ một bản đồ quy hoạch tổng thể cuối cùng và hoàn hảo nào. Bởi lẽ bối cảnh quốc tế và từng quốc gia trở nên quá phức tạp và không thể dự đoán, nên cần tiến hành bằng các công cụ đánh giá tiềm năng để có thể đưa ra “phỏng đoán thông minh”, “kịch bản thông minh”. Một báo cáo quy hoạch chiến lược trung hạn đặt ra các mục tiêu cuối cùng tổng quát, nhưng nó không chỉ ra các bước chính xác bắt buộc tuân thủ để đạt mục tiêu theo kiểu kế hoạch hoá. Nó lựa chọn những mục đích cuối cùng và tự bản thân, nó cho phép thích ứng với cả quá trình kể cả khi các hoạt động ban đầu thay đổi theo khó khăn và cơ hội trong thực tiễn, nhưng vẫn không đi lệch khỏi mục tiêu ban đầu. Do đó, việc phát triển kế hoạch hoạt động thường niên là một phần quan trọng của quá trình lập quy hoạch chiến lược.

5. Quy trình và nội dung của quy hoạch chiến lược trong “tiến trình quy hoạch” các cấp:

Theo các sách hướng dẫn và theo tổng hợp của tác giả, nội dung của quy hoạch chiến lược chính là thiết lập một “tiến trình quy hoạch” (Không phải thuyết minh, bản đồ, bản vẽ mà là những thỏa thuận hành động có tính chiến lược). Một “tiến trình quy hoạch” tốt có thể  có các bước cơ bản như sau:

Bước 1- Xây dựng Tầm nhìn và thỏa thuận Khung kế hoạch cho công tác lập quy hoạch: Để đi đến một bản ghi nhớ với những người ra quyết định trọng yếu về những mục tiêu chiến lược tổng quát, các mục tiêu chiến lược thành phần, và các bước đi chính trong “tiến trình lập quy hoạch”. Mục tiêu chiến lược tổng quát thường gọi là tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch.

Bước 2-  Xác định nhiệm vụ và tạo cơ chế tương tác (Chính sách) của các tác nhân hay cộng đồng,  tổ chức tham gia quy hoạch: Xác định  chức năng, nhiệm vụ của các tác nhân, tổ chức tham gia và quy chế tương tác vào “tiến trình quy hoạch”. Thiết lập theo Nhóm các tổ chức có trách nhiệm tương đương để lập sơ đồ phân bổ trách nhiệm, xác định các mục tiêu “trắng”, các chồng chéo và các điểm tiềm năng bằng các đánh giá định lượng (Chỉ số, dự báo, kịch bản).

Bước 3-  Xác định mục đích của các tác nhân,tổ chức tham gia quy hoạch (theo kế hoạch hành động hay quy hoạch tham gia): Xem họ (kể cả chính quyền) muốn gì ở đồ án quy hoạch và có nguồn lực gì để thực hiện nhiệm vụ chức năng của mình được giao. Các mục đích này có tính cụ thể, tính hành động, trong khuôn khổ chiến lược chính để thiết lập cơ chế thực hiện quy hoạch, tạo điều kiện cho quy hoạch dễ thực hiện, tránh quy hoạch trên giấy.

 Bước 4-  Tiến hành đánh giá và  phân tích xác định tiềm năng để xây dựng các kịch bản định lượng cho phát triển  (Bằng các công cụ khác nhau như: SWOT, Ecological footprint (gồm nhiều thành phần như land, energy, v.v.), Carbon footprint, Life-cycle analysis….) và các Bộ chỉ số đánh giá (Sức chứa, ngưỡng và tối ưu hóa nguồn lực phát triển). Bởi qua con đường khoa học này mới đủ độ tin cậy và khả thi để đưa các mục tiêu chiến lược vào thực tế quy hoạch, đi đến lựa chọn đầu tư hay các chiến lược hành động.

Bước 5-  Xác định các chủ đề chính và các chủ đề theo thứ tự ưu tiên: Sau khi xác định các chiến lược phát triển trên cơ sở tiềm năng phát triển, cần phân nhóm các vấn đề cơ bản mà quy hoạch phải đề cập như: kinh tế, xã hội, quốc phòng, môi trường, không gian đô thị, nông thôn, đất đai, hạ tầng, đầu tư, quản lý v,v…Các vấn đề này gọi là các chủ đề. Tiến hành phân tích lựa chọn các chủ đề theo thứ tự ưu tiên (Chủ đề cốt lõi và chủ đề ưu tiên theo thứ thự) để xác định các chiến lược cụ thể của từng chủ đề quan trọng. Soạn thảo danh mục các ưu tiên chiến lược để làm cơ sở cho các bước tiếp theo.

Bước 6- Hình thành chiến lược quản lý tiến trình quy hoạch và phân bổ nguồn lực: Xây dựng một chiến lược quản lý sau khi đã xác định mục tiêu của các chiến lược là xem xét các phương án, các giải pháp để đạt mục tiêu ban đầu đề ra; Xác định các phương án chọn; Đề xuất các hành động chiến lược chung và thành phần; Xác định chương trình làm việc; Xác định các kế hoạch và dự án cụ thể.

Bước 7-  Lập kế hoạch hành động trên cơ sở thỏa thuận các tiêu chí và các chuẩn đánh giá: Phát triển hợp tác, cưỡng chế các tác nhân và tổ chức hành động tùy tiện; Xây dựng mạng lưới thông tin quy hoạch; Kêu gọi đầu tư và nguồn vốn tài chính phát triển; Tổ chức kiểm tra, đánh giá và giám sát thực hiện và đề xuất điều chỉnh trong tiến trình thực hiện các chiến lược; 

Tài liệu tham khảo

  1. "Report on the 2008 National Spatial Policy Seminar" (2009) National and Regional Planning Bureau, MLIT, Japan;
  2. "Local Authorities for International Relations Forum", CLAIR, Japan Overseas Offices (Beijing);
  3. The Directorate General of Spatial Planning of the Ministry of Public Works of Indonesia;
  4. 2008 Annual report on the planning and use of national territory", Ministry of Land, Transport, and Maritime Affairs, Korea;
  5. Kuala Lumpur City Hall (2004) "Kuala Lumpur Structure Plan 2020";
  6. Metro Manila Development Authority "Physical Framework Plan for Metropolitan Manila, 1996-2016".
  7. Allmendinger, p. và Tewdwr-Jones, M., 2002. Planning Futures: new dỉrections for Plannỉng Theory, Routledge, London, VQ Anh.
  8. Archibugi, F., 2005. Planning Theory: from the polỉtỉcal debate to the methodological reconstruction, NXB Springer, Milan, Italy.
  9. Banister, D., 2002. Transport Planning, NXB E.&F.N SPON,New York, Hoa Kỳ.
  10. UNEP, Sida, và COBSEA, 2011. Spatial Planning ỉn the Coastal Zone of the East Asian Seas Region: integrating emerging issues and modern managegent approaches, Ấn phẩm tạm thời, NXB UNEP, Philippines.
  11. EC, 1999. European Spatial Development Perspective: towards balanced and sustaỉnable development of teriory of the European Union, Luxembourg.
  12. Gilg, A.w., 2005. Planning in Brỉtain: understanding & evaluatỉon the post- war system, NXB Sage, London, Anh.
  13. Glasson, J. và Marshall, T., 2007. Regional Plannỉng, NXB Routledge, Oxíòrdshire, VQ Anh.
  14. Palermo, p.c. và Ponzini, D., 2010. Spatial Planning and Urban Development, NXB Springer, Dordrecht, Hà Lan.
  15. Staveren, J.M.V. và Dusseldorp, D.B.W.M.V, 1980. Framework for Regional Planning in Developing Countries, NXB ILRI, Wageningen, Hà Lan.
  16. Taylor, N., 1998. Urban Plannỉng Theory sỉnce 1945, NXB Sage, London, VQAnh.
  17. UN, 2008. Spatiaỉ Plannỉng: key ỉnstrument for development and effectỉve governance with special reference to countries in transỉtỉon, Geneva, Thụy Sỹ.
  18. Hamzah, E., Jaafar, M.N.B. và Ali,      2012. “Identiíying the criteria for critical inírastructure selection”, International Real Estate Conference, Kuala Lumpur, Malaysia, 9-10 tháng 6.
 

[1] Trích dẫn từ Sổ tay hướng dẫn lập quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh ở Việt Nam, Dự án No.P109056 của Ngân hàng Thế giới, tháng 01/2009.

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 115+116))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website