Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các địa phương trong vùng.
Căn cứ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) và Viện quy hoạch phát triển Vùng Ile de France - IAU (đơn vị lập quy hoạch vùng Thủ đô Paris-Pháp) phối hợp thực hiện Đồ án này.
Thay mặt đơn vị tư vấn lập đồ án, Viện trưởng VIUP Ngô Trung Hải báo cáo tóm tắt nội dung Đồ án. Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người. Toàn bộ quy hoạch vùng Thủ đô sẽ có tổng diện tích trên 24.300 km2, tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 80% diện tích so với vùng Tp. Hồ Chí Minh.
Theo Đồ án, tầm nhìn vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh quốc phòng; Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giáo dục quốc tế của cả nước.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội bám sát 3 mục tiêu: Đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong vùng và đảm bảo phân bổ hiệu quả nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững; Đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa-xã hội, phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; và đồ án điều chỉnh làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoach chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý Vùng.
Đồ án đề xuất định hướng phát triển không gian vùng, phát triển hệ thống giao thông, phát triển hệ thống HTKT khác, đánh giá môi trường chiến lược, khung cơ chế, chính sách phát triển vùng, chương trình dự án ưu tiên đầu tư, mô hình quản lý vùng có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội mà trực tiếp là Bộ Xây dựng đã chủ trì và đơn vị tư vấn đã xây dựng đồ án bám sát các mục tiêu đề ra, đồng thời đề nghị tư vấn tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, cập nhật, hoàn thiện đồ án sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Song song với đó, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng Thủ đô khẩn trương rà soát cập nhật lại quy hoạch trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ quan điểm mô hình quản lý vùng Thủ đô tiếp tục hoàn thiện Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội để tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ điều hành là phù hợp, không nên lập cơ quan phát triển vùng; cũng không thể có chính sách riêng cho từng vùng mà các địa phương cần phối hợp với nhau tính toán phát huy nguồn lực từ đất đai, chính sách thu hút nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện quy hoạch này. Ban chỉ đạo quy hoạch và xây dựng vùng Thủ đô cùng các địa phương đề xuất các cơ chế nhằm tạo điều kiện khai thác tốt nhất, tiềm năng lợi thế để phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát hoàn thiện lại quy hoạch phòng chống lũ, mạng lưới đê điều vùng Thủ đô theo hướng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, sát với thực tiễn trên cơ sở làm chủ được sông Hồng.