Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn kết luận Hội nghị
Tóm tắt thuyết minh Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho biết: Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha, trong đó phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha, phần mặt nước khoảng 80.000ha, thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hoà.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao.
Khu kinh tế Vân Phong được điều chỉnh quy hoạch với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Hiện nay, cấu trúc không gian tổng thể của Khu kinh tế Vân Phong là một vùng đồng bằng nhỏ hẹp bám theo bờ biển theo hình bán nguyệt, bị chia cắt bởi các tuyến đường sắt, đường quốc lộ, tuyến đường điện quốc gia, bị cô lập bởi vành đai núi khiến việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vịnh Vân Phong vẫn chưa phát triển do bất cập về giao thông kết nối, và do yếu tố giá trị bậc nhất của Vân Phong là vùng nước sâu từ 20 - 30m chưa thể khai thác. Do đó, Đồ án định hướng quy hoạch phát triển không gian của Vân Phong theo 2 khu vực. Khu vực Bắc Vân Phong tập trung tại bán đảo Hòn Gốm, khu vực Đại Lãnh, khu vực Tu Bông và thị trấn Vạn Giã, gồm các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp, các khu đô thị du lịch...Khu vực Nam Vân Phong tập trung tại Đông Bắc thị xã Ninh Hòa và xã Ninh Phước, gồm cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch.
Vịnh Vân Phong có địa hình và hệ sinh thái biển phong phú và là một trong những vịnh biển đẹp nhất ở Việt Nam. Trong Đồ án, tư vấn cũng xác định tập trung phát triển ngành du lịch tại Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cho Khu kinh tế nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, nhằm tận dụng các lợi thế cạnh tranh tự nhiên.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết: cần tập trung bám sát nội dung Nhiệm vụ đã được Thủ tướng phê duyệt; quan tâm bảo vệ tài nguyên, có dự trữ đất cho quá trình phát triển; làm rõ các sản phẩm du lịch; rà soát, cập nhật tên các tuyến cao tốc chạy qua; bổ sung làm rõ quy mô, diện tích các khu công nghiệp trong Khu kinh tế; làm rõ các nguồn lực đầu tư; xem xét điều chỉnh tên Đồ án đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định pháp luật hiện hành.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh Khu Kinh tế Vân Phong có ý nghĩa, vai trò đặc biệt không chỉ đối với tỉnh Khánh Hòa mà còn đối với cả vùng duyên hải Miền Trung và của cả nước. Do đó, điều chỉnh quy hoạch cần phải đảm bảo tính khả thi, khai thác và phát huy hiệu quả tối đa các tiềm năng, giá trị của Khu kinh tế.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tổng hợp các ý kiến góp ý của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, hiệp hội chuyên ngành; đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ; chú ý rà soát các căn cứ pháp lý, đảm bảo tính kết nối liên vùng; đánh giá đầy đủ hiện trạng sản xuất công nghiệp, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đô thị hoá, đánh giá sự phù hợp của các dự án đã được cấp phép để làm cơ sở cho việc đề xuất các định hương phát triển Khu kinh tế; làm rõ cơ sở dự báo dân số cũng như thứ tự đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.