Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia- VIUP).
Lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An-Tam Cốc-Bích Động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản cũng như mục tiêu phát triển “xanh, hiệu quả và bền vững” mà Ninh Bình đang nỗ lực thực hiện. Ngày 12/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 671/UBND-VP4 về việc triển khai lập đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An-Tam Cốc-Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, khảo sát, đồng thời tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và UNESCO nhằm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO đối với công tác quản lý, bảo tồn di sản trong các nội dung đồ án.
Trên cơ sở đó đã xác định cụ thể định hướng tầm nhìn và ý tưởng quy hoạch nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, môi trường cảnh quan di sản, kết hợp hài hòa với phát triển bền vững, cơ bản phù hợp với bối cảnh, đặc thù của khu di sản cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
KTS. Nguyễn Minh Phương (VIUP) trình bày Dự thảo đồ án.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn trình bày Dự thảo Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An-Tam Cốc-Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung làm rõ các nội dung: Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; Định hướng tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan; Định hướng quy hoạch sử dụng đất; Định hướng quy hoạch bảo tồn cảnh quan địa chất, thiên nhiên; Định hướng phát triển du lịch; Đề xuất các giải pháp về hạ tầng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh; đưa Quần thể Danh thắng Tràng An trở thành khu du lịch mang tầm quốc tế, là động lực phát triển của tỉnh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Quy hoạch cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, phê duyệt, quản lý các dự án; xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của cộng đồng và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đều đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng của đơn vị xây dựng Đồ án với những cập nhật chi tiết, đáp ứng tình hình thực tế quy hoạch của địa phương. Để Đồ án hoàn thiện hơn, đại diện các sở, ban, ngành và các chuyên gia cho rằng, đơn vị tư vấn cần tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, chỉnh sửa một số thông tin cho phù hợp; nghiên cứu bổ sung các khu đất dự trữ đảm bảo không gian tái tạo, phục hồi; quan tâm quy hoạch hệ thống giao thông; đảm bảo phù hợp với quy hoạch rừng; diện tích, công trình đất quốc phòng; xác định rõ quy mô, tầm vóc, tính chất của đồ án; phân tích các quy định về phân vùng bảo vệ di sản trong các văn bản Luật của quốc gia và Công ước của UNESCO; một số nội dung cần được đánh giá trong tương quan rộng hơn với quy hoạch chung của tỉnh và của thành phố…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị lập Đồ án Quy hoạch cần tiếp tục tập trung làm rõ các giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn và lưu giữ các giá trị thiên nhiên để phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp tạo sinh kế cho người dân, nhất là phụ nữ và các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đồ án cũng cần nghiên cứu, đánh giá sức chứa, lượng khách tại các khu, điểm du lịch đảm bảo sự phát triển hài hòa tránh làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan, thiên nhiên và các sinh vật sinh sống trong khu di sản. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng không gian đối với các tuyến sông, phục hồi một số dòng sông, con đường cổ…
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng nhằm kế thừa, phát huy các giá trị, nguồn lực và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó tư duy tầm nhìn dài hạn và sự quyết tâm thực hiện quy hoạch có vai trò quan trọng để tỉnh Ninh Bình hiện thực hóa những tầm nhìn mới, khát vọng mới.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Sở Du lịch cũng như đơn vị tư vấn đã triển khai thực hiện lập Quy hoạch đảm bảo tiến độ, có được những kết quả tương đối tốt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư có ý nghĩa rất quan trọng tạo nên Quy hoạch tổng thể di sản thế giới.
Đồng chí yêu cầu, việc xây dựng, triển khai Đồ án phải đặc biệt lưu ý về phạm vi, ranh giới nghiên cứu quy hoạch; xác định định hướng phát triển phải đảm bảo tôn trọng các quy hoạch cũ và có định hướng phát triển, tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2050; tránh xung đột giữa các quy hoạch.
Quy hoạch vừa phải bảo tồn, bảo vệ các giá trị di sản tự nhiên, văn hóa, đồng thời phải gắn với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư, đặc biệt bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn giá trị nổi bật toàn cầu, giữ vững danh hiệu Di sản thế giới trong quá trình xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành thành phố Di sản thiên niên kỷ.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, của các nhà nghiên cứu, các sở, ngành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Du lịch, đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến, nghiên cứu, rà soát hiện trạng để có phương án phát huy, bổ sung phù hợp; tiếp tục tranh thủ ý kiến chuyên gia để sớm hoàn chỉnh Đồ án đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ, trình tự thủ tục theo đúng quy định.