KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo có TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Giám đốc Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng; các chuyên gia thuộc Tổ chuyên gia tư vấn về quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nhóm chuyên gia Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; đại diện Bộ Xây dựng; đại diện các Viện nghiên cứu các Bộ, ngành là đơn vị tư vấn lập hợp phần của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các cán bộ của Viện Chiến lược phát triển.
Tại Hội thảo, KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đại diện nhóm nghiên cứu hợp phần về đô thị và nông nghiệp trình bày "Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia”.
Kết quả đạt được về đô thị hóa và phát triển đô thị trong thời gian qua
(1) Tốc độ đô thị hóa nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
(2) Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.
(3) Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.
(4) Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
(5) Hệ thống quy định pháp luật về quản lý đô thị từng bước được hoàn thiện, tích lũy kinh nghiệm trong quy hoạch, định hướng phát triển và quản lý đô thị.
Hạn chế, tồn tại về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam thời gian qua
(1) Đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa không đạt mục tiêu đề ra, còn thấp so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đô thị hóa chưa đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(2) Hệ thống đô thị phân bố và phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng; liên kết đô thị - nông thôn còn yếu, còn nhiều đô thị loại I chưa phát huy tốt vai trò động lực, dẫn dắt của các đô thị, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội.
(3) Kết quả chỉnh trang, cải tạo, tái thiết đô thị còn nhiều hạn chế. Phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.
(4) Hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn. Các "căn bệnh đô thị” ngày càng trở nên phổ biến ở các đô thị động lực (Thành phố TW, tỉnh lỵ).
(5) Thể chế cho đô thị hóa còn chưa kiện toàn, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh và bền vững vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về quy hoạch, đất đai, nhân khẩu, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị. Quản lý đô thị còn nhiều bất cập, năng lực, trình độ quản lý đô thị tại địa phương còn thấp, chậm đổi mới, làm cản trở tiến trình và chất lượng đô thị hoá.
Mục tiêu phát triển
Thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực. Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt nam theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xngs đáng trong mạng lưới đô thị Chấu Á – Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển KT-XH quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.
Một số mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Tỷ lệ đô thị hoá đạt tối thiểu 45%; tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5% - 1,9%. Đến năm 2030: Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9% - 2,3%. Tầm nhìn đến năm 2045: Tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á.
Các phương án lựa chọn phát triển khung cấu trúc đô thị quốc gia trong thời gian tới
Phương án 1: Đẩy mạnh đô thị hoá ở các vùng đô thị lớn-cực tăng trưởng;
Phương án 2: Đẩy mạnh phát triển 6 vùng đô thị hoá;
Phương án 3: Đẩy mạnh đô thị hoá 64 tỉnh thành;
Phương án 4: Phát triển mô hình tổng thể "Mạng lưới đô thị”.
Tại hội thảo, báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu; đại diện Bộ Xây dựng cũng như các chuyên gia và đại biểu đến từ các viện nghiên cứu khác.
Đại diện Tổ chuyên gia tư vấn về quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đánh giá cao báo cáo tuy nhiên cần làm rõ một số khái niệm đô thị, đô thị hoá, kinh tế đô thị. Phần thực trạng của báo cáo đang đi sâu vào đô thị mà phần đánh giá về nông thôn còn mờ nhạt, đề nghị ban soạn thảo cân đối. Vấn đề về giao thông, ô nhiễm môi trường,… cũng cần có những đánh giá kỹ hơn. Phần mục tiêu của báo cáo cần đưa ra mục tiêu đến năm 2050 như trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cho phù hợp… TS. Cao Viết Sinh đề nghị ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Viện Chiến lược phát triển - Đơn vị chủ trì tổng hợp báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thống nhất các nội dung và bổ sung hoàn thiện sớm hợp phần bảo đảm tiến độ của báo cáo chung.
Kết thúc hội thảo, KTS. Phạm Thị Nhâm ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu cũng như các chuyên gia tham dự hội thảo. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, có những trao đổi với phía Viện Chiến lược phát triển để chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo gửi Viện Chiến lược phát triển theo đúng tiến độ yêu cầu./.