Bộ Xây dựng thẩm định 2 Hợp phần Quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 7/9/2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định 2 Hợp phần Quy hoạch trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực trạng và phương hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị thẩm định các Hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 4/10/2020 của Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng được giao tổ chức lập và thẩm định nội dung các Hợp phần theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với 2 Hợp phần thuộc lĩnh vực xây dựng nêu trên. Đến nay, các đơn vị tư vấn chuyên ngành (được Bộ Xây dựng đề xuất) phối hợp với đơn vị tư vấn chính (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành dự thảo các Báo cáo Hợp phần quy hoạch này.

Báo cáo kết quả thực hiện Hợp phần “Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thay mặt đơn vị tư vấn chuyên ngành, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Phạm Thị Nhâm nêu lên lý do, sự cần thiết lập Quy hoạch, trình bày các đánh giá thực trạng sắp xếp không gian đô thị - nông thôn quốc gia và rà soát việc thực hiện các quy hoạch liên quan; đặc biệt nhấn mạnh những ưu điểm cũng như tồn tại trong quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế đô thị, phát triển văn hóa xã hội, môi trường đô thị và đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân đô thị.

Theo Phó Viện trưởng Phạm Thị Nhâm, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Các đột phá trong phát triển hệ thống đô thị nông thôn trong giai đoạn thời kỳ 2021 - 2030 gồm có: tổ chức không gian lãnh thổ tăng trưởng đô thị hóa nhanh, bền vững; đô thị hóa tích hợp phát triển và bảo tồn toàn diện tài nguyên thiên nhiên và thích ứng biến đổi khí hậu; đô thị hóa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường; đô thị hóa đảm bảo công bằng và bản sắc vùng miền; quản trị đô thị và nông thôn.

Về Hợp phần “Thực trạng và phương hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (đơn vị tư vấn chuyên ngành) đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng kết, trong đó, ngoài các kết quả khảo sát, điều tra, đánh giá tình hình hiện trạng còn đưa ra dự báo các yếu tố tác động đến thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản và những vấn đề cần giải quyết; định hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng và phân bố không gian thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng trong nước, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh phát sinh và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hoà carbon.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng cụ thể đối với từng loại khoáng sản, phù hợp với cung - cầu thị trường cho từng giai đoạn của Quy hoạch. Mỗi giai đoạn sẽ khoanh định các khu vực hoặc mỏ khoáng sản để đưa vào thăm dò, khai thác phù hợp với nhu cầu chế biến và sử dụng; ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác, chế biến gắn với các vùng nguyên liệu tập trung; sử dụng các công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; loại bỏ các công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều phế thải, gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên cập nhật và hoàn thiện hệ thống dữ liệu, số liệu về tiềm năng tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0...

Tại hội nghị, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đánh giá cao chất lượng dự thảo Báo cáo tổng kết 2 Hợp phần Quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng, đồng thời đưa ra những góp ý cụ thể đối với từng Quy hoạch để giúp đơn vị tư vấn tiếp thu, chỉnh sửa, nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo.

Đối với Hợp phần “Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”,  Hội đồng đề nghị tư vấn phân tích kỹ hơn những tác động của tình trạng dịch chuyển dân cư từ khu vực nông thôn sang khu vực đô thị trong quá trình đô thị hóa; cần chú trọng đến phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các đô thị; chú ý tính liên kết vùng của hệ thống giao thông đô thị, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến công viên, cây xanh, diện tích đất nghĩa trang ở đô thị cũng như quan tâm nhiều hơn đến các công tác quy hoạch khu vực nông thôn.

Đối với Hợp phần “Thực trạng và phương hướng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Hội đồng góp ý đơn vị tư vấn cần xác định những khu vực trọng điểm đối với các loại khoáng sản chủ yếu dùng làm vật liệu xây dựng và nên đưa ra những định hướng mở, đồng thời chú trọng khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao nỗ lực của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Vật liệu xây dựng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị 2 đơn vị tư vấn chuyên ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng; bám sát nội dung Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng rà soát, đảm bảo các căn cứ pháp lý; bổ sung, làm rõ hiện trạng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia hiện nay để nhận diện đầy đủ những tồn tại, từ đó đề xuất định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030 phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng tối ưu; bổ sung các nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện các Quy hoạch nêu trên.

(Nguồn:xaydung.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website