Hoàn thành sơ bộ phương án điều chỉnh để các ngành góp ý
Theo trình bày của Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn quốc gia, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 tập trung vào các mục tiêu chính về định hướng phát triển không gian tổng thể, quy hoạch sử dụng đất và phân vùng chức năng, định hướng về thiết kế đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đối với chiến lược phát triển du lịch, đến năm 2040, TP. Nha Trang sẽ tiếp tục phát huy dải đô thị trung tâm, phát triển đô thị du lịch trên đảo Hòn Tre, hình thành đô thị du lịch 2 bên vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, sẽ phát triển đô thị du lịch sông Cái, sông Quán Trường, kết nối với không gian du lịch biển; phát triển các đảo đô thị, lấy mặt nước làm trung tâm gắn với công viên rừng ngập mặn tại vùng trũng phía tây Nha Trang.
Quang cảnh hội thảo điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.
Đối với việc phát triển không gian đô thị, Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, cần chú trọng cải tạo, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu, nghiên cứu ban hành các quy định khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động cải tạo nâng cấp đô thị. Chính quyền cũng cần có giải pháp làm sống dậy các không gian đô thị đang bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả như: Vĩnh Hòa, Mỹ Gia, tây Lê Hồng Phong, An Viên… Đơn vị tư vấn cũng đề xuất việc phân vùng, hướng dẫn và kiểm soát phát triển Nha Trang theo các khu vực đặc trưng. Ví dụ, phía bắc núi Cô Tiên sẽ phát triển đô thị du lịch và chú trọng phát triển không gian cây xanh công cộng; khu vực ven biển từ bắc sông Cái đến mũi Kê Gà sẽ cải tạo bãi tắm, tổ chức không gian công viên mở đan xen dịch vụ, phát triển dải ven biển thành trung tâm đô thị du lịch…
Ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, đến nay, sở đã hoàn thành tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi phí lập đồ án điều chỉnh, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư lập đồ án, hoàn thành lựa chọn nhà thầu lập đồ án. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đang phối hợp với UBND TP. Nha Trang và UBND huyện Diên Khánh đánh giá, thống nhất nội dung dự kiến khớp nối trong phạm vi lập đồ án; rà soát, đánh giá các nội dung cần thiết điều chỉnh so với quy hoạch được phê duyệt năm 2012… Đến thời điểm này, trên cơ sở các nội dung nghiên cứu, rà soát, đánh giá nêu trên, sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành sơ bộ phương án điều chỉnh đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 để các ngành và chuyên gia tham gia góp ý.
Cần có ý tưởng đột phá
Theo kiến trúc sư Trần Đức Phi - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, hiện nay, yếu tố phát triển bền vững đang đối mặt nhiều thách thức khi biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra nhanh và ảnh hưởng sâu rộng trên mọi mặt. Nha Trang là đô thị ven sông, ven biển nên bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, kịch bản phát triển đô thị cần có định hướng điều chỉnh phù hợp. Việc tổ chức các không gian chức năng đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nằm trong quy hoạch chung phải vừa đáp ứng được chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, đồng thời đủ khả năng ứng phó tốt với điều kiện biến đổi khí hậu.
Kiến trúc sư Phi cho rằng, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 cần khai thác thế mạnh dòng sông, phát triển đô thị ven sông Cái... Những công trình hạ tầng đô thị nên đầu tư ổn định lâu dài để ứng phó khi mùa lũ lớn. Hầu hết các con sông chảy qua thành phố trên thế giới đều đầu tư những tuyến đường chạy hai bên bờ sông. Tại các thành phố khoanh vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên bờ sông thì cũng khéo léo bố trí đường bao kết hợp kè chắn nước hoặc làm đường trên cao cho an toàn. Quy hoạch chung lần này cần lưu ý quy hoạch 2 bên bờ sông Cái, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống ngập lũ vừa tăng cường giao thông đô thị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư trí tuệ nhân tạo cho rằng, trong thời gian qua, đã có nhiều đồ án nghiên cứu đưa ra các định hướng về phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị cho TP. Nha Trang. Tuy nhiên, để có thể định hướng cho thành phố có những bước phát triển bền vững, tầm cỡ thì cần có những ý tưởng đột phá và có tầm nhìn bao quát, quốc tế. Hiện nay, không gian đô thị của Nha Trang chủ yếu tập trung cao ở nội đô, nơi có quỹ đất rất hạn chế. Vì vậy, muốn hoạch định phát triển không gian đô thị có tầm cỡ quốc tế, cần mở rộng quỹ đất ngoại đô, giãn dân, giảm áp lực hạ tầng nội đô, tạo không gian mở phù hợp với sự phát triển trong tương lai. Vì vậy, ông Hiến đề xuất cần nghiên cứu phát triển quy hoạch các khu đô thị ngoại đô gắn kết với trung tâm thành phố, đó là các khu về phía tây, phía nam, phía tây bắc, phía bắc thành phố. Các khu này đều đáp ứng định hướng cho Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Ông Lê Hữu Hoàng cho rằng, đồ án cần làm rõ hơn về quy hoạch giao thông của TP. Nha Trang, nhất là giao thông công cộng. Đồ án điều chỉnh được phê duyệt phải có tính chiến lược lâu dài, nhấn vào hệ sinh thái đặc trưng của Nha Trang, quy hoạch mặt biển và bảo tồn văn hóa vùng đất và con người Nha Trang; quan tâm đến phát triển kinh tế biển của thành phố, tăng diện tích cây xanh, cần xây dựng các không gian ngầm, tích hợp đô thị thông minh và bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững, phù hợp với định hướng Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Thời gian tới, UBND TP. Nha Trang, UBND huyện Diên Khánh và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng trong quá trình triển khai lập đồ án bảo đảm đúng tiến độ đã được phê duyệt.