Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia

Ngày 16/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia là đơn vị tư vấn lập quy hoạch này. Tham dự hội nghị về phía VIUP có Phó Viện trưởng Hoàng Vĩnh Hưng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đạt được trong suốt chặng đường qua. Nhấn mạnh quy hoạch và triển khai quy hoạch của Quảng Nam cần trên phương châm 8 từ “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Quảng Nam có nhiều nét riêng có về giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, về tính cách quyết liệt, chịu thương chịu khó; có “những cái nhất” về truyền thống cách mạng trung dũng kiên cường. Đây vừa là nền tảng về sức mạnh tinh thần vừa là nguồn lực, tài nguyên quý giá để Quảng Nam phát triển bứt phá trong thời gian tới; đồng thời xây dựng hình ảnh với tư cách một địa phương phát triển mạnh vẫn giữ được tài sản quý giá mà ông cha để lại cũng như thích ứng với xu thế phát triển bền vững trên thế giới.

Phó Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước tin tưởng, kỳ vọng về sự phát triển bứt phá Quảng Nam trong thời gian tới.

Phó Viện trưởng VIUP Hoàng Vĩnh Hưng (giữa) chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Ngày 17/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi Quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.

Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đạt hơn 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD đến 8.000 USD; thu ngân sách tăng bình quân hàng năm hơn 10% và tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo quy hoạch, phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "Hai vùng, Hai cụm động lực, Ba hành lang phát triển", phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hoá - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng: Là vùng động lực của tỉnh với các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh. 

Vùng Tây gồm các huyện miền núi: Là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ biên giới. 

Cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy. Nâng cao chất lượng khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp. Điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục quốc lộ 14B huyện Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với thành phố Đà Nẵng.

Cụm động lực Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh là khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với thành phố Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba hành lang phát triển gồm: 1) Hành lang từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển: Tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai; 2) Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh: Tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên-Huế; 3) Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang: Là trục giao lưu với vùng Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website