Định hướng về không gian đô thị
Tại buổi lấy ý kiến, đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã thuyết minh tóm tắt về đồ án, trong đó nhấn mạnh những điểm mới, mang tính đột phá của đồ án quy hoạch lần này. Theo đại diện đơn vị tư vấn, định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể TP. Nha Trang đến năm 2040 là nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có; phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía bắc, tây bắc, phía tây, phía nam và phía đông; phát triển ra biển tại các khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo, nhưng phải đảm bảo bảo tồn, tôn tạo và phát huy được các giá trị cảnh quan đặc trưng.
Người dân xem Đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Ngoài ra, đồ án định hướng xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở làm trung tâm, tạo bản sắc và nâng cao giá trị cho không gian xây dựng; thúc đẩy, đồng thời kiểm soát các không gian phát triển đô thị và du lịch; tổ chức các khu trung tâm đô thị gắn với các không gian mở công cộng trong lòng thành phố. Các không gian mở công cộng chính là điểm nhấn cảnh quan quan trọng để phục vụ người dân thành phố và thu hút du khách…
Đồ án quy hoạch định hướng tổ chức đô thị đa trung tâm, với trung tâm chính là dải đô thị ven biển và các khu trung tâm khác tại: khu vực sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái Đồng Trũng phía nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre, dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh các công viên trong mỗi khu đô thị. Trọng tâm của các khu trung tâm đô thị là các công trình hoặc cụm công trình điểm nhấn cao tầng để bổ sung và nhấn mạnh ấn tượng đô thị, làm gia tăng giá trị cảnh quan và du lịch, gia tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị.
Bà Phạm Thị Huệ Linh - đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết, TP. Nha Trang sẽ phát triển các khu dịch vụ, du lịch sinh thái núi. Trong các giai đoạn quy hoạch tiếp theo và khi triển khai dự án đầu tư, địa phương cần thực hiện khảo sát địa chất chi tiết để có các biện pháp phòng ngừa và loại trừ nguy cơ sạt lở đất; không xây dựng công trình ở những khu vực có nguy cơ sạt lở. Đối với các khu vực không có nguy cơ sạt lở, chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ đối với các dự án mới, theo hướng thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên và bảo đảm mật độ xây dựng tối đa không quá 10%.
Nhiều đột phá để phát triển
Theo báo cáo thuyết minh của đơn vị tư vấn, không gian phát triển của Nha Trang được hướng dẫn và kiểm soát phát triển theo 16 phân khu, phù hợp với đặc điểm hiện trạng và tiềm năng phát triển của từng phân khu, để mỗi khu vực có thể phát triển một cách năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế - xã hội - cảnh quan.
Cụ thể, khu 1 (các phường: Xương Huân, Vạn Thạnh, Lộc Thọ, Phước Tiến) sẽ điều chỉnh thiết kế công viên ven biển phục vụ hoạt động vui chơi, giao lưu công cộng, tắm biển; bổ sung dịch vụ vào công viên ven biển với mật độ xây dựng gộp tối đa 5%; mở rộng công viên phía nam cầu Trần Phú tới bề rộng tương đương với khu vực phía bắc cầu để giảm tác động xói lở tại khu vực phía nam cầu và không ảnh hưởng đến dòng chảy; đồng thời bổ sung bến tàu du lịch cho khu vực trung tâm thêm sống động và tăng giá trị. Khu vực này sẽ chuyển đổi chức năng ga Nha Trang (sau năm 2030), phát triển công viên gắn với bảo tàng tại khu vực ga; tổ chức tuyến phố đi bộ tại khu vực đường ray hiện hữu, bố trí dãy phố ở kết hợp dịch vụ đan xen khoảng sân công cộng tạo các điểm dừng chân, giao lưu cộng đồng. Tổng diện tích đất công viên, đường đi bộ và bảo tàng ga chiếm tối thiểu 6,5ha (khoảng 60% diện tích), còn lại khoảng 40% là các khu phố ở kết hợp dịch vụ đan cài và cung cấp dịch vụ cho hoạt động trong không gian đi bộ.
Đường Võ Nguyên Giáp được quy hoạch nối thẳng vào trục đường rộng 60m trong khu sân bay cũ
Khu 2 (khu vực sân bay cũ và vùng phụ cận) sẽ điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã có, phát triển khu đô thị trung tâm hỗn hợp, trọng tâm là hoạt động dịch vụ thương mại - tài chính và dịch vụ du lịch gắn với các công trình nhà ở, khu công viên, tuyến cây xanh công cộng. Khu vực này chủ yếu là công trình cao tầng, hạn chế bố trí thêm nhà ở thấp tầng; tổ chức Quảng trường Đại Dương vượt qua đường Trần Phú và kết hợp mở rộng ra không gian ven biển, tích hợp với các chức năng như: bảo tàng, triển lãm, dịch vụ văn hóa đa năng…
Khu 3 (khu vực Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên) sẽ xây dựng cảng Nha Trang đáp ứng nhu cầu đón tàu du lịch quốc tế, đồng thời phục vụ cho nhu cầu giao thông đường thủy của thành phố; cải tạo và nâng cấp khu dân cư ven biển Vĩnh Trường, bổ sung tiện ích để phát triển khu phố đi bộ, kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng tại khu vực này. Ngoài ra, một số khu vực như: Tây Nha Trang, núi Cô Tiên, bắc sông Cái và Hòn Nghê… cũng được định hướng phát triển với nhiều ý tưởng đột phá nhưng vẫn đảm bảo tính chất bền vững. Đáng chú ý là quy hoạch đường kết nối với đường Võ Nguyên Giáp rộng 60m nối thẳng vào trục đường chính trong đô thị sân bay cũ nhằm kết nối trung tâm TP. Nha Trang với trung tâm đô thị Diên Khánh, tạo động lực phát triển cho cả khu vực phía tây Khánh Hòa.
Thời gian lấy ý kiến cộng đồng về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 từ ngày 7-6 đến 7-7. Phiếu tham gia ý kiến gửi trực tiếp hoặc theo đường bưu điện đến UBND các xã, phường hoặc Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, số 16 đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ hoặc theo email: pqldt.nt@khanhhoa.gov.vn; điện thoại liên lạc: 0258.3522 903.