Vai trò của chiến lược phát triển
“Sáng kiến Tam Kỳ” nêu rõ: Trong tiến trình phát triển của đất nước giai đoạn tới đòi hỏi phải cải thiện dịch vụ cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động thông qua tăng cường hiệu quả kết nối, dịch vụ hạ tầng, đẩy mạnh GD-ĐT và cải thiện điều kiện sống. Cách hiệu quả nhất cho những cải tiến này là phát huy đầy đủ vai trò động lực của hệ thống đô thị thông qua xây dựng chính sách phát triển đô thị bền vững tích hợp giữa tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, hầu hết thành phố sẽ chịu tác động lớn từ ngoại lực. Do đó, hiệu quả hoạt động của đô thị không dựa vào việc giữ vững các vai trò hiện có, các cơ cấu kinh tế và tình hình thể chế, mà thay vào đó, phụ thuộc vào khả năng thích ứng. Vai trò của chiến lược phát triển thành phố (CDS) là công cụ, chất xúc tác để có được sự phối hợp và triển khai chiến lược được tốt hơn thông qua tham vấn giữa thành phố và các bên liên quan để làm rõ các mục tiêu chiến lược, xác định ưu tiên và nguồn lực cam kết từ các bên. “Đã triển khai hơn 10 năm qua tại TP.Hạ Long và Cần Thơ, có thể nói CDS đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp các đô thị phát triển một cách bền vững thông qua phát triển kinh tế, giảm đói nghèo. CDS là các quy trình có sự tham gia của người dân, trong đó chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò tạo điều kiện. Những chiến lược được xác định thông qua CDS có thể được thực hiện bởi chính quyền địa phương hoặc không” - ông Hải chia sẻ và mong muốn những kinh nghiệm này sẽ được triển khai tại TP.Tam Kỳ.
Một trong những mô hình được nhiều đại biểu dự Diễn đàn quy hoạch và phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu quan tâm tìm hiểu đó là Làng bích họa Tam Thanh tại TP.Tam Kỳ. Đây là một hợp phần của đề án du lịch sinh thái cộng đồng Tam Thanh trong khuôn khổ dự án chiến lược phát triển TP.Tam Kỳ do UN-Habitat phối hợp với Liên minh các thành phố và TP.Tam Kỳ thực hiện. Với mục tiêu đưa nghệ thuật vào không gian sống, nhiều bức tranh nghệ thuật đã được vẽ trên những bức tường nhà người dân. Dự án này đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương (mỗi ngày trung bình 400-500 lượt khách), cải thiện sinh kế cho người dân (dịch vụ ăn uống, giữ xe), làm sạch môi trường. |
Ở một góc nhìn khác, ông Ngô Thọ Hùng - chuyên gia UN-Habitat chia sẻ về việc lồng ghép chương trình phát triển phát thải thấp trong chiến lược phát triển thành phố. Theo ông Hùng, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Kèm theo đó góp phần làm gia tăng lượng khí nhà kính. Vì vậy, chiến lược phát triển phải gắn với các hoạt động như xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, quy chuẩn về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện giao thông, công nghệ carbon thấp. Hiện nay, tại Việt Nam đang thực hiện dự án LED với kỳ vọng xúc tiến và thực hiện các hoạt động hướng tới phát triển công nghệ carbon thấp tại địa phương.
Đối với TP.Tam Kỳ, theo Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Minh Nam, trong chiến lược phát triển của thành phố đã xác định chiến lược tăng trưởng xanh, cộng sinh với môi trường qua việc tận dụng tiềm năng về núi, sông, hồ, biển và hệ sinh thái đa dạng. Đồng thời phát triển bền vững nông - lâm - thủy sản gắn với vấn đề trị thủy an toàn. Ông Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat Việt Nam cho rằng điều đáng mừng là trong quá trình phát triển, TP.Tam Kỳ vẫn giữ được cân bằng sinh thái làng trong phố, cây xanh, dòng sông bao bọc, tạo nên sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Điều này cần được tiếp tục phát huy trong chiến lược xây dựng phát triển thành phố.
Sáng kiến của các địa phương
Trong chiến lược phát triển của địa phương, thực tế nhiều thành phố trên cả nước đã có những sáng kiến nhằm phát huy tiềm năng để tạo ra lợi thế cho quá trình phát triển. Chẳng hạn như TP.Cần Thơ - địa phương có mối quan hệ cộng sinh giữa con người và cảnh quan sông nước. Trong phát triển đô thị, địa phương này đã xây dựng thành đô thị xanh, đô thị sông nước, trong đó tiêu biểu là sáng kiến xây dựng cầu đi bộ Ninh Kiều. Chia sẻ về cầu đi bộ này, ông Trương Công Mỹ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho biết cầu có chiều dài 190m được khởi công xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2016 với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Ngoài vai trò là công trình giao thông, đây còn là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng văn hóa đặc trưng của miền tây, đóng góp vào sự nổi tiếng của bến Ninh Kiều. Qua đó đã góp phần cải thiện diện mạo đô thị, tạo không gian sinh hoạt công cộng, nơi tham quan cho người dân trong vùng và khách tham quan. “Qua gần một năm đưa vào hoạt động, cầu đi bộ Ninh Kiều đã bước đầu đem lại hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và hoàn thiện không gian công cộng, làm tăng kết nối giữa phát triển đô thị và giá trị truyền thống của địa phương” - ông Mỹ nói.
Phát triển nhiều cây xanh trong thành phố cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của đô thị Tam Kỳ. |
Một trong những băn khoăn trong quá trình phát triển của chính quyền nhiều địa phương đó là công tác quản lý đô thị. Năng lực cán bộ quản lý và xây dựng đô thị, nhất là phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh đang có một khoảng cách nhất định so với yêu cầu. Vì vậy, khi đưa mô hình quản lý đô thị dựa vào truyền thông xã hội, TP.Đà Nẵng trở thành địa phương tiên phong trên cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Duy - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Đà Nẵng, Group quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp được thành lập tháng 4.2013 đến nay đã có 24.500 thành viên. Mục đích là thu nhận các thông tin phản ánh vướng mắc, tồn tại các vấn đề về đô thị Đà Nẵng để kịp thời phát hiện xử lý. “Qua thời gian triển khai thực hiện, mặc dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhưng mô hình này đã đem lại những hiệu quả tích cực. Nhiều vấn đề, sự việc được các cơ quan quản lý xử lý kịp thời cũng như những ý tưởng, giải pháp đề xuất của người dân được thành phố tiếp thu. Đến nay, đây là kênh giám sát đô thị hiệu quả của các cơ quan quản lý” - ông Duy thông tin.
Mang đến hội nghị những kinh nghiệm từ đất nước Israel, ông Yossi Offer - chuyên gia quốc tế về đô thị cho rằng, trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ở đó các thành phố cạnh tranh với nhau về đầu tư và các nguồn lực, nhân lực thì việc đổi mới đóng một vai trò quan trọng để trở nên hấp dẫn hơn, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững. Dẫn chứng kinh nghiệm từ thành phố Tel Aviv và Jerusalem, vị chuyên gia này khẳng định: Để trở thành địa phương có năng lực cạnh tranh và hấp dẫn, các thành phố cần tích cực hỗ trợ cho những sáng kiến đổi mới phát huy. Đồng thời thực hiện các quy định và công cụ hỗ trợ như “vườn ươm”; khởi xướng các sự kiện và hoạt động phục vụ công tác hợp tác giữa địa phương và quốc tế.