Theo báo cáo của đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia -VIUP, nhằm hiện thực hóa Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 30/5/2014, VIUP hợp tác cùng nhóm chuyên gia 3RockD (Mỹ) tiến hành nghiên cứu lập đồ án QHXD khu vực này; quy mô và phạm vi quy hoạch trải rộng trên bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ (tỉnh Hà Giang), diện tích tự nhiên xấp xỉ 235,68 ha. Đây là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, với các giá trị địa chất phong phú, tính đa dạng sinh học cao, nền văn hóa đa dạng đặc sắc, có tầm quan trọng đối với quốc gia và quốc tế. Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu duy nhất của Việt Nam, và thứ 2 của Đông Nam Á. Việc lập QHXD rất cấp thiết nhằm phát huy hơn nữa các tiềm năng của địa phương. Điều này cũng phù hợp với Quyết định số 310/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh “định hướng phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia, đầu mối để thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng và ổn định chính trị một cách bền vững cho toàn vùng Bắc bộ”.
Trong đồ án, VIUP đã thể hiện rõ quan điểm mục tiêu: QHXD gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thiên nhiên - văn hóa tại Cao nguyên đá Đồng Văn để thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển. Thông qua các đánh giá về điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế xã hội và du lịch, hiện trạng phát triển hệ thống đô thị (với các trung tâm huyện lị là thị trấn Đồng Văn, Phó Bảng, Mèo Vạc, Tam Sơn và Yên Minh), tư vấn đã xác định các động lực phát triển, đưa ra những dự báo phát triển, cũng như các định hướng phát triển không gian, định hướng phát triển hệ thống đô thị, hạ tầng kỹ thuật – giao thông cho toàn vùng. Theo đó, phân vùng phát triển không gian sẽ gồm 10 vùng. Vùng Bảo tồn di sản địa chất có 15 DSĐC cấp quốc tế; 68 cấp quốc gia và 56 cấp địa phương, được khoanh thành 30 cụm di sản ở 4 huyện. Vùng Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học với các khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, Bát Đại Sơn. Vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên gồm các Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Quản Bạ, Chí Sán. Vùng bảo vệ cảnh quan, danh thắng gồm Khu bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng, Cột Cờ Lũng Cú. Vùng phát triển đô thị với các khu vực phát triển đô thị - trung tâm phát triển du lịch chủ đạo…
Đặc biệt, trong đồ án, tư vấn đã tổng hợp được các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cấu trúc và cảnh quan thiên nhiên (danh thắng Núi Đôi Quản Bạ, đại hẻm vực Tu Sản, hệ thống hang động tại Đồng Văn, Mèo Vạc); các giá trị văn hóa làm nên nét đặc sắc, sự khác biệt của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đó chính là những giá trị then chốt để phát triển du lịch địa phương, phù hợp với đặc điểm cộng đồng dân cư bản địa.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá đây là một đồ án khó và đặc thù, nhưng được thực hiện rất công phu, rất tốt bởi một đơn vị đầu ngành là VIUP, với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia quốc tế. Một số vấn đề khó khăn tồn tại trên địa bàn (cấp nước, kết nối giao thông, trình độ dân trí…) đã được lãnh đạo tỉnh, tư vấn và các thành viên Hội đồng cùng chia sẻ, thảo luận để phía tư vấn cócăn cứ hoàn thiện đồ án.
Tổng hợp các ý kiến của Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị tư vấn tập trung nghiên cứu sâu hơn phần định hướng không gian, hạ tầng giao thông, mô hình quản lý; lưu ý tư vấn nghiên cứu kỹ mô hình quản lý Công viên đá cho phù hợp với điều kiện của địa phương; chú trọng các nội dung liên quan tới hệ thống đô thị trong khu vực. Thứ trưởng giao VIUP phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh và Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) khẩn trương hoàn chỉnh đồ án, tờ trình và dự thảo quyết định trong vòng một tháng, làm cơ sở cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt Đồ án.