Đóng góp ý kiến cho đồ án điều chỉnh QHCXD khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/10/2018, Hội đồng KHKT Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã họp đóng góp ý kiến cho đồ án điều chỉnh QHCXD khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Viện trưởng Lưu Đức Cường làm chủ tịch hội đồng.

Quang cảnh chung

Theo báo cáo tóm tắt do ThS.KTS Lê Anh Dũng, chủ nhiệm đồ án trình bày, khu kinh tế mở Chu Lai (KKTM Chu Lai) được thành lập theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 43/2004/QĐ-TTg ngày 23/3/2004. Đến nay, sau 14 năm thực hiện, đồ án quy hoạch chung xây dựng KKTM Chu Lai cần được xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng; xu hướng liên kết, hợp tác khu vực, hợp tác liên vùng đang thu hút nhiều quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn sẽ đem lại cho KKTM Chu Lai nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả cao, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH.

ThS.KTS Lê Anh Dũng trình bày nội dung đồ án

KKTM Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên là 27.040ha, bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến và một phần xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành, các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú thuộc thành phố Tam Kỳ; xác xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam;

Theo điều chỉnh Quy hoạch, đến năm 2035 tổng dân số KKTM Chu Lai dự kiến khoảng 550.000 người. Dự báo nhu cầu sử dụng đất đai: Dự báo đất xây dựng công nghiệp năm 2035 khoảng 5.000ha, quỹ đất xây dựng các khu chức năng đô thị, du lịch, dịch vụ đến năm 2035 khoảng 7.000ha.

Những vấn đề sẽ xem xét, giải quyết trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch bao gồm: Phát triển các khu chức năng gắn với nhóm dự án động lực; Quy mô dân số & đô thị được tính toán hợp lý; Phát huy năng lực kết cấu hạ tầng để phát triển KT-XH; Cấu trúc & hình thái không gian đảm bảo kết nối & môi trường.

Theo đề xuất, KKTM Chu Lai sẽ phát triển theo mô hình dạng tuyến - cụm. Việc phân bố các KCN, khu đô thị, khu du lịch gắn với nhóm động lực: KCN Bắc Chu Lai; KCN Tam Hiệp, KCN Tam Anh gắn với nhóm dự án công nghiệp ô tô & CN hỗ trợ ngành ô tô; KCN Khí - điện gắn với nhóm dự án khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; KCN Tam Thăng gắn với nhóm dự án công nghiệp dệt may & hỗ trợ ngành dệt may; KCN Nam Thăng Bình, KCN CNC Thăng Bình gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao, dược liệu, linh kiện, thiết bị điện tử, các ngành công nghiệp sạch...

Thành viên hội đồng

Các khu đô thị: KĐT Bình Minh thuộc đô thị trung tâm Bình Minh và KĐT Bình Hải - Bình Sa chịu ảnh hưởng lan tỏa của nhóm dự án khu đô thị - du lịch Nam Hội An; gắn với phát triển du lịch & dịch vụ công nghiệp. KĐT Đông Tam Kỳ thuộc TP Tam Kỳ gắn với sự phát triển của nhóm dự án dệt may & hỗ trợ ngành dệt may; với chức năng dịch vụ đào tạo - hành chính - du lịch của KKT. KĐT Tam Anh thuộc đô thị Núi Thành gắn với cảng biển, logistics và công nghiệp tại KCN Tam Anh. KĐT Núi Thành thuộc đô thị Núi Thành gắn với sân bay Chu Lai; với chức năng trung tâm hành chính - chính trị của đô thị Núi Thành - dịch vụ sân bay & dịch vụ công nghiệp.

Đối với khu du lịch: Hình thành các vùng du lịch tập trung: Vùng đông nam Thăng Bình phát triển du lịch đặc thù, cao cấp (các trường đua, thể thao biển, du lịch biển cao cấp) gắn với nhóm dự án Khu đô thi - du lịch Nam Hội An. Ven biển từ Tam Tiến đến Tam Hòa và các khu làng chài ven biển Bình Hải, Bình Nam, Tam Thanh được sắp xếp lại, gắn phát triển du lịch cộng đồng với nông nghiệp CNC, mỗi làng chài ven biển là một làng du lịch công đồng gắn với nông nghiệp CNC (có nuôi trồng, bảo quản, đánh bắt hải sản).

Dựa trên cấu trúc và hình thái phát triển không gian, đồng thời tổ chức không gian các khu chức năng phù hợp với yêu cầu phát triển mới, đồ án xác định toàn KKTM Chu Lai được phân thành các phân khu chức năng cơ bản gồm: Khu phi thuế quan: 1.012ha; Khu công nghiệp: 5.010ha; Khu cảng và Logistic: 1.135ha; Khu đô thị (5 khu); Khu nông nghiệp công nghệ cao: 190ha; Khu du lịch - dịch vụ tập trung: 2.060ha; Khu dân cư hiện trạng: 4.300ha.

Hầu hết các khu chức năng theo QHCXD năm 2004 đều phải điều chỉnh quy mô (diện tích, dân số), chức năng.

Tại cuộc họp các thành viên hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để nhóm nghiên cứu hoàn thiện nội dung.

Kết luận tại cuộc họp, Viện trưởng Lưu Đức Cường đánh giá đồ án được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận. Tuy nhiên, một số nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung như cần nghiên cứu thêm về tầm nhìn, tránh chung chung, trìu tượng; cần dẫn chiếu QH cấp cao hơn (tập trung QH hạ tầng), QH ngành. Đối với 4 cụm động lực: làm kỹ cơ sở khoa học, bán kính phục vụ, yếu tố tạo động lực, mối liên hệ giữa các cụm; Rà soát kỹ hơn về những việc đã thực hiện được trong đồ án phê duyệt năm 2004 để đề xuất giải pháp, đặc biệt lưu ý vấn đề hạ tầng kỹ thuật; Dự báo dân số: cần tiết chế, kiểm tra số liệu, tính toán sát với thực tiễn. Trong nội dung nghiên cứu thủy văn, hải văn phải bổ sung thêm số liệu thông tin, ngập bao nhiêu mét, khu vực nào hay ngập, bổ sung bản đồ ngập lụt; bổ sung bản vẽ hiện trạng hạ tầng kỹ thuật; phân tích thêm về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; nghiên cứu kỹ hơn về tác động của BĐKH và nước biển dâng và kiến nghị, giải pháp cho vấn đề này. Nghiên cứu về QH chất thải rắn và nghĩa trang cần viết lại rõ hơn. Đồ án cần bổ sung các dự án phân khu. Trong kiến nghị cần đề nghị tỉnh khẩn trương  triển khai QH phân khu theo đề xuất của đồ án để kiểm soát phát triển.

 

(Nguồn:VIUP)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website