Toàn cảnh hội thảo
Báo cáo tóm tắt Phương án phát triển huyện - thị xã Đan Phượng - Phúc Thọ - Sơn Tây - Ba Vì, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Liên danh tư vấn) đánh giá, đây là 4 địa phương ngoại thành phía Tây trung tâm Thủ đô, được bao quanh bởi sông Hồng ở phía Bắc, sông Đà ở phía Tây, kết nối với trung tâm Hà Nội chủ yếu qua Quốc lộ 32. Đây là 4 địa phương chủ đạo của vùng văn hóa xứ Đoài với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, kiến tạo không gian xanh đô thị theo hướng sinh thái; có điều kiện để phát triển giao thông thủy, có thể hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn cung cấp cho các đô thị khác trên địa bàn Hà Nội và hướng đến xuất khẩu… Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị tư vấn, tính liên kết và kết nối vùng của 4 đơn vị hành chính cấp huyện này còn yếu, chỉ chủ yếu tập trung ở những địa bàn xung quanh Quốc lộ 32. Các dự án có tính động lực, điểm nhấn thúc đẩy phát triển chung đã hoạch định khá nhiều, nhưng chưa triển khai, chưa hình thành. Các dự án chậm triển khai, dự án treo theo mô hình khu ở dân cư làm ảnh hưởng tới mặt bằng phát triển. Tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều vấn đề. Nguồn lực đầu tư phát triển và chính sách phát triển chưa có đột phá.
Trên cơ sở phân tích thực trạng với những tồn tại, “điểm nghẽn” của 4 địa phương, đơn vị tư vấn đưa ra định hướng chiến lược phát triển chung cho cả vùng từ kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (phê duyệt năm 2011) và Vùng Thủ đô, là khai thác lợi thế Quốc lộ 32 và sự bổ trợ của tuyến hành lang sông Hồng, sông Đà, đại lộ Thăng Long… để xây dựng dải đô thị du lịch và nông nghiệp phía Tây Bắc Thủ đô. Bên cạnh đó, thu hút phát triển các trung tâm chức năng mới của nền kinh tế như dịch vụ du lịch quốc tế, thể thao, vui chơi, giải trí, sản xuất tiên tiến kinh tế tri thức... để hình thành các khu vực phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với đô thị. 4 huyện, thị xã cũng sẽ phát triển các khu vực đô thị tập trung theo mô hình TOD gắn với hình thành hệ thống giao thông hiện đại, thông minh, hạ tầng đô thị đồng bộ, hấp dẫn, thu hút dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động trí thức chất lượng cao. Phát triển không gian gắn với hình thành các trục quan trọng của Hà Nội gồm: Hành làng sông Hồng, sông Đà, hành lang Quốc lộ 32, và trục Hồ Tây - Ba Vì… Một số hướng phát triển khác như khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng; hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới hỗ trợ các vùng nông nghiệp - nông thôn, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Phúc Thọ. Riêng Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp, còn Đan Phượng phát triển mô hình đô thị nén, mô hình TOD phía Đông Vành đai 4…
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc góp ý tại hội thảo
Trao đổi về các nội dung đề xuất trong định hướng phát triển, lãnh đạo các sở ngành, chuyên gia và lãnh đạo 4 huyện, thị xã đều chung quan điểm: Việc đánh giá hiện trạng, chỉ tiêu, định hướng nhiều lĩnh vực của các địa phương còn chưa cụ thể, số liệu trong báo cáo chưa được cập nhật. Đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật số liệu mới, đồng thời, khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu, bổ sung những nét đặc thù, thế mạnh, lợi thế phát triển của từng địa phương nhằm hoàn thiện phương án phát triển để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Như GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam góp ý, nội dung định hướng tư vấn đưa ra cần phải làm thế nào đó để phát huy cao độ văn hoá xứ Đoài ở địa phương trong tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”. “Điểm nghẽn” của 4 địa phương hiện nay là kết nối giao thông, báo cáo tư vấn mới chỉ tập trung kết nối đường bộ, chưa quan tâm nhiều đến yếu tố kết nối từ đường vành đai, đường sông… Trong khi đó, sông Hồng vẫn là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô, sản sinh ra văn hoá. Do đó, tư vấn nên tính kỹ vị trí, vai trò của sông Hồng trong chức năng khu vực vùng lõi của văn hoá xứ Đoài này. Hay như Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ bày tỏ, với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, Thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của địa phương như: Thành cổ, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, khu du lịch Đồng Mô, các điểm nghỉ dưỡng sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sơn Tây cũng xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ với nhiều hoạt động phong phú, trở thành điểm đến mới hấp dẫn người dân và du khách. Do vậy, trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn bổ sung phát triển thêm về các không gian du lịch như hồ Đồng Mô, sông Hang, sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ gắn với các thiết chế văn hoá; hệ thống giao thông bổ sung thêm các tuyến 414B, 417, Thành cổ Sơn Tây - Đền Và - Phùng Hưng - Ngô Quyền…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải kết luận tại hội thảo
Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng phương án tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô một cách hiệu quả, chất lượng. Trong đó, cần đánh giá đúng thực tiễn, “điểm nghẽn” về cơ chế, thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục hành chính. Đặc biệt, lưu ý các sở ngành cần thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm, cập nhật đầy đủ hiện trạng phát triển ngành tại các địa phương, có như vậy mới đưa ra định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn, sáng tạo, đột phá. Đối với các địa phương, Phó Chủ tịch yêu cầu phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, Sở ngành, các chuyên gia để xây dựng các bước báo cáo lập Quy hoạch kịp thời gian theo quy định. Nội dung báo cáo cần có sự đánh giá kỹ hiện trạng, thực trạng, những vấn đề còn tồn tại, đồng thời, nêu được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó có cái nhìn toàn diện, đưa ra được định hướng, mục tiêu phát triển có trọng tâm, trọng điểm cùng danh mục dự án ưu tiên thực hiện theo quy hoạch. Đối với đơn vị tư vấn và Sở Tài nguyên và Môi trường, cần rà soát các vấn đề liên quan đến hệ thống bản đồ hiện trạng và bản đồ cập nhật định hướng. Riêng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cần thống nhất khung báo cáo, trong đó rõ nội dung từng lĩnh vực, Sở ngành, quận huyện, từ đó có thể tích hợp vào Quy hoạch đảm bảo khoa học, kịp tiến độ.