Quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại các đô thị lớn ở Việt Nam

TS.KTS. Vũ Hoài Đức

Underground construction space planning in the big cities in Vietnam

Dr. Arch. Vu Hoai Duc

Underground space (KGN) and Urban underground space (KGNĐT) are the upper part of the lithosphere used by humans to build underground works, as foundations for surface works and to exploit mineral resources to serve urban development. Reasonable use of underground space has become a very important issue for all big and modern cities in the world, including Vietnam.

Keywords: Underground space, Underground construction space

 

Đặt vấn đề

Không gian ngầm (KGN) và Không gian ngầm (trong) đô thị (KGNĐT) là phần trên của thạch quyển được con người sử dụng để xây dựng công trình ngầm, làm nền móng cho những công trình bề mặt và khai thác tài nguyên khoáng sản phục vụ cho phát triển đô thị. Sử dụng hợp lý KGN đã và đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng của tất cả các đô thị lớn và hiện đại trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Từ khóa: Không gian ngầm, Không gian xây dựng ngầm

1.            Thực trạng quy hoạch, khai thác không gian ngầm tại các đô thị ở Việt Nam

Các đô thị ở Việt Nam nói chung, hầu hết chưa có quy hoạch, quy định việc sử dụng hợp lý KGN; chưa có cơ quan được giao trách nhiệm quản lý, khai thác sử dụng KGNĐT. Việc khai thác KGN hiện chỉ mới ở mức độ sơ khai với việc chôn lấp các tuyến đường dây hạ tầng kỹ thuật, làm tầng hầm của nhà và bước đầu xây dựng các công trình giao thông ngầm như: hầm chui cho xe cơ giới, hầm cho người đi bộ (Hình 1) và tuyến đường sắt đô thị kết hợp giữa đi ngầm với đi nổi tại hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

KGN là một lĩnh vực mới trong việc xây dựng thành phố ở Việt Nam, là tài nguyên không gian quý báu có thể truyền lại cho đời sau. Ở các thành phố lớn, việc xây dựng những hạ tầng cơ sở ngầm để ứng phó với vấn đề môi trường cũng như để giảm mật độ sử dụng đất trên bề mặt đất, duy trì phát triển kinh tế là một việc không thể thiếu.

Một trong những tuyên bố của Hội nghị quốc tế về việc xây dựng thành phố dưới lòng đất năm 1991 tại Tokyo có nêu: “KGN là không gian bị giới hạn nên một khi đã khai thác và xây dựng thì rất khó thay đổi. Vì thế, chúng ta cần phải có cái nhìn xa trong việc quy hoạch thành phố một cách tổng thể. Hơn nữa, việc đánh giá sử dụng KGN có hiệu quả hay không phải dựa trên sự đánh giá về sử dụng công trình công cộng ngầm và đất sở hữu tư nhân cả đất nổi và ngầm, kết hợp đất của nhà nước cũng như đất của dân là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay”.

Nhận định này soi chiếu với thực trạng xây dựng, khai thác KGXDN mang tính đơn lẻ, chưa có quy hoạch tại các đô thị Việt Nam hiện nay, còn nguyên giá trị khoa học.

Thực vậy, tại các trung tâm đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, phần lớn các công trình cao tầng đều có tầng hầm, nhưng đại bộ phận mới có chức năng phục vụ đỗ xe, rất ít các chức năng khác phục vụ công cộng lại chỉ mang tính cục bộ thiếu liên kết với nhau mặc dù tập trung với mật độ dày đặc trên một số khu vực (Hình 2) hay tuyến đường mới mở. Điều đó làm giảm hiệu quả sử dụng KGNĐT trên bình diện công cộng.

Với các tuyến đường sắt đô thị ngầm ở Hà Nội và TP.HCM, khi xác định hướng tuyến hoặc sẽ phải tránh các công trình có tầng hầm, móng kiên cố đã xây dựng, hoặc phải giải phóng mặt bằng, phá bỏ chúng rất tốn kém. Mặt khác, nếu không tính toán việc kết nối các không gian xây dựng ngầm hiện hữu với ga ngầm của các tuyến đường sắt đô thị thì sẽ không nâng cao được hiệu quả trong sử dụng các đặc tính ưu việt của chúng. Ví dụ như hiện nay, ở Hà Nội, khi xây dựng ga ngầm Ngọc Khánh của tuyến đường sắt đô thị số 3, không kết nối với tầng hầm của tổ hợp Vincom Metropolis, khách sạn Daewoo, hay cao ốc Lotte… xung quanh là sự lãng phí lớn trong sử dụng KGN và tính hiệu quả tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào sử dụng.

2.            Khó khăn trong phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị ở Việt Nam

Quy hoạch, phát triển và khai thác KGXDN đô thị tại Việt Nam nói chung mới ở bước đầu. Do vậy, có thể nói khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

-              Khó khăn đầu tiên là sự phụ thuộc vào việc phát triển thành phố trong tương lai. Tức là sự đồng bộ giữa quy hoạch không gian nổi với KGXDN, hay nói rộng hơn là sự đồng bộ giữa nhiều lĩnh vực với việc thực hiện, khai thác KGN.

-              Điều này cũng dẫn đến khó khăn thứ hai là công tác phối hợp. Các tổ chức, ban, ngành, các nhà khoa học cần hợp tác với nhau trong triển khai thực hiện; chưa kể phải kết hợp với các nước tiên tiến đã có kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng công trình ngầm.

-              Khó khăn thứ ba là việc xây dựng KGN một cách hiệu quả, an toàn, cần phải tiến hành nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật xây dựng mới, hiện đại. Và một trong những hệ quả, chính là dẫn đến nguồn lực về tài chính và con người cho việc thực hiện là rất lớn, lớn hơn nhiều cho đầu tư xây dựng các công trình thông thường. Trong khi tại nhiều đô thị lịch sử ở Việt Nam, các công trình ngầm hiện hữu đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sinh hoạt đời sống và xây dựng phát triển, kỹ thuật xây dựng còn rất lạc hậu.

-              Mặt khác, điều kiện địa kỹ thuật môi trường của các đô thị có nhu cầu cấp bách phát triển KGXDN như Hà Nội và TP.HCM vô cùng phức tạp, nền đất yếu, không đồng nhất lại phân tầng, phân bố không đều, bất quy tắc khiến việc xây dựng công trình ngầm lớn khó khăn. Điều này còn tác động ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu trong quá trình thi công và trong cả vận hành.

-              Bên cạnh đó, công tác quản lý không gian ngầm, công trình ngầm còn nhiều bất cập. Các quy định về quản lý xây dựng ngầm và khai thác sử dụng công trình ngầm chưa đầy đủ: Quy định cụ thể để quản lý không gian xây dựng ngầm còn bỏ ngỏ, đa số các quy định mới chỉ điều chỉnh những hoạt động trên mặt đất là chủ yếu. Cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý, lưu trữ hồ sơ còn chưa thống nhất, tản mát, nhiều cơ quan, đơn vị quản lý dẫn đến chồng chéo, thiếu đầu mối tập trung. Các chủ đầu tư đang quản lý khai thác hệ thống công trình ngầm không bàn giao, thiếu phối hợp trong công tác đầu tư xây dựng.

3.            Tích hợp chức năng nhằm khai thác tối đa hiệu quả của KGXDN

Việc khai thác KGN là xu hướng tất yếu ở các đô thị lớn – hiện đại. Tại các thành phố thuộc Châu Âu, châu Mỹ, Anh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... và các nước phát triển khác, khai thác KGN được đặc biệt quan tâm; cá biệt có những nước còn nghèo như Triều Tiên vấn đề này đã được đặt ra từ khá sớm. Ngày nay, khai thác KGN chính là chìa khóa để bảo tồn môi trường xung quanh, là yếu tố thuận lợi để bảo vệ môi trường sống của con người ở đô thị. Thế giới đã có lịch sử xây dựng công trình ngầm hàng trăm năm nay, phát triển ở mức độ rất cao và ngày càng hiện đại.

Ở các nước phát triển, các tuyến đường sắt được xây dựng kết hợp giữa ngầm và nổi theo điều kiện thực tiễn, nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô bằng thúc đẩy phát triển giao thông công cộng thông qua việc nâng cao chất lượng phục vụ. Ở Thượng Hải, hệ thống tàu điện ngầm gồm 14 tuyến, 364 trạm, 588km đường ray, phục vụ khoảng 3,1 tỷ hành khách/năm (2015) (Hình 3). Ở London có 11 tuyến tàu điện ngầm, 270 trạm, 400km đường ray, phục vụ khoảng 1,3 tỷ hành khách/năm (2015). Bãi đỗ xe ngầm quy mô lớn được bố trí dưới quảng trường, sân vận động hay các chỗ giao cắt rộng của hệ thống giao thông... ở trung tâm thành phố; và kết hợp với ga metro và trung tâm thương mại. Thậm chí đã tự động hóa gara ngầm này. Ví dụ, tại quảng trường Lovov (Ukraina) xây dựng gara cho 2.300 ô tô kết hợp trung tâm thương mại, công cộng lớn liên kết tất cả với ga metro. Ở Geneva (Thụy Sĩ), gara ngầm 7 tầng, sâu 28m, đáp ứng chỗ đỗ cho 530 ô tô con (Hình 4). Đây là một trong những phương thức phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Trong đó, chú trọng xây dựng các trung tâm mua sắm, hoạt động công cộng, gara ngầm... đồng thời với việc thiết lập các liên kết ngầm (hầm đi bộ) trong phạm vi 500m-1.000m xung quanh nhà ga. Mô hình này được áp dụng rất phổ biến ở các thành phố có quỹ đất hạn chế, mật độ đô thị cao như tại Nhật Bản (Hình 5).

4.            Phương pháp quy hoạch không gian xây dựng ngầm từ kinh nghiệm quốc tế

4.1.         Xác định các khu vực tiềm năng để khai thác không gian ngầm

Quy hoạch KGN ở quận Golou, Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc được tiến hành dựa trên việc chồng lớp các yếu tố để chỉ ra 3 khu vực có tiềm năng phát triển không gian xây dựng ngầm với mức độ thuận lợi khác nhau. Đây là công cụ để chính quyền đưa các quyết sách để phát triển công trình xây dựng ngầm. Năm yếu tố chính gồm:

-              (1) Địa chất: điều kiện thổ nhưỡng và lớp đá cứng, áp suất và dòng nước ngầm, điều kiện địa trấn ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành công trình ngầm.

-              (2) Giá đất và vị trí đất: tại các megacity, đất trung tâm luôn có giá đắt, việc phát triển không gian ngầm tại đây sẽ làm cân bằng cán cân cung cầu về giá đất và tăng giá trị khai thác đất: 3 yếu tố đánh giá: giá đất, điều kiện tiếp cận, điều kiện vị trí.

-              (3) Điều kiện kinh tế: chỉ số GDP tỷ lệ thuận với điều kiện phát triển không gian ngầm.

-              (4) Lợi ích phát triển KGN: do chi phí xây dựng KGN là rất tốn kém nên việc cân nhăc các lợi ích từ nó tác động lên kinh tế, xã hội, môi trường là rất cần thiết.

-              (5) Sự phù hợp giữa không gian ngầm với định hướng quy hoạch chung và quy hoạch sử dụng đất của thành phố.

Từ năm 1986, Thành phố Tokyo đã tiến hành việc điều tra xây dựng không gian ngầm; đưa ra những đề án về nguyên tắc định vị vị trí các hạng mục không gian ngầm tiêu biểu (9/1991). Sau khi có những báo cáo về việc nghiên cứu xây dựng đề án mẫu, Bộ Xây dựng Nhật Bản đã ban hành các Thông tư hướng dẫn (9/1989 và 1/1991). Tháng 3/1992, Hội lập dự án quy hoạch không gian ngầm của Tokyo đã được thành lập và đã thiết lập những “Phương châm cơ bản trong việc quy hoạch tổng hợp sử dụng không gian ngầm tại các khu vực của Tokyo”. Quy hoạch KGXDN tại thành phố Tokyo được lập với hệ thống tiêu chuẩn để lựa chọn 2 khu vực:

-              Khu vực quy hoạch xây dựng không gian ngầm thứ 1.

-              Khu vực quy hoạch xây dựng không gian ngầm thứ 2.

4.2.         Phân kỳ phát triển KGXDN theo đối tượng và quản lý theo độ sâu

Quy hoạch không gian xây dựng ngầm tại Thủ đô Helsinki nhằm xác định rõ 2 loại hình: công trình xây dựng ngầm và tuy-nen kỹ thuật ngầm. Theo đó, mỗi hạng mục sẽ có những quy định riêng cho việc lập quy hoạch.

(1) Công trình xây dựng ngầm, quy hoạch cần làm rõ 3 khu vực:

Khu vực các công trình ngầm hiện có: Việc xác định các khu vực công trình ngầm hiện có nhằm chỉ ra phạm vi an toàn để các công trình xây dựng mới lân cận (nếu có) không làm ảnh hưởng và khả năng kết nối giữa các công trình cũ mới với nhau.

Khu vực tiềm năng phát triển không gian ngầm trong giai đoạn quy hoạch: đảm bảo đáp ứng được các điều kiện về địa chất (nơi móng công trình có thể tiếp cận nền đá cứng), gần các tuyến đường giao thông có năng lực vận chuyển hành khách lớn. Khu vực này đặc biệt chú trọng phát triển các cửa ngõ mới, các trung tâm mới dựa trên mối liên hệ với các điểm trung chuyển giao thông hiện có hoặc quy hoạch.

Khu vực đất dự trữ phát triển KGN được bảo tồn trong hiện tại, không lạm dụng khai thác để dành quỹ phát triển theo định hướng cho tương lai: KGN cũng là một trong những tài nguyên thiên nhiên, do vậy bản quy hoạch cũng phải xác định rõ các khu vực dự trữ để phát triển KGN cho các thế hệ sau, khi thành phố phát triển ngoài tầm nhìn dự đoán. Các khu vực này không xác định rõ chức năng sử dụng KGN nhưng phải đảm bảo nghiên cứu đủ các nội dung:

-              Có liên kết giao thông trong tương lai

-              Định hướng sở hữu đất

-              Định hướng sử dụng đất

-              Định hướng phát triển không gian xây dựng ngầm

-              Các quy định để bảo vệ môi trường

(2) Tuy-nen kỹ thuật ngầm:

Thành phố Helsinki có tổng chiều dài các tuyến HTKT khoảng 200km. Trong đó 60km chiếm 30% các tuyến HTKT được đặt trong các tuy-nen kỹ thuật. Các tuy-nen này có kích thước lớn để có thể hoạt động hệ thống vận hành tuần hoàn, nhân viên kỹ thuật có thể vào trong. Các tuy-nen tiện ích này được đặt ở độ sâu đảm bảo không làm ảnh hưởng đến nền đá cứng – là nguồn tài nguyên ngầm dự trữ cho tương lai. Tại Hình 6, màu xanh đậm là vị trí các công trình HTKT hiện có. Đường hầm tiện ích được khuyến nghị đặt ở độ cao -2m so với mặt nước biển, đa phần thấp hơn các công trình HTKT hiện có, độ cao này sẽ không làm ảnh hưởng đến các khu vực dự trữ không gian ngầm trong tương lai.

Xu hướng tuy-nen hóa đang từng bước được thực hiện tại Helsinki. Chi phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống này sẽ được chia sẻ cho các nhà sử dụng riêng lẻ trong hệ thống.

Các nội dung tổng hợp định hướng quy hoạch không gian ngầm được thể hiện trên bản đồ kết hợp nội dung định hướng phát triển cả hai yếu tố trên trong thời hạn quy hoạch (Hình 7). Bản đồ phân định rõ:

-              Các khu vực xây dựng KGN và tuyến tuy-nen hiện trạng (tuyến và khu vực mầu ghi)

-              Khu vực dự kiến phát triển KGN trong tầm nhìn QH:

+             Các tuyến tuynel dự kiến xây dựng (tuyến màu xanh nhạt)

+             Các khu vực xây dựng KGN dự kiến (khu vực màu xanh)

-              Khu vực dự trữ phát triển KGN

+             Các tuyến tuy-nen dự trữ phát triển trong tương lai (tuyến màu xanh đậm)

+             Các khu vực dự trữ phát triển KGN (màu vàng đậm), không xác định chức năng sử dụng đất.

+             Các khu vực bảo tồn có độ sâu nền đá cứng dưới 10m.

Không gian ngầm tại thành phố Helsinki được quản lý theo 4 tầng chiều sâu:

-              Tầng nông: có độ sâu 6m. Tại tầng này, chủ đất có thể xây dựng tầng hầm và kết cấu móng nhà nhưng không được vượt quá 2 tầng. Chức năng sử dụng đất tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của chủ đất.

-              Tầng trung: Có độ sâu từ 6m-50m. Quyền sở hữu vẫn thuộc chủ đất. Tuy nhiên việc xây dựng và quy định chức năng sử dụng đất cần phải tuân thủ quy hoạch phân khu KGN của thành phố.

-              Tầng nước chứa nước ngầm: Có độ sâu từ 50m-150m. Các công trình xây dựng ngầm không được làm ảnh hưởng đến tầng nước ngầm này.

-              Tầng có độ sâu dưới 150m: Có thể sử dụng tầng ngầm này để khai thác năng lượng địa nhiệt. Việc khai thác phải thực hiện qua các giếng khoan sâu. Việc thực hiện cần được nghiên cứu một cách cụ thể trong tương lai.

5.            Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị ở Việt Nam

Bài học từ kinh nghiệm khai thác KGN, quy hoạch công trình xây dựng ngầm ở các nước tiên tiến, cho thấy có thể ứng dụng việc phân tích các yếu tố tác động đến sự phát triển của hệ thống công trình công cộng xây dựng ngầm và tuy-nen ngầm ở các đô thị lớn ở Việt Nam. Các yếu tố tác động được thiết lập thành hệ thống thông tin địa lý (GIS) quy hoạch KGN. Từ đó, nghiên cứu định hướng quy hoạch hệ thống công trình công cộng xây dựng ngầm sẽ áp dụng phương pháp chồng lớp bản đồ. Mỗi lớp tương đương với một loại hình dữ liệu được tổng hợp, tích hợp được lựa chọn theo tình hình thực tiễn phát triển đô thị và định hướng phát triển của các thành phố.

Yếu tố then chốt là ga ngầm của mạng lưới đường sắt đô thị là cơ sở để xác định vùng tiềm năng phát triển KGXDN theo định hướng giao thông, để lựa chọn khu vực ưu tiên. Ở giai đoạn hiện nay, có thể sử dụng các lớp bản đồ (Hình 8):

-              Đánh giá điều kiện địa chất

-              Phân bố mật độ dân số ở mức cao (khu vực xây dựng cao tầng, khu vực đô thị nén)

-              Quy hoạch không gian nổi

-              Quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, bến bãi, đỗ xe

-              Đầu mối giao thông công cộng ngầm (TOD ngầm)

Sử dụng các tiêu chí dựa trên phân tích các lớp bản đồ để lựa chọn 2 khu vực: Khu vực phát triển không gian công cộng ngầm, khu vực khuyến khích xây dựng không gian công cộng ngầm.

(1) Khu vực phát triển không gian công cộng xây dựng ngầm:

Đầu mối giao thông công cộng (TOD) trọng điểm - các ga ĐSĐT, ga ĐSQG, bến xe xây ngầm làm hạt nhân phát triển các công trình có tầng ngầm (Hình 9). Trong phạm vi 500m từ đầu mối TOD, cần sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại: công trình cao tầng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, quảng trường, sân vận động, không gian trống…

Hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối các công trình công cộng ngầm, gara ngầm với đầu mối TOD. Toàn bộ hệ thống đường dây, đường ống trong khu vực phát triển không gian xây dựng ngầm được bố trí trong tuy-nen và hào kỹ thuật. Tổ hợp TOD trọng điểm là sự tích hợp đa chức năng tạo thành nguyên lý phát triển chung cho KGXDN mang tính bắt buộc (Hình 10, 11)

(2) Khu vực khuyến khích hình thành không gian công cộng xây dựng ngầm:

Ngoài phạm vi 500m từ đầu mối TOD, khuyến khích sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế xây dựng cao tầng, giảm mật độ xây dựng phần nổi như:

-              Khu vực cần tái thiết (Khu chung cư cũ, khu chuyển đổi chức năng…)

-              Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, cao ốc

Tại những khu vực hạn chế quỹ đất, hoặc các công trình có nhu cầu tăng hiệu quả sử dụng đất trên diện tích xây dựng công trình, để dành không gian bề mặt cho nhu cầu sinh thái, dự trữ cho phát triển trong tương lai như: vui chơi giải trí, thể dục thể thao, sân vận động, bảo tàng, văn hóa, nghệ thuật, ngân hàng, trụ sở doanh nghiệp… Khuyến khích tạo lập các tuyến đi bộ ngầm kết nối giữa phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất trong các cụm công trình có phạm vi đi bộ không quá 500m.

Quản lý chiều sâu của các công trình xây dựng ngầm tại hai khu vực quy hoạch KGXDN theo nguyên tắc sau:

-              Công trình cao tầng xây dựng tầng hầm ở độ sâu tối đa: 5 tầng, tại những khu vực trong phạm vi bán kính 500m kể từ ga đường sắt đô thị ngầm.

-              Khuyến khích xây dựng tầng hầm ở độ sâu tối đa: 5 tầng đối với các công trình cao tầng sử dụng cọc khoan nhồi, tại những khu vực không cấm và hạn chế xây dựng ngầm.

-              Các công trình cao tầng không sử dụng cọc khoan nhồi hoặc ngoài phạm vi bán bán kính 500m kể từ ga đường sắt đô thị ngầm có thể xây dựng từ 1-3 tầng hầm tùy theo nhu cầu và khả năng thực tiễn.

6.            Kết luận

Tại các đô thị ở Việt Nam, việc quy hoạch, quản lý để sử dụng KGN còn ở bước sơ khai với nhiều bất cập. Phát triển không gian xây dựng ngầm mới ở những bước sơ khởi tại khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội và TP.HCM với nhiều khó khăn bởi sự thiếu đồng bộ với quy hoạch không gian nổi vốn đã định hình, sự phức tạp về điều kiện địa chất cũng như thiếu vắng về thể chế trong quản lý KGN.

Việc tích hợp các chức năng vào công trình xây dựng ngầm là xu hướng tất yếu ở các nước phát triển nhằm khai thác tối đa hiệu quả của chúng. Trong đó, phần lớn là việc tích hợp phát triển KGXDN xung quanh nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị là giải pháp đã được thực hiện hiệu quả ở các đô thị lớn trên thế giới.

Từ kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch, quản lý KGXDN là những gợi ý áp dụng cho các đô thị lớn ở Việt Nam. Theo đó ứng dụng GIS để thiết lập các bản đồ theo 05 lớp dữ liệu, nhằm xác định khu vực phát triển không gian công cộng ngầm có tính chất bắt buộc, và khu vực khuyến khích xây dựng không gian công cộng ngầm với trung tâm là các ga ĐSĐT trọng điểm. Đồng thời, quy định các nguyên tắc quản lý chiều sâu của các công trình xây dựng ngầm.

 

Tài liệu tham khảo:

(1)          Nguyễn Hồng Tiến (2011), Quy hoạch xây dựng công trình ngầm đô thị; NXB Xây dựng, Hà Nội.

(2)          Lưu Đức Hải (2012), Đô thị ngầm và không gian ngầm đô thị; NXB Xây dựng, Hà Nội.

(3)          Nguyễn Trúc Anh & Đinh Tuấn Hải (2012), Hướng dẫn thiết kế quy hoạch xây dựng ngầm lồng ghép trong quy hoạch đô thị; NXB Xây dựng, Hà Nội.

(4)          Lưu Đức Hải (2021), Quy hoạch không gian ngầm đô thị; Tạp chí kiến trúc, Hội KTS Việt Nam.

(5)          UBND TP Hà Nội (2022), Quyết định số 913/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000.

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (124+125))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website