Quang cảnh chung
ThS. Nguyễn Huy Dũng – Phó Chủ nhiệm dự án trình bày nội dung nghiên cứu. Theo đó, mục tiêu dự án là xây dựng Khung hướng dẫn các đô thị xây dựng cơ sở dữ liệu, hình thành hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro do biến đổi khí hậu, nước biển dâng (Atlas đô thị - khí hậu) và xây dựng Atlas đô thị - khí hậu thí điểm cho 01 đô thị (thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Sản phẩm nhiệm vụ gồm: Báo cáo tổng hợp xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị - khí hậu; Dự thảo Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị-khí hậu cho các đô thị Việt Nam; Atlas Đô thị-Khí hậu thí điểm cho TP. Cà Mau và Bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý của các đô thị chịu ảnh hưởng rủi ro do BĐKH và NBD
Phó Viện trưởng VIUP Phạm Thị Thanh Hoa đại diện cơ quan thực hiện dự án phát biểu
ThS. Nguyễn Huy Dũng – Phó Chủ nhiệm dự án trình bày nội dung nghiên cứu
TS. Lưu Đức Minh làm rõ một số nội dung của dự án
Để xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị-khí hậu nhóm nghiên cứu đã điều tra, thu thập dữ liệu, tài liệu, nghiên cứu đã thực hiện về việc xây dựng Atlas đô thị, khí hậu (TP. Hồ Chí Minh và các đô thị khác đang triển khai tại Việt Nam cũng như nước ngoài) từ đó tổng hợp, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm xây dựng Atlas đô thị, khí hậu đã thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh, các đô thị khác trong nước và trên thế giới. Nhóm đã đề xuất cơ sở khoa học, phương pháp luận xây dựng Atlas đô thị-khí hậu cho các đô thị Việt Nam, xây dựng Khung hướng dẫn lập Atlas Đô thị-Khí hậu cũng như đề xuất cách thức quản lý sử dụng Atlas đô thị-khí hậu
Tại cuộc họp, trong nội dung Xây dựng khung hướng dẫn lập Atlas Đô thị-Khí hậu cho các đô thị Việt Nam ThS. Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu sâu về phương pháp, quy trình lập Atlas đô thị - khí hậu gồm 7 bước: Chuẩn bị xây dựng Atlas: Xác định mục đích, đối tượng, cấu trúc, nội dung và phương pháp xây dựng Atlas; Thu thập tài liệu, số liệu, bản đồ; Xây dựng cơ sở dữ liệu (Chuẩn bị nền cơ sở dữ liệu địa lý và Xây dựng cơ sở dữ liệu theo các nhóm nội dung); Đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu đô thị (Đánh giá nguy cơ thiên tai; Đánh giá tính dễ tổn thương; Tổng hợp mức độ rủi ro); Thành lập bản đồ chuyên đề (Lựa chọn phương pháp phân tích/thể hiện bản đồ và Thành lập các bản đồ chuyên đề); Biên tập Atlas và In ấn, đóng gói sản phẩm.
Đóng góp ý kiến của các phản biện và thành viên hội đồng
Dự thảo Khung hướng dẫn sẽ bao gồm: Giới thiệu Khung hướng dẫn; Tổng quan biến đổi khí hậu và rủi ro do BĐKH; Cơ sở lập bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH; Phương pháp, quy trình lập bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH; Giải pháp lập, quản lý, khai thác sử dụng và cập nhật atlas.
Đối với việc thí điểm xây dựng Atlas Đô thị-Khí hậu cho thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, trên cơ sở điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và số liệu cơ bản của TP. Cà Mau cũng như nghiên cứu, phân tích, dự báo xu thế diễn biến và tác động rủi ro của thiên tai đến đô thị, nhóm dự án đã xây dựng cơ sở dữ liệu nền, quy hoạch chung và các vấn đề BĐKH và xây dựng bản đồ chuyên đề cho Atlas đô thị-khí hậu thành phố Cà Mau. Nội dung Atlas đô thị-khí hậu thành phố Cà Mau gồm:
1. Đặc điểm chung về điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội thành phố Cà Mau
2. Đặc điểm phát triển đô thị thành phố Cà Mau
3. Đặc điểm khí hậu thành phố Cà Mau
4. Kịch bản BĐKH thành phố Cà Mau
5. Xu thế, diễn biến của các loại hình thiên tai trong tương lai tại thành phố Cà Mau
6. Đánh giá rủi ro của BĐKH đến các lĩnh vực phát triển đô thị
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã đánh giá cao ý nghĩa của dự án và kết quả đạt được cũng như đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý đối với từng nội dung của sản phẩm.
TS. Trần Thị Lan Anh - Chủ tịch Hội đồng kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, TS. Trần Thị Lan Anh - Chủ tịch Hội đồng đánh giá nhóm tác giả đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, dự án được nghiệm thu. Tuy nhiên, chủ tịch hội đồng yêu cầu nhóm dự án làm rõ, bổ sung thêm một số nội dung như: Khung hướng dẫn tập trung vào các thành phố, thị xã, thị trấn trực thuộc các đơn vị hành chính lớn căn cứ vào luật Quy hoạch đô thị, luật Đất đai và luật có liên quan nên cần chỉ ra Atlas đô thị - khí hậu cần có bao nhiêu bản đồ; Ký hiệu, ngôn ngữ sử dụng, cách thể hiện trong bản đồ phải thống nhất theo quy định của pháp luật; các vấn đề liên quan tới cốt cao độ nền xây dựng, nóng và đảo nhiệt, Dự thảo văn bản Khung hướng dẫn xây dựng Atlas đô thị-khí hậu cho các đô thị Việt Nam yêu cầu trình bày dưới dạng thông tư… TS. Trần Thị Lan Anh đề nghị nhóm dự án tiếp thu ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung dự án và chuyển các phản biện xem lại trước khi nộp sản phẩm lên Bộ.